Báo Công An Đà Nẵng

Lão ngư 30 năm “đánh dấu” đáy biển Hoàng Sa, Trường Sa

Thứ năm, 15/12/2016 11:07

(Cadn.com.vn) - 30 năm gắn bó với biển, gia tài lớn nhất mà lão ngư Võ Tẩn (53 tuổi) trú xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) tích lũy được là cuốn "Nhật ký Hoàng Sa, Trường Sa" ghi lại những tọa độ thường cho nhiều tôm, cá. Nhờ đúc kết kinh nghiệm “vàng” mà quá trình khai thác thủy sản của ngư dân này ít gặp rủi ro hơn.

Lão ngư Võ Tẩn giới thiệu cuốn "Nhật ký Hoàng Sa, Trường Sa".

Tiếp chúng tôi trong căn nhà hai tầng khang trang, lão ngư Võ Tẩn để lộ nước da cháy sém, gương mặt trổ những vết nám. Thấy khách ngỏ ý hỏi về quyển “Nhật ký Hoàng Sa, Trường Sa” của mình, ông vội mở tủ lôi ra hai cuốn vở cũ- mới rồi nói, “bí kíp” ở cả trong này. Quyển mới tinh là quyển sao chép, ông để vợ cất giữ, còn quyển vở hoen ố, nhàu nát vì nước biển phả vào là vật báu ông luôn mang bên mình. Mỗi chuyến vươn khơi xa, nó lại trở thành thứ hữu ích... Chúng tôi lật từng trang giấy, những nét chữ ngoằn ngoèo viết vội còn hằn in. Nào là Trường Sa, nào là Hoàng Sa rõ mồn một. Ông Tẩn khẳng định rằng, những điểm đánh bắt cá, tôm ở hai ngư trường chính này ông nắm trong lòng bàn tay, dấu chân ông đã kinh qua tất cả, chẳng sót nơi nào cả. Lão ngư kể rành rọt: Trường Sa có 100 điểm, Hoàng Sa có 50 điểm, ai tìm được hơn thì tôi thua. Cái khí phách chất phác của con người miền biển như ông Tẩn khiến ai nấy đều phải tin về những gì ông nói. Rồi bất giác ông thần người khi nghĩ về ký ức đã xa, từ những ngày đầu tiên giáp mặt với biển khi mới ở độ tuổi đôi mươi. Với con tàu không số công suất 30CV, Võ Tẩn đã “đạp sóng” ra vùng biển Lý Sơn. Ông tâm sự: “Khi ấy làm gì có tiền mà mua máy định vị, ít nhất cũng 6-7 triệu đồng, tính giá vàng thì biết bao nhiêu mà kể, một số tiền quá lớn so với khả năng gia đình có. Mình đành lưu tọa độ bằng tay. Cứ khi nào lặn xuống gặp luồng cá, lúc lên là lôi vở ra chép ngay, sợ quên mất. Dần dà, con số dày lên, quá trình khai thác thuận lợi hơn, mình nghĩ ngay đến việc đóng tàu mới công suất lớn, vươn ra ngư trường xa”. Biển Đông rộng lớn dường như biết ông Tẩn với những con tàu có công suất từ 380- 710 CV do ông chắt chiu tiền của để đóng. Với 4 con tàu mới, cái ông tự đi, cái ông cho người thân mượn lái, hình thành nên đội quân hùng hậu, sát cánh cùng nhau trên “trận tuyến” khai thác lộc biển. Trong cuộc đời mỗi ngư dân, được sở hữu những con tàu khủng như thế, được làm chủ vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là cả một niềm kiêu hãnh khó gì sánh bằng. Có tàu mới, có cả những máy móc hiện đại nhưng, cách ghi chép truyền thống ông Tẩn vẫn giữ và xem nó như một phần không thể thiếu trong hành trình lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước. So sánh về sự khác nhau, ông cho biết: “Máy móc tuy chính xác nhưng hạn chế ở chỗ chỉ cho mình điểm có luồng cá chứ không lưu lại được tọa độ trên đó. Chuyến biển sau phải tiếp tục đi dò. Còn mình ghi chép đầy đủ vào sổ, cứ khi nào nhổ neo tàu thì giở ra chọn vài điểm có sẵn thẳng tiến, giảm bớt thời gian hành trình, lại đánh đâu trúng đó, 10 thì được tới 9”. Ông Tẩn còn ghi chép cả những đảo có đầm (vòng ngoài cạn, có luồng vào trong sâu) phòng khi có gió bão thì biết điểm gần nhất mà vào tránh trú. Nhờ thế, hạn chế được rủi ro khi đánh bắt trên biển và giảm thiểu thiệt hại đáng kể. “Năm sau tôi sẽ đóng mới thêm một chiếc 710CV nữa để vươn khơi hiệu quả hơn”-lão ngư nói chắc nịch.

 Ở xóm Gành Cả ấy, ngư dân nào cũng có cuốn “bí kíp” như ông Tẩn nhưng tuổi đời thì không bằng ông. Vì vậy, lão ngư còn được dân làng mệnh danh là “bậc thầy” chế ngự biển cả.Cuốn “Nhật ký Hoàng Sa, Trường Sa” đã cho gia đình lão ngư cơm no áo ấm. Cứ mỗi chuyến biển đi về (hơn 1 tháng), khoang tàu đầy ắp cá. Trung bình, ông Tẩn đánh bắt được 8-9 tấn cá/chuyến, có lúc lên tới 10 tấn. Với sản lượng khai thác dồi dào như vậy, tổng thu nhập mỗi chuyến biển mà ông thu về không dưới 500-600 triệu đồng. 14 bạn tàu thân thuộc của ông cũng nhờ “phúc” của chủ mà có của ăn của để, lo được miếng ăn và của để dành cho vợ con. Tình yêu biển thì vẫn ngự trị trong tâm can của lão ngư Võ Tẩn nhưng đến lúc ông phải giao phó lại cho con trai mình gánh thay điều đó. Cuốn "bí kíp” đành sang tay. Có lẽ, niềm vui lớn nhất của ông Tẩn là nhìn hai con trưởng thành về nghề, xem Hoàng Sa, Trường Sa là ngôi nhà thứ hai; và cuốn nhật ký chẳng mỏng đi mà ngày càng dày thêm những con số, những tọa độ mới.

Vĩnh Trọng