Báo Công An Đà Nẵng

Lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ thúc đẩy chính sách tăng cường răn đe hạt nhân

Thứ hai, 25/05/2020 12:46

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã đưa ra các chính sách mới nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì Ủy ban Quân sự Trung ương, trong bức ảnh chưa được xác nhận do Cơ quan Thông tấn Trung ương chính thức của Triều Tiên công bố vào ngày 24-5.  Ảnh: AFP

Triều Tiên xác định ngày thành lập quân đội  là ngày quốc lễ

Yonhap đưa tin, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngày 24-5 đưa tin: nước này chọn ngày mà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành thành lập các lực lượng du kích kháng Nhật hồi năm 1932 trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Triều Tiên, là ngày quốc lễ.

Theo đó, một sắc lệnh đã được ban bố từ hôm 20-5, chính thức lựa chọn ngày 25-4 - ngày thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên (KPRA) - là ngày quốc lễ. Tờ báo nêu rõ: “Nhằm tổ chức kỷ niệm có ý nghĩa ngày thành lập KPRA, ngày 25-4 hàng năm đã được chọn làm ngày quốc lễ”.

“Tăng khả năng của các lực lượng vũ trang cách mạng”

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin: Chủ tịch Kim Jong-Un đã chủ trì Hội nghị mở rộng lần thứ 4 của Quân ủy Trung ương (CMC) 7 và một trong những nội dung nổi bật nhất được ông nhắc tới đó là việc kêu gọi “tăng cường hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân của đất nước” và “đặt các lực lượng vũ trang chiến lược vào thế sẵn sàng chiến đấu cao”. KCNA không nêu cụ thể những yêu cầu của răn đe hạt nhân, nhưng nói rằng “các biện pháp quan trọng” đã được đưa ra tại cuộc họp “để tăng đáng kể năng lực tiến công cho lực lượng pháo binh của Quân đội Nhân dân Triều Tiên”.

Bản tin của KCNA nêu rõ: “Nhà lãnh đạo tối cao đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc nhận thức toàn diện vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Lao động Triều Tiên đối với Quân đội Nhân dân Triều Tiên bằng cách củng cố các thể chế chính trị và bộ máy tổ chức Đảng tại tất cả các cấp trong quân đội, đồng thời tăng cường vai trò và chức năng của các tổ chức này; củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện các hoạt động quân sự, chính trị, hậu cần, quốc phòng cũng như mọi vấn đề khác phù hợp với tư tưởng và định hướng của Đảng trong bất kỳ hoàn cảnh nào… Nhà lãnh đạo kính yêu đặc biệt nhấn mạnh vấn đề then chốt đó là luôn phải duy trì năng lực chính trị và quân sự của các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên”.

Hội nghị cũng “xem xét và phân tích một loạt các hạn chế trong các hoạt động quân sự và chính trị của các lực lượng vũ trang tổng thể của Triều Tiên” và thảo luận về “các vấn đề phương pháp để khắc phục chúng và mang lại sự cải thiện mạnh mẽ”. Hội nghị cũng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác như vấn đề chính trị và tổ chức của quân đội nhằm giúp các lực lượng vũ trang Triều Tiên “có khả năng bảo vệ vững chắc ổn định chính trị và chủ quyền quốc gia, ngăn chặn một cách đáng tin cậy mọi mối đe dọa thường trực dù lớn hay nhỏ từ các thế lực thù địch”. Chương trình nghị sự của hội nghị còn bao gồm vấn đề kiện toàn các đơn vị mới của Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Tại hội nghị, Chủ tịch Kim Jong-Un ký 7 sắc lệnh liên quan tới các vấn đề của quân đội Triều Tiên như trách nhiệm và vai trò của các cơ sở giáo dục quân sự lớn, tổ chức lại hệ thống chỉ huy quân sự “để đáp ứng nhiệm vụ của các tổ chức an ninh” và thúc đẩy hàng ngũ quân đội của các sĩ quan chỉ huy.  Theo KCNA, hội nghị “đóng vai trò là một bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa to lớn trong việc tăng khả năng của các lực lượng vũ trang cách mạng”.

Tại Hội nghị, ông Ri Pyong Chol đã được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên.

Mỹ sắp thử hạt nhân?

Tin tức về các cuộc thảo luận hạt nhân của Triều Tiên xuất hiện sau khi tờ Washington Post hôm 22-5 đưa tin: chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thảo luận về việc tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ kể từ năm 1992 như một lời cảnh báo đối với Nga và Trung Quốc.

Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Mỹ, nói với tờ báo rằng quyết định này có thể “phá vỡ” các cuộc đàm phán với ông Kim Jong-Un bởi nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ “không còn cảm thấy buộc phải tôn trọng cam kết ngừng thử hạt nhân”. Những yêu cầu mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần này diễn ra trong bối cảnh các Cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ kể từ mùa thu năm ngoái. Vào thời điểm đó, ông Kim cảnh báo rằng có lẽ phải đến cuối năm 2019, hai bên mới có thể nối lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, khi Washington không có bất kỳ động thái nào, trong một Thông điệp ngày Năm mới 2020, ông Kim tuyên bố, Triều Tiên sẽ tăng cường răn đe hạt nhân, và không còn bị áp đặt lệnh cấm thử nghiệm vũ khí lớn.

Triều Tiên đã tăng cường thử nghiệm tên lửa vào đầu năm nay. Hồi cuối tháng 3, Triều Tiên đã bắn một vật thể bay không xác định xuống vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, lần phóng thứ sáu chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

AN BÌNH