Lát cắt số phận tình yêu thời hậu chiến
(Đọc tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm của nhà văn Nguyễn Trọng Tân, NXB Hội nhà văn năm 2020)
Tình yêu, số phận con người sau chiến tranh, vẫn là mảng đề tài đầy sức hấp dẫn và cuốn nhiều nhà văn khám phá, chinh phục. Không phải là những câu chuyện chữa lành vết thương của một ai đó, mà mỗi một trăn trở của nhà văn Nguyễn Trọng Tân trong tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm, được anh hoàn tất trong những ngày đất nước thời bình đang trải qua cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, khiến tôi xúc động. Đất nước Việt Nam, những miền quê vực dậy sau khói đạn chiến tranh, con người, vẫn còn đó nỗi dắt day tràn ngập. Mỗi một con chữ ẩn sau trang văn của tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm là một cuộc rượt đuổi cảm xúc xoáy sâu trong thân phận con người, tình yêu và bối cảnh xã hội.
Tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm của Nguyễn Trọng Tân. |
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân có một tuổi thơ không bình yên đúng nghĩa. Thời của các anh, là những tháng năm mà tiếng gọi lên đường vì Tổ quốc đã thành huấn chỉ, đã ăn vào máu và lằn vào nếp nghĩ. Những chàng trai, cô gái ở làng quê Bắc Bộ đã đi vào văn chương, bằng một cách nào đó khiến người đọc ở mọi thế hệ buộc phải thay đổi tư duy, để cảm thấu và chia sẻ. Trong những chuỗi ngày mặn mòi hơn nước mắt, của tình yêu, sự tráo đổi số phận hay đúng hơn là những cái lưng chừng khiến người đọc hối tiếc, hụt hẫng. Đó là một tình yêu trọn vẹn trong khoái cảm, sự hòa hợp trong tâm hồn và ân ái. Tất cả, đủ để người đọc may mắn được rung lên những cung bậc tột cùng với nhân vật. Đó là thành công của nhà văn, khi biết gặt hái cảm xúc từ câu chữ.
Tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm tập trung kể tình yêu của những người lính, bỏ dỡ giảng đường đại học để ra chiến trường, rồi may mắn trở về sau lằn ranh sinh- tử, lại trở về giảng đường để tiếp tục học tập. Sự chuyển giao thế hệ giữa những sinh viên là cựu quân nhân và lớp sinh viên trẻ trên giảng đường đã khiến cho cuộc sống và những ước mơ, khát vọng của bao chàng trai trẻ chực bùng dậy. Và rồi tình yêu đến, với những cảm xúc đầu tiên, những rung cảm mang cả niềm kiêu hãnh và cả lòng vị tha. Mọi thứ, kết nối ước mơ của bao nữ sinh với khát vọng được chinh phục và những người lính trở về giảng đường với quân phục còn mang mùi bom đạn... Và trong số những nhân vật được xây dựng trong tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm, họ là bạn của nhà văn Nguyễn Trọng Tân. Họ, cũng là hình mẫu của những tình yêu không có hồi kết, không đến được với nhau trọn vẹn nhưng lại khiến người đọc phải xúc động. Sự khác nhau giữa hai thế hệ sinh viên, một từ chiến trường bom đạn trở về, một từ những nữ sinh văn khoa mười tám đôi mươi với nhiều khát vọng đẹp. Tình yêu không có lỗi và người yêu người không có lỗi nhưng phải làm sao vượt qua được những bức tường ngăn cách mà không để lại trong tim mình một vết đau nào? Khó vô cùng. Tất cả các nhân vật xuất hiện trong Đa đoan cõi tạm đều để tập trung làm rõ, làm mới cuộc tình của Tạ Văn Độ với Bạch Dạ Hoa và mối tình kỳ lạ ngang trái giữa Đặng Nguyên Trực với Hoàng My và Thy Sen. Nếu Đặng Nguyên Trực trở về sau chiến tranh, với một gia đình tan vỡ, hạnh phúc không trọn vẹn, với sự mặc cảm đã có một đời vợ, thì Hoàng My là thanh xuân trở lại, kéo Nguyên Trực trở về với xúc cảm trẻ, tình yêu trẻ và kéo cả một nửa thanh xuân của đời người lính từng vào sinh, ra tử.
Tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm mang một hơi thở mới, một luồng sinh khí mới đối với những ai đã và đang theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng. Xoáy sâu vào những cánh cửa của chiến tranh, đằng sau chiến tranh và thân phận người, chưa bao giờ nguôi ngưng nguồn cảm hứng sáng tạo của những người chọn văn làm đời, chọn chữ làm hạnh phúc, như Nguyễn Trọng Tân. Nhà văn Nguyễn Trọng Tân rất nhiều lần sử dụng giấc mơ của Đặng Nguyên Trực về bến Giữa, rồi giấc mơ hiến kế thủy thần. Bảy giấc mơ, là gút thắt dẫn truyện độc đáo và có sức hấp dẫn người đọc. Các giấc mơ mang bổn phận giải mã tình yêu, thân phận và nỗi đau. Tình yêu, luôn có hai thái cực. Và nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã chọn cho mình một cái kết không thể ngọt ngào hơn với một cõi tạm mà không tạm. Với một mối tình chung thủy nặng sâu trong mối tình tròn hai mươi năm của Nguyên Trực - Hoàng My.
Gần 300 trang sách đầy đặn, Đa đoan cõi tạm là cuốn tiểu thuyết thứ năm trong đời văn của Nguyễn Trọng Tân, góp phần làm giàu thêm những đứa con tinh thần mà anh đang sở hữu với sáu tập truyện ngắn, tám tập bút ký cùng nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước mà anh đã được trao tặng. Trân trọng gửi đến bạn đọc cuốn tiểu thuyết Đa đoan cõi tạm của nhà văn, nhà báo Nguyễn Trọng Tân.
Đà Nẵng, tháng 11-2020
Nguyễn Thị Anh Đào