Lãnh đạo địa phương, các ngành cần phải đi, phải nghe, chỉ đạo quyết liệt
Nhiều chính sách ưu việt nhưng chưa hiệu quả
Mở đầu phiên chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài chính và Sở GĐ-ĐT, đại biểu Nguyễn Đình Thiên cho rằng, một số nghị quyết liên quan đến giáo dục, như Nghị quyết 26/2021/NQ-HĐND ngày 22-7-2021 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách đối với học sinh và giáo viên các Trường THPT chuyên và chính sách khuyến khích học sinh giỏi và giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi ở các Trường THPT, Phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Nghị quyết 36/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 về mức chi lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông; Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND ngày 19-4-2021 về phát triển văn hóa đọc cho các học sinh THPT trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa được đưa vào thực tiễn, nguyên nhân chậm trễ và giải pháp xử lý trong thời gian đến.
Trả lời nội dung trên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam Đặng Phong cho rằng, Nghị quyết 21 không quy định chi tiết mức hỗ trợ cho từng địa phương, cũng như cho các đơn vị trường học. Kinh phí ngân sách tỉnh cấp cho Sở GD-ĐT phân bổ cho các Trường THPT không thực hiện được bị hủy dự toán nhiều. Nguyên nhân, do Sở GD-ĐT và các trường THPT chuyên còn lúng túng trong việc xác định mô hình, quy mô Thư viện Điện tử, Thư viện thông minh (thư viện số) nên chậm Ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng… đối với các thiết bị không có trong danh mục thiết bị do Bộ GD-ĐT ban hành, để làm cơ sở tổ chức mua sắm.
Đối với Nghị quyết số 26, Sở Tài chính cho rằng không có quy định cụ thể về tiêu chí lớp học áp dụng chính sách này, nên Sở Tài chính đã căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 36/2024/NQ-HĐND về định mức bình quân làm cơ sở phân bổ dự toán. Để thống nhất việc phân bổ kinh phí thực hiện nội dung này, Sở Tài chính đề nghị Sở GD&ĐT cần có thuyết minh cụ thể để bố trí dự toán cho phù hợp.
Nhiều khó khăn trong giải ngân
Trên lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Đức cho rằng, việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhiều lần tác động đến việc điều hành của UBND tỉnh; nếu ngay từ đầu lập dự toán sát với tình hình thực tế thì làm sao phải điều chỉnh… Trả lời nội dung này, ông Đặng Phong cho rằng việc điều chỉnh tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Việc điều chỉnh là bất khả kháng, trong quá trình triển khai dự án có nhiều yếu tố tác động nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, nhiều đại biểu cho rằng, 37 dự án Trạm Y tế vùng đặc biệt khó khăn được triển khai từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Mới đây, tỉnh tiếp tục triển khai xây mới 76 Trạm Y tế, dự kiến hoàn thành trong năm nay, thế nhưng đến nay các dự án mới giải ngân dưới 50%. "Trong trường hợp cuối năm nay, một số dự án, đặc biệt là các dự án xây mới Trạm Y tế vẫn chưa hoàn thành, nguồn kinh phí bị Trung ương thu hồi thì chủ đầu tư và các ngành chức năng xử lý như thế nào", đại biểu Trần Thị Bích Thu nêu vấn đề.
Trả lời những ý kiến trên, ông Huỳnh Xuân Sơn- Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh (BQL) cho rằng, đối với việc đầu tư mạng lưới các Trạm Y tế vùng đặc biệt khó khăn, dự án được triển khai từ năm 2019. Dự án lúc đầu giao Sở Y tế làm chủ đầu tư, đến năm 2023 mới giao BQL tiếp nhận. BQL đã rất khẩn trương, tuy nhiên thủ tục rườm rà, qua nhiều bước, mất nhiều thời gian. Đến ngày 7-12 sắp tới Ban mới chấm thầu, đầu năm sẽ triển khai thi công.
"Giai đoạn vừa qua luật đấu thầu thay đổi nên phải đợi Nghị định hướng dẫn, sau đó mới trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Khi triển khai thì gặp nhiều nhà thầu yếu kém về năng lực, ngoài ra giá cả vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ dự án", ông Sơn nói đồng thời cho rằng, để xảy ra việc chậm trễ trên, Giám đốc BQL dự án tỉnh Quảng Nam nhận trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư.
Lãnh đạo địa phương, các ngành cần phải đi, phải nghe, chỉ đạo quyết liệt
Báo cáo, giải trình một số nội dung trước HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho rằng, thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến nhiều đại biểu rất quan tâm. "Tháng nào cũng họp bàn giải ngân, nhưng vẫn còn nhiều đồng chí ở các sở ngành địa phương còn hời hợt, chưa vào cuộc quyết liệt, bài bản, một số dự án chỉ vướng một chút 50-60m2 nhưng không ai bàn, không tháo gỡ không giải ngân được. Do đó lãnh đạo địa phương, các ngành cần phải đi, phải nghe, chỉ đạo quyết liệt; kiên quyết không sân trước sân sau, không lợi ích nhóm, không lợi ích gì thì mới giải ngân được, đừng đổ nguyên nhân này nguyên nhân kia. Ai thiếu trách nhiệm phải có biện pháp. Sắp tới xem xét, chủ đầu tư nào để dự án kéo dài nhiều năm, trì trệ thì phải thay thế vị trí, kể cả Chủ tịch huyện", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng nói đồng thời cho biết: "Năm nay, Quảng Nam được các tổ chức quốc tế bầu chọn, đánh giá, trao thưởng nhiều giải thưởng quý giá, như: Khu nghỉ dưỡng Hoiana, làng rau Trà Quế, Di sản văn hóa phi vật thể Mỳ Quảng…
Khách du lịch hơn 8 triệu lượt, hơn thời kỳ trước dịch COVID-19. Có nhiều điểm mới được nhân dân đồng tình, miễn học phí được nhân dân đánh giá cao, nhiều học trò đoạt giải quốc tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, chế độ chích sách quan tâm đúng mức… Có được kết quả này cảm ơn sự tập trung chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, tháo gỡ được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, sự vào cuộc của mặt trận, đoàn thể… Có thể khẳng định cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách đồng bộ, vượt qua khó khăn, gỡ được nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, được toàn dân đánh giá rất cao và đồng tình ủng hộ…", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ.
TRẦN TÂN