Báo Công An Đà Nẵng

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đối thoại với tiểu thương chợ Đức Phổ

Thứ sáu, 24/06/2016 10:50

(Cadn.com.vn) - Sáng 23-6, tại Trung tâm văn hóa H. Đức Phổ (Quảng Ngãi), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã tiếp xúc, đối thoại với tiểu thương chợ Đức Phổ về chủ trương chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh tại chợ Đức Phổ cũ về chợ Đức Phổ mới. Kể từ khi chợ Đức Phổ mới chính thức hoạt động, đã hơn 10 lần chính quyền địa phương tổ chức tiếp xúc, đối thoại với tiểu thương để lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của bà con nhằm hoàn thiện phương án hoạt động kinh doanh tại chợ Đức Phổ mới.

Chợ Đức Phổ mới (trái) và chợ Đức Phổ cũ. Ảnh: T.T- Đ.T

“Năn nỉ” tiểu thương vào chợ mới

Chợ Đức Phổ cũ hoạt động từ trước năm 1975, đến nay đã cũ, xuống cấp, không đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường... không đảm bảo là chợ loại 1 nên cần dịch chuyển các hoạt động kinh doanh buôn bán đến địa điểm mới. Từ thực tế và chủ trương quy hoạch H. Đức Phổ (Quảng Ngãi) thành thị xã trực thuộc tỉnh nên UBND H. Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã đồng ý cho Công ty cổ phần đầu tư Hà - Mỹ Á (Cty Hà-Mỹ Á) đầu tư xây dựng chợ Đức Phổ mới với tổng kinh phí 55 tỷ đồng và khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 3-2015.

Tuy nhiên, việc di dời hoạt động kinh doanh từ chợ cũ sang chợ mới đã gặp không ít trở ngại do tiểu thương phản đối và thói quen mua sắm của người dân. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm xúc tiến nhanh quá trình đóng cửa chợ Đức Phổ cũ như: tuyên truyền “năn nỉ” tiểu thương chuyển sang kinh doanh ở chợ mới, hỗ trợ giảm giá từ 10-30% cho người dân mua sắm ở chợ mới... nhưng hiệu quả không như chính quyền địa phương mong đợi. Hiện vẫn còn 125 tiểu thương chưa đồng ý với chủ trương chuyển chợ của huyện mà vẫn buôn bán ở chợ cũ và do chợ mới và chợ cũ gần nhau, tình hình buôn bán ở chợ mới ế ẩm nên đã có thêm 53/330 tiểu thương đã vào chợ mới kinh doanh nhưng nay đã chuyển về lại chợ Đức Phổ cũ để buôn bán hoặc tạm nghỉ bán tại chợ mới.

Để hoàn thiện thủ tục đóng cửa chợ cũ, UBND H. Đức Phổ đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh đưa chợ Đức Phổ cũ ra khỏi quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn và xin điều chỉnh mục đích sử dụng đất, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2016 để xây dựng công trình công viên cây xanh tại chợ cũ. Đến ngày 14-6-2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định đưa chợ cũ Đức Phổ ra khỏi quy hoạch hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Quảng Ngãi.

Về biện pháp thực hiện trong thời gian tới, đối với hợp đồng của các tiểu thương còn thời hạn với chợ cũ, UBND H. Đức Phổ và nhà đầu tư thực hiện theo nguyên tắc hoán đổi, giữ nguyên thời hạn, giá thuê cũng như diện tích khi chuyển về chợ mới cho đến khi hết thời hạn hợp đồng. Nếu tiểu thương không tiếp tục kinh doanh sẽ được hoàn tiền đã thuê ô quầy và bồi thường thiệt hại vật chất liên quan theo quy định pháp luật. Để giảm bớt khó khăn khi chuyển đến kinh doanh ở chợ mới, nhà đầu tư cam kết với các tiểu thương đã hết hạn thuê tại chợ cũ là năm đầu tiên được miễn phí tiền thuế, năm thứ 2 bằng giá thuê năm cuối ở chợ cũ.

Sai sót trong quy trình thực hiện

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, nhiều tiểu thương thắc mắc tại sao hợp đồng thuê ki-ốt đến năm 2023 nhưng lại có trong danh sách đã hết hợp đồng tại chợ Đức Phổ cũ. Một số tiểu thương kiến nghị giữ lại chợ truyền thống và cho rằng chợ cũ xuống cấp thì nâng cấp, chợ nhỏ thì mở rộng trong khi chợ cũ hiện tại vẫn đủ để kinh doanh. Tiểu thương cũng nêu câu hỏi có quy định nào về việc ở 1 địa phương chỉ được tồn tại 1 chợ hay không và xây xong chợ mới phải đóng chợ cũ? Tiểu thương cho rằng, ban đầu xây dựng chợ mới bà con không được biết đó là chợ mà là Khu trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở liền kề, nhưng xây dựng xong lại nói đó là chợ và yêu cầu bà con phải chuyển vào buôn bán. Khi vào chợ mới thì chi phí cao hơn, các mặt hàng hóa cũng cao hơn, vậy thì lợi ích thuộc về ai, ai là người bị thiệt? Bà con cũng muốn thông tin rõ ràng về việc có di dời chợ hay không, nếu di dời thì lúc nào di dời để tiểu thương yên tâm buôn bán.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận quy trình thực hiện công khai xây dựng chợ mới và quy hoạch chợ cũ thành công viên có một số sai sót. Năm 2011, chính quyền sửa chữa chợ cũ trong khi sẽ xây dựng chợ mới là không nên, gây nên sự bức xúc cho tiểu thương. Việc xử lý hợp đồng đã ký kết phải thỏa thuận giữa BQL chợ với tiểu thương cho thỏa đáng...

Kết luận tại buổi tiếp xúc, đối thoại, ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng: Buổi đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn để tất cả các tiểu thương cùng tự nguyện về một chợ để kinh doanh. H. Đức Phổ có trách nhiệm tiếp tục vận động, tuyên truyền để tiểu thương hiểu và thực hiện các chủ trương của chính quyền, đồng thời tiếp thu ý kiến của bà con. Những tiểu thương đã mua, thuê, sửa chữa ki-ốt tại chợ cũ nay muốn trả lại tiền thì BQL chợ có trách nhiệm trả lại tiền và tiền lãi suất theo ngân hàng cho bà con. Những tiểu thương muốn tiếp tục kinh doanh tại chợ mới thì được hưởng những chính sách như chợ cũ trong những năm còn hợp đồng. Huyện có chính sách hỗ trợ an sinh 1 lần cho các tiểu thương một cách công khai, minh bạch, công bằng phù hợp với hoàn cảnh từng người. Về miễn giảm tiền thuê mặt bằng, năm thứ nhất miễn, năm thứ 2 bằng chợ cũ, năm thứ 3-4 tăng không quá 20% so với chợ cũ. Huyện lập, phê duyệt và chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh chợ cũ về chợ mới, ban hành quyết định chấm dứt hoạt động chợ cũ, đảm bảo an toàn, an ninh, tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng công viên trên diện tích mặt bằng chợ cũ, hoàn thành vào năm 2017.

B.T