Lao động cưỡng bức thời chiến - nguyên nhân chiến tranh thương mại Nhật - Hàn?
Một cuộc chiến thương mại giữa Nhật, Hàn có thể sắp nổ ra, 75 năm sau khi Tokyo đầu hàng.
Người biểu tình Hàn Quốc xé lá cờ khổng lồ của Nhật Bản trong một cuộc biểu tình gần đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul vào năm ngoái. Ảnh: AFP |
Một tòa án ở Hàn Quốc hôm 4-6 quyết định bắt đầu một thủ tục pháp lý để thanh lý tài sản đang tịch biên của Cty Nippon Steel & Sumitomo Metal của Nhật Bản vì đã không thực hiện phán quyết của tòa về việc đền bù cho các nạn nhân người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản cảnh báo sẽ đáp trả mạnh mẽ đối với mọi động thái thanh lý các cổ phần mà Cty của Nhật Bản sở hữu. Người phát ngôn chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố “để bảo vệ các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp Nhật Bản, chính phủ sẽ đáp trả vụ việc này với mọi lựa chọn có trên bàn”. Hai nguồn tin thân cận với chính phủ Nhật Bản rằng, việc thanh lý tài sản là một “giới hạn đỏ” đối với Tokyo. Nếu “giới hạn” này bị đứt, Tokyo sẽ trả đũa Seoul bằng các biện pháp kinh tế từ công nghiệp đến tài chính. Các biện pháp này sẽ vượt xa những trả đũa thương mại ngoại giao hồi năm 2019, năm mà nhiều người cho là năm tồi tệ nhất từ trước đến nay về quan hệ giữa hai nền dân chủ Đông Bắc Á.
Quyết định hôm 4-6 của Hàn Quốc trùng hợp với những diễn biến bất ngờ trong một vấn đề từ lâu đã gây chia rẽ hai nước: Vấn đề phụ nữ mua vui, những người bị bắt phục vụ trong các nhà thổ quân sự Nhật Bản vẫn còn sống hiện nay. Cuộc đấu tranh lịch sử-ngoại giao-pháp lý giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã khiến hai nước ngày càng chia rẽ và hơn thế nữa.
Bắt đầu như thế nào?
Bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến là vấn đề hai nước đã tranh luận gay gắt kể từ năm 2018, khi một tòa án ở Pohang, đông nam Hàn Quốc phán quyết tịch thu tài sản của Cty Mitsubishi Heavy Industries và Nippon Steel & Sumitomo Metal. Các tài sản từ sau này là cổ phần trong một liên doanh với Cty thép Nhật Bản POSCO trị giá khoảng 800.000 USD.
Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã yêu cầu Nippon Steel đền bù cho 4 nạn nhân người Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động không được trả tiền trong thời Chiến tranh thế giới II, giai đoạn Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng. Sau khi công ty trên từ chối đền bù theo phán quyết của tòa, các bên nguyên đơn đã đề nghị tịch biên tài sản, và tòa án ở Pohang đã chuẩn y.
Sau động thái của Hàn Quốc, tháng 7-2019, Tokyo đột ngột thắt chặt việc xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro florua có độ tinh khiết cao (HF) sang Hàn Quốc. Tới tháng 8 cùng năm, Nhật Bản tiếp tục loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các đối tác thương mại được hưởng ưu đãi xuất khẩu. Seoul đã phản ứng bằng cách loại Nhật Bản khỏi “danh sách trắng” thương mại trong khi người tiêu dùng Hàn Quốc giận dữ tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và không du lịch đến Nhật Bản.
Ngành công nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc không gặp khó khăn quá nhiều. Tranh chấp xảy ra ở điểm thấp của siêu chu kỳ bán dẫn, có nghĩa là các nhà sản xuất có hàng tồn kho dồi dào và có thể bảo đảm có được các sản phẩm liên quan từ các nhà cung cấp khác trong khi nỗ lực phát triển một số sản phẩm của riêng họ. Hơn nữa, nguồn cung ba loại hóa chất của Nhật Bản bị chậm lại nhưng không bị dừng lại - cho phép Seoul tiếp tục sản xuất.
Vào thời điểm đại dịch Covid-19 tấn công Đông Á, vấn đề tranh cãi lắng xuống. Vào tháng 5-2020, Seoul một lần nữa kêu gọi Tokyo dỡ bỏ các quy định thương mại vào cuối tháng, đồng thời kêu gọi Nhật Bản cùng nỗ lực để khắc phục hậu quả kinh tế từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Nhật Bản đã không đổi ý. Phía Hàn Quốc cho biết họ đã nhận được phản hồi từ Nhật Bản trước hạn cuối 31-5 vừa qua. Dù không cung cấp thông tin chi tiết, Seoul có hàm ý rằng phản hồi của Tokyo đã “không đáp ứng được mong đợi”.
Vấn đề nguyên tắc
Có vẻ như, tiền không phải là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ đô la. Đối với cả hai nước, vấn đề lớn ở đây là nguyên tắc. Đối với Hàn Quốc, đó là công lý lâu dài đối với các nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, đây là vấn đề của các hiệp ước trước đây và sự ủy thác song phương. Đối với cả hai quốc gia, đó là một phiên tòa tại tòa án công luận toàn cầu.
