Báo Công An Đà Nẵng

Lắt lẻo cầu tạm Sơn Tiến

Thứ ba, 04/11/2014 08:00

(Cadn.com.vn) - Có mặt tại xóm Sơn Tiến, xã Thọ Hợp, H. Quỳ Hợp (Nghệ An) khi mặt trời đã đứng bóng. Nhìn từng tốp học sinh chen chúc nhau đi qua cây cầu tạm bằng tre đang run rẩy dưới bóng nước sông Dinh, chúng tôi không khỏi rùng mình, lo lắng. Em Lê Thị Hương như trút được gánh nặng sau khi qua cầu, cho biết: “Một ngày cháu đi qua cầu 4 lần để đến lớp, chiều về nhiều khi đi một mình sợ lắm. Có nhiều hôm, sáng đi học qua cầu, chiều về không thấy cầu nữa vì mưa lũ cuốn trôi mất lại phải ở lại nhà bạn mai đi học, chờ làm lại cầu mới về nhà được”.

Cây cầu tạm này có chiều dài hơn 100m, là phương tiện duy nhất để cho 55 hộ dân sinh sống trong xóm Sơn Tiến tiếp cận với “thế giới văn minh” bên ngoài. Hàng ngày, hàng trăm người dân và các em học sinh từ bậc Mầm non đến bậc THPT đều phải gửi mình cho cầu tạm để qua sông Dinh học tập và làm việc. Qua quan sát, cây cầu tạm này được làm bằng những cây gỗ nhỏ và tre đặc. Những cây gỗ to nhất, chắc chắn nhất chỉ bằng bắp tay người lớn, được dùng để làm cọc đóng giữa lòng sông, hai bên là những cây tre đặc dùng để chống cho cầu đỡ nghiêng và rung. Mặt cầu là những thanh tre được chẻ ra rồi đan với nhau thành liếp, có chiều rộng chừng 1m. Hai bên cầu cũng không có lan can để vịn vào khi đi qua sông, vì thế trẻ con muốn qua cầu phải có người lớn đi cùng. Cầu chỉ có thể qua được một lúc một chiều, chiều ngược lại phải chờ những người trên cầu qua hết mới có thể qua...

Học sinh run rẩy qua cầu tạm.

Cụ Nguyễn Thị Thiên (74 tuổi, trú xóm Sơn Tiến) than thở: “Cây cầu tạm này là độc đạo để người dân chúng tôi qua sông. Là cầu tạm nên mỗi khi mưa lũ đến nó cuốn phăng. Thế nên, mỗi năm ít nhất người dân chúng tôi cũng phải mất công dựng từ 3 đến 5 lần”. Cũng theo cụ Thiên, kinh phí để “xây dựng” cây cầu tạm này đều do dân tự góp. Người thì vài cây gỗ, người thì dăm cây tre, người thì góp công sức để dựng cầu tạm đi qua sông suốt bao nhiêu đời nay. Mùa cạn, lòng sông nhỏ và ngắn, nước sông cạn, nhưng mùa mưa đến, con sông trở nên hung dữ vô cùng. Nước sông đã cuốn trôi không biết bao nhiêu cây cầu được người dân đẫm mồ hôi dựng lên.

“Người dân tự làm cầu, tự kiểm tra và thay thế khi có những thanh tre mục nát hoặc gãy”, anh Trương Văn Thiêm, xóm trưởng xóm Sơn Tiến xác nhận. “Năm ngoái bị cuốn trôi 4 lần, năm ni chưa mưa nên chưa biết răng. Có nhiều hôm sáng làm cầu, chiều mưa đến cuốn trôi mất, cả làng lại chặt tre làm lại cầu. Không tự làm cầu thì không có cách mô mà qua trung tâm cả. Mới đây, thấy một đoàn công tác về đo đạc xong rồi cũng đi mất, không biết đến khi mô mới có cầu”, tâm tư của anh Thiêm cũng như bao nhiêu con người tại bản Sơn Tiến, với mong mỏi có một cây cầu thật an toàn để đi, nhất là khi mùa mưa bão đến.

Ốc đảo Sơn Tiến có 55 hộ, gần 250 nhân khẩu, tất cả già, trẻ, lớn, bé đều phải qua cầu tre tạm để về trung tâm thị trấn Quỳ Hợp. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp cho biết: “Đây cũng là vấn đề đau đầu của địa phương. Rất lâu rồi, không biết có bao nhiêu cây cầu được người dân dựng lên đã bị nước cuốn trôi. Cũng không ai nhớ rõ cây cầu tre này có tự khi nào”. Ông Trung cũng cho biết thêm, hàng năm có rất nhiều người khi qua cầu gặp sự cố đã xảy ra tai nạn, may mắn là chưa có vụ tai nạn nào nghiêm trọng xảy ra.

Với đặc thù địa bàn miền núi, địa hình hiểm trở, nhiều sông suối và có hiện tượng lũ ống, lũ quét nên việc đi qua cầu tạm là đang “đánh đu” với thiên nhiên khi bất ngờ lũ về. Ông Bùi Thanh An, Chủ tịch UBND H.Quỳ Hợp cho hay, huyện không có kinh phí để xây dựng cầu nên người dân vẫn phải tiếp tục sử dụng cầu tạm để qua sông. Hiện tại cây cầu đi qua xóm Sơn Tiến đã được Bộ GTVT lên phương án xây dựng cầu treo với chi phí 13 tỷ đồng. Nhưng, đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. “Mùa mưa đã đến, huyện chỉ đạo xã đốc thúc kiểm tra tình trạng cầu, yêu cầu có người chốt chặn tại các điểm cầu, không cho người dân qua cầu khi nước lớn”, ông An lo lắng.

Trong khi chờ cầu treo, hàng năm người dân lại nuôi cho bụi tre thật lớn, chọn những cây tre già nhất, chắc chắn nhất sẵn sàng cho việc sửa cầu tạm vào mỗi mùa mưa bão hay khi cầu xuống cấp hư hỏng. Không biết, người dân nơi đây còn phải chịu cảnh “đánh đu” với “tử thần” đến bao giờ? Và các em học sinh còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi đến trường trên cây cầu tạm xiêu vẹo, run rẩy này bao lâu nữa?

X.S