Lão nông “bao đồng”
(Cadn.com.vn) - Về khối phố Cẩm Sa (P. Điện Nam Bắc, TX Điện Bàn, Quảng Nam) hỏi ông Phạm Thế Mỹ, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều biết và gọi ông với cái tên “ông Mỹ từ thiện” “ông Mỹ vá đường” hay “ông Mỹ máy bơm”… Tất cả những tên ấy đều gắn với những công việc mà ông Mỹ đã làm cho người dân nơi đây mấy chục năm qua. Chúng tôi gặp ông Mỹ khi ông đang đóng giếng nước cho một hộ dân ở khối phố Cẩm Sa. Nhìn dáng đi khập khiễng của ông, thật khó tưởng tượng người đàn ông này đã làm tất cả những việc nặng nhọc ấy. “Chẳng mấy ai được như ông Mỹ. Đóng giếng nước, người khác lấy tiền công ba đến bốn trăm nghìn, còn ông Mỹ chỉ lấy có 100 nghìn đồng, người nghèo thì ổng không lấy tiền. Khi dành dụm được ít tiền thì ổng lại đi sửa đường, trồng cây”-anh Phạm Hữu Phước (khối phố Cẩm Sa) nói về ông Mỹ.
Những giếng nước do ông Mỹ đóng trên khắp cánh đồng |
Từ những năm 1995, lúc đó những con đường ở địa phương lầy lội và khó đi, chứ chưa được thảm bê-tông như bây giờ. Thấy người dân đi lại vất vả, ông Mỹ gom gạch, đá vụn, mỗi ngày từ 4 đến 6 giờ sáng, ông lặng lẽ thắp đuốc vá những chỗ đường hỏng. Mỗi ngày ra đồng, người dân lại thấy những ổ gà, ổ voi hôm trước biến mất, mà không biết ai là người sửa đường. Mấy tháng sau, một người đi làm đồng sớm, thấy ông Mỹ chong đèn vá đường, lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ. “Khi biết tôi đi vá đường, nhiều người bảo tôi bao đồng, đi làm chuyện không công, vợ tôi cũng khuyên không nên làm nữa. Nhưng tôi nghĩ, dù việc mình làm nhỏ nhưng giúp được cho bà con thì cứ làm”-ông Mỹ tâm sự. Hễ nghe chỗ nào có xà bần, là ông lại kéo về trữ sẵn, để dành đi vá đường. Người dân ở đây, vẫn thường kể câu chuyện, hơn 3 năm trời ông Mỹ cần mẫn dùng chiếc xe kéo tự chế chở gạch, đá để làm con đường dài gần 2 km vào rừng dương chạy dọc nghĩa trang P. Điện Nam Bắc giúp học sinh đến trường, công nhân đến khu công nghiệp gần hơn.
Đâu chỉ có vậy, người dân ở vùng cát Điện Nam Bắc còn cảm phục ông Mỹ đóng giếng nước giữa đồng. Trong nhiều năm qua, ông Mỹ đã đóng 5 giếng nước ở khắp các cánh đồng. Những giếng nước bơm bằng tay đã giúp cho nông dân không phải vất vả gánh nước từ xa để pha thuốc trừ sâu hay vệ sinh sau khi làm đồng. “Ông Mỹ tự bỏ tiền để đóng những giếng nước này, có những giếng nước trong và mát nên người dân nhiều thôn đến lấy mang về uống. Như ở thôn Phong Hồ, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nên trước đây người dân trong thôn phải mất gần 200 nghìn đồng/ tháng để mua nước sử dụng, nhưng từ ngày có giếng nước ông Mỹ đóng, người dân đến lấy nước về dùng”-ông Phạm Toàn (khối phố 2A, Điện Nam Bắc) thán phục khi kể về những việc làm của ông Mỹ. Ở mỗi giếng nước, chúng tôi thấy ông Mỹ cẩn trọng ghi lại số điện thoại, mà ông bảo “nếu lúc nào có trục trặc, chỉ cần người dân gọi là đến sửa chữa, bảo trì”.
Ông Mỹ đóng giếng nước cho hộ dân ở thôn Cẩm Sa. |
Để có tiền làm những chuyện “không công”, ông Mỹ chắt chiu từ việc vá xe hay thu nhập ít ỏi từ làm nông, nhiều lúc không còn tiền thì ông đi gõ cửa xin kinh phí. Trước đây, thấy bà con nông dân vất vả gánh phân, gánh lúa qua các mương ruộng, ông về chặt tre bắc cầu, được một thời gian thì tre mục nát, ông lại chặt hạ 8 cây dừa ở vườn nhà để tạo đường đi. Nhưng thân dừa cũng chẳng bền, ông đến nhiều nơi xin được 4 triệu đồng, về lọ mọ mua xi-măng, sắt thép, đúc 40 cái bi bắc qua mương ruộng cho người dân đi. Rồi nhìn cánh đồng nắng cháy không có bóng cây để nông dân trốn nắng nóng, ông Mỹ lại trồng hàng trăm cây xanh, xây các điểm dừng chân dọc các con đường chạy ra đồng để bà con nghỉ ngơi. Ông cần mẫn trồng, chăm sóc cây hết năm này đến năm khác, để bây giờ những hàng cây rợp bóng mát và mỗi lần đến đây nghỉ chân nhiều người lại thầm cảm ơn ông. Làm chuyện xã hội thế thời gian đâu chú lo công việc gia đình?, tôi hỏi – “Phải biết sắp xếp thời gian chứ, đi vá đường, trồng cây thì sáng sớm tôi làm, sau đó về lo chuyện đồng áng trong nhà, tối về thì tranh thủ đúc bi hoặc đi gom lốp xe máy để đắp bờ mương. Việc nhà tôi lo chu đáo nên vợ chẳng ý kiến chi”-ông Mỹ cười giải thích.
Gần bước vào tuổi thất thập, nếu như nhiều người khác đã nghỉ ngơi để an dưỡng thì ông Mỹ vẫn tiếp tục với công việc xã hội của mình. Hơn chục năm nay, dù mắc bệnh thoái hóa khớp chân, bác sĩ khuyên không làm việc nặng và phải thay khớp nhân tạo, nhưng ông Mỹ vẫn cần mẫn kéo đá vá đường. Ông tâm sự: “Trời thương cho tôi khỏe ngày nào thì còn tiếp tục giúp bà con”. Trong góc nhà, ông Mỹ treo hàng chục bằng khen tuyên dương việc làm của ông cho xã hội, nhưng tôi nghĩ, với ông niềm vui lớn nhất là được tiếp tục làm những việc tốt đẹp cho đời và nhận được tin yêu của mọi người.
Minh Hà