Báo Công An Đà Nẵng

Lao đao vì thép Trung Quốc

Thứ sáu, 25/09/2015 10:18

(Cadn.com.vn) - Sức tiêu thụ sản phẩm thép trong những tháng gần đây tăng trở lại, song ngành thép trong nước vẫn như đang ngồi trên lửa do sức ép của hàng nhập khẩu ngày càng lấn át ngay trên sân nhà.

Thép Trung Quốc thâm nhập thị trường với giá bán rẻ hơn nhiều so với thép trong nước khiến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước chật vật cạnh tranh.

THÉP TRUNG QUỐC “LẤN SÂN”

Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, 8 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu thép các loại qua cảng Đà Nẵng tăng 18,22% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, lượng thép và phôi thép được nhập về từ Trung Quốc tăng kỷ lục, kim ngạch đạt hơn 1,5 triệu tấn với tổng giá trị gần 3 tỷ USD, tăng 398% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này chứng tỏ lượng thép và phôi thép Trung Quốc đang “độc chiếm” thị trường Đà Nẵng.

Tuy thép Trung Quốc chất lượng kém so với sắt thép sản xuất trong nước, nhưng vì giá rẻ hơn 1 - 2 triệu đồng/tấn nên vẫn được thị trường tiêu thụ nhiều. Các cơ sở kinh doanh thừa nhận, lượng thép cuộn phi 6 – 8, thép ống có xuất xứ từ Trung Quốc đang được các nhà thầu xây dựng đặt hàng. Những nhà thầu xây dựng đặt mua thép xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu sử dụng ở các công trình nhà ở dạng “chìa khóa trao tay”, chung cư hoặc pha trộn tại những công trình lớn với tỷ lệ nhất định.

Ông Nguyễn Hữu Siêng, chủ đại lý thép Hữu Thiên trên đường Điện Biên Phủ cho biết, các sản phẩm sắt thép bán hiện nay tại cửa hàng mặc dù là mang thương hiệu Việt nhưng nguồn gốc và xuất xứ từ Trung Quốc. Các nhà máy bây giờ họ không còn sản xuất phôi mà nhập phôi từ Trung Quốc với giá rẻ để về sản xuất ra thành phẩm. Ông Siêng cho biết thêm, giá thép liên tục giảm trong một thời gian ngắn khiến các đại lý kinh doanh thép gặp rất nhiều khó khăn. Nếu cuối năm 2014 giá thép ống là 18 triệu đồng/tấn, thì từ đầu năm đến nay đã giảm hơn 5 triệu đồng/tấn, nhiều đại lý trữ hàng để bán lỗ không kịp trở tay.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Thái Bình Dương cho hay, năm nay là năm “được mùa” xây dựng nhưng hầu hết các nhà máy thép trong nước đều cắt giảm công suất, thậm chí nhiều nhà máy nhỏ phải đóng cửa chuyển sang làm đại lý do chi phí sản xuất cao không thể cạnh tranh được với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là thép cây, thép cuộn và phôi thép Trung Quốc có giá rẻ tràn ngập trên thị trường.

Không khó để hỏi mua các sản phẩm thép Trung Quốc trên thị trường.

CÁC NHÀ MÁY THÉP ĐIÊU ĐỨNG

Riêng nhà máy thép Thái Bình Dương được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại với công suất 300.000 tấn/năm nhưng cũng chỉ hoạt động khoảng 50% công suất. Theo bà Nguyễn Thị Xuân, nhà máy mua thép phế liệu làm nguyên liệu luyện phôi và từ phôi cán ra thép thành phẩm, giá xuất xưởng khoảng 10,4 triệu đồng/ tấn sắt cây và 10,2 triệu đồng/tấn sắt cuộn. Trong khi đó, phôi thép Trung Quốc nhập về rẻ hơn phôi trong nước 500 -800 ngàn đồng/tấn, chưa kể thép cuộn từ Trung Quốc cũng theo phôi ồ ạt nhập về Việt Nam bán cho các đại lý với giá chỉ khoảng 8,8 triệu đồng/tấn.

Ngoài áp lực đối phó với thép Trung Quốc, các doanh nghiệp (DN) thép còn phải gặp khó khăn với các chính sách mới. Đó là, kể từ ngày 15-6-2015 DN thép phải ký quỹ môi trường 20% tổng giá trị đơn hàng khi nhập thép phế liệu. “Hiện tại mỗi tháng, Cty Thép Thái Bình Dương phải nhập khoảng 10.000 tấn thép phế liệu giá trị khoảng 60 tỷ đồng, tiền ký quỹ xấp xỉ 12 tỷ đồng, buộc công ty phải chạy vay thêm vốn và vô tình tăng thêm phần khó khăn cho DN” - bà Xuân nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, chủ Công ty thép Kim Liên (đường số 9 Khu công nghiệp Hòa Khánh) bức xúc vì thép Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp ào ào tràn vào thị trường “bóp chết” hàng loạt DN sản xuất thép trong nước. Nhà máy thép Kim Liên hoạt động hơn 10 năm nay với công suất từ 500 – 700 tấn/tháng nhưng cũng phải đóng cửa 2 tháng nay vì liên tục thua lỗ. Không những nhà máy thép Kim Liên, hàng loạt nhà máy thép khác tại KCN Hòa Khánh như Hòa Hiệp, Tấn Hiền, Thanh Tín, Nam Hải, Thiên Kim... cũng đang trong tình trạng tạm đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng để giữ chân bạn hàng truyền thống.

KHÔNG THỂ  NGĂN CẢN HÀNG TRUNG QUỐC?

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Trung Quốc là nước chiếm gần một nửa sản lượng thép trên thế giới và cũng chính là nước xuất khẩu mặt hàng thép sang các nước nhiều nhất. Trong khi đó, để hạn chế thép Trung Quốc vào, Liên minh Châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) với thuế suất từ 24% - 25% với thép Trung Quốc và từ 10,9% tới 12% với Đài Loan (Trung Quốc). Điều này đang khiến thép giá rẻ từ Trung Quốc quay đầu sang thị trường Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã phá giá đồng nội tệ nên hỗ trợ rất nhiều cho các DN thép của họ khi xuất khẩu sang các nước khác trong đó có Việt Nam nhờ đó, giá bán sản phẩm đến Việt Nam rất rẻ, gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của DN trong nước.

Cũng theo ông Kha, đa số thép Trung Quốc tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều có hóa đơn chứng từ và nhãn phụ nên nên cơ quan chức năng không thể tiến hành xử lý các đơn vị kinh doanh.

Bên cạnh đó, còn một vấn đề rất đáng lưu tâm khác, liên quan đến chất lượng thực sự của thép trong nước. Giám đốc một công ty thép tại KCN Hòa Khánh tiết lộ, một số DN sản xuất thép trong nước không còn nhập phế liệu để sản xuất phôi như trước đây mà hầu hết nhập phôi Trung Quốc với giá rẻ về để sản xuất ra thành phẩm mang thương hiệu của mình bán ra thị trường với giá thấp để cạnh tranh...

Xuân Đương