Quan điểm của Hàn Quốc là những lao động thuộc địa bị buộc phải làm việc cho các Cty Nhật Bản, thường là trong điều kiện gớm ghiếc, phải được bồi thường. Người Hàn Quốc được dạy rằng, chế độ thực dân Nhật Bản (1910-1945) là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của họ, với những tội ác tồi tệ nhất gây ra đối với phụ nữ, cũng như những người lao động cưỡng bức.
Nhiều người Hàn Quốc tin rằng ngày nay, người Nhật không biết gì về thế hệ trước của họ hoặc đơn giản là từ chối thừa nhận họ. Họ nói rằng, Nhật Bản chưa bao giờ xin lỗi một cách chân thành hoặc không đền bù đủ, và rằng nước này đang tìm cách tái vũ trang. Trong khi đó, Nhật Bản cho rằng vấn đề bồi thường lao động thời chiến đã được giải quyết từ lâu. Khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1965, một gói tài trợ kinh tế lớn và các khoản vay mềm, với tổng trị giá 800 triệu USD, đã được Tokyo trả cho Seoul dưới dạng bồi thường từ thời thuộc địa. Các cuộc đàm phán trước khi ký hiệp ước đã bao gồm chi tiết về số tiền phải trả cho mỗi lao động.
Sau phán quyết của tòa án Hàn Quốc năm 2018, Nhật Bản yêu cầu trọng tài quốc tế can thiệp trên cơ sở hiệp ước năm 1965, song Hàn Quốc từ chối. Cho rằng chính phủ Hàn Quốc hiện tại đã vô hiệu hóa thỏa thuận Seoul-Tokyo năm 2015 nhằm chấm dứt tranh chấp giữa hai nước về vấn đề phụ nữ mua vui, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gọi chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Moon Jae-in là “không đáng tin cậy”.
Nhiều người Nhật tin rằng, mặc dù các hoàng đế, thủ tướng và nội các Nhật Bản đã xin lỗi Hàn Quốc và đền bù thỏa đáng nhưng người Hàn sẽ không bao giờ hài lòng, và người Hàn Quốc đã phóng đại hoặc làm sai lệch thời thuộc địa của họ để làm xấu mặt Nhật Bản.
Căng thẳng thương mại “nóng” trở lại
Hôm 2-6, Hàn Quốc thông báo sẽ tái khởi động quy trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang nước này. Ông Na Seung-sik, một quan chức của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, cho biết giới chức nước này đã đi đến kết luận rằng họ không thể tiến hành các cuộc đàm phán bình thường với Nhật Bản, vốn là tiền đề của việc đình chỉ khiếu nại tại WTO. Do vậy, Hàn Quốc sẽ mở lại quy trình giải quyết tranh chấp tại WTO về chính sách kiểm soát xuất khẩu Nhật Bản đối với ba vật liệu công nghiệp.
Phía Hàn Quốc nhấn mạnh rằng nước này đã giải quyết hai trong ba nguyên nhân khiến Tokyo tăng cường hạn chế xuất khẩu, chỉ còn vấn đề hai nước ngừng đối thoại chính sách. Do đó, Hàn Quốc sẽ chứng minh tính bất hợp pháp và không thỏa đáng của hành vi đơn phương hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp. Seoul sẽ tập trung mọi nguồn lực để nhanh chóng giải quyết vấn đề này.
Với quyết định này, Hàn Quốc có kế hoạch yêu cầu WTO lập hội đồng giải quyết tranh chấp về thương mại với Nhật Bản. Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO sẽ mất tới hơn một năm, mặc dù thời gian giải quyết có thể phụ thuộc vào tiến độ đàm phán. Theo Hàn Quốc, tranh chấp thương mại này gây thiệt hại cho xuất khẩu của Nhật Bản nhiều hơn so với của Hàn Quốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang nước láng giềng trong năm 2019 đã giảm 6,9% xuống còn 28 tỷ USD so với một năm trước đó. Nhưng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc đã giảm hơn 12,9% xuống còn 47 tỷ USD. Tuy nhiên đối với Seoul, việc loại bỏ các rào cản thương mại là rất quan trọng. Vì nền kinh tế nước này phụ thuộc vào xuất khẩu, trong ngành này đang chịu nhiều áp lực khi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và đi lại trên toàn cầu. Lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 5 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp với mức giảm 23,7%.
Nhật Bản lấy làm tiếc về việc Hàn Quốc tái xúc tiến quy trình khởi kiện Nhật Bản lên WTO. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng năm 2019, Hàn Quốc cũng đã đình chỉ tạm thời việc khởi kiện này, tuy nhiên, những quy chế xuất khẩu mà Nhật Bản đang áp dụng với các nước đối tác là không thay đổi. Do đó, Nhật Bản lấy làm tiếc khi Hàn Quốc tái khởi kiện vấn đề này.
AN BÌNH