Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu dạy - học khối THPT và giáo dục thường xuyên
Qua kiểm tra thực tế tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh, việc sớm đầu tư nâng cấp, cải tạo trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là rất cần thiết. Sau 21 năm khánh thành và đi vào hoạt động, đến nay điều kiện cơ sở vật chất nhà trường đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện dạy - học của giáo viên và học sinh.
Được biết, dự án Nâng cấp, sửa chữa trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có tổng vốn đầu tư 58 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, nhằm sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo phòng học và ổn định điều kiện cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu dạy học của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 7-2024.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Sở GD-ĐT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cùng phối hợp hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đảm bảo khởi công dự án đúng tiến độ, hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 3-2025. Đồng thời, tiến hành song song các bước chuẩn bị để triển khai giai đoạn 2 của dự án vào tháng 5-2025 ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Anh Thi cũng lưu ý Sở GD-ĐT phối hợp với nhà trường và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư giai đoạn 3 của dự án để sửa chữa, nâng cấp khu nội trú của nhà trường và những hạng mục cần thiết khác. “Việc đầu tư nâng cấp trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không chỉ tạo điểm nhấn công trình kiến trúc mà còn là bước hiện thực hóa chủ trương tập trung đầu tư phát triển GD-ĐT của thành phố, cả về cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục”- Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT thành phố, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024-2025, toàn thành phố có 2.000 học sinh không đăng ký thi và gần 800 học sinh không đậu vào các trường THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Việc định hướng cho gần 2.800 học sinh này vào học tại các trường nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên là vấn đề cấp bách của ngành giáo dục thành phố hiện nay.
Sau khi kiểm tra thực tế tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 3, cơ sở 2, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Anh Thi cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh của Trung tâm hiện nay quá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu vào học của học sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang, nơi chiếm tỷ lệ gần 50% trong số học sinh gần 2.800 học sinh nêu trên. Bên cạnh đó, địa bàn huyện cũng chưa có trường nghề để các em theo học.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi giao Sở GD-ĐT rà soát, nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố phương án đề xuất Bộ GD-ĐT tăng chỉ tiêu biên chế giáo viên cho thành phố dựa trên nhu cầu thực tế về số lượng học sinh; đồng thời, xây dựng phương án mở thêm điểm trường tại khu vực phía Bắc huyện Hòa Vang nhằm phục vụ nhu cầu giáo dục - đào tạo cho con em bà con dân tộc thiểu số 4 xã: Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Sơn, Hòa Liên.
Thanh Hoa