Lật tẩy “mật mã” thời Thế chiến của Mỹ
(Cadn.com.vn) - Khi mật mã của quân đội Mỹ bị Đức phát hiện trong Thế chiến I, một bộ lạc người Mỹ bản địa đã giúp họ. