Lạnh nhạt hay lo lắng?
(Cadn.com.vn) - Trung Quốc có cảm xúc lẫn lộn khi nghe thông tin về việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Có lẽ, tuyên bố ra tranh cử của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ không khiến nhiều người ngạc nhiên và người Trung Quốc tất nhiên cũng vậy. Bởi lẽ, Bắc Kinh luôn dõi theo một cách thận trọng mọi diễn biến từ chính trường Mỹ. Nhưng trên thực tế, chính quyền Bắc Kinh cũng tỏ ra khá lạnh nhạt với tuyên bố tranh cử của bà H.Clinton. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là vấn đề nội bộ của Mỹ, ngụ ý rằng, Trung Quốc không có lợi ích cụ thể trong đó.
Thay vào đó, ông Hồng Lỗi đi vào nhấn mạnh, việc duy trì mối quan hệ lành mạnh phù hợp với lợi ích căn bản của hai nước sẽ giúp bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Nhưng giới phân tích cho rằng, có nhiều điều phải suy nghĩ đằng sau sự thờ ơ này bởi rõ ràng, bất kỳ sự thay đổi nào trong hệ thống chính trị Mỹ cũng ảnh hưởng sâu sắc đến các chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Có hai Hillary Clinton khác nhau được biết đến ở Trung Quốc. Khi là vị đệ nhất phu nhân đến thăm Trung Quốc vào những năm 1990, Bắc Kinh thật sự ấn tượng mạnh với những gì họ nhìn thấy ở bà đó là sức hút, sự khôn ngoan và ân sủng dành cho họ trên sân khấu chính trị thế giới đằng sau hình ảnh người chồng tài ba, Tổng thống Bill Clinton. Cái tên H.Clinton chứng tỏ sức ảnh hưởng, sự nổi tiếng trong cuốn tự truyện ra mắt năm 2003 có tựa đề “Living History”, nói về những năm đầu trên cương vị đệ nhất phu nhân. Cuốn sách trở thành một trong những cuốn bán chạy nhất ở Trung Quốc.
Ngược lại, khi trở thành Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama, từ năm 2009-2013, Trung Quốc bắt đầu nhìn bà H.Clinton như một “con diều hâu” lắm lời, thô lỗ, thường gắt gỏng và luôn xuất hiện để cố tình bóc mẽ Bắc Kinh về các vấn đề như thương mại, nhân quyền, tranh chấp lãnh thổ, vị thế của họ tại HĐBA LHQ. Nét nổi bật trong nhiệm kỳ ngoại trưởng của bà H.Clinton, đó là chữ ký cho chiến lược “Tái cân bằng Châu Á”, động thái mà Bắc Kinh coi là nhằm chống lại và cô lập họ trong khu vực.
Rõ ràng, trở thành một tổng thống khác hoàn toàn với vị thế của một ngoại trưởng. Nhiều người cho rằng, bất chấp lập trường chống lại Bắc Kinh trong thời gian ở tại Bộ Ngoại giao, khi trở thành Tổng thống, bà sẽ phải tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc và duy trì chiến lược mà cả hai có thể hợp tác và cạnh tranh hòa bình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - người từng hủy bỏ cuộc họp theo kế hoạch với bà H.Clinton vào năm 2012 khi còn là Phó Chủ tịch - chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ chiến dịch tranh cử tổng thống của bà H.Clinton.
Điều này cho thấy, ai trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức khó khăn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bà H.Clinton, người được biết đến nhiều nhất ở Trung Quốc trong số các ứng cử viên tổng thống năm 2016, có thể bắt đầu chiến dịch thông điệp về Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều người ở Trung Quốc sẽ chờ đợi để xem liệu ứng viên tổng thống Hillary Clinton sẽ nhắm gì đến quốc gia đông dân nhất thế giới.
Thanh Văn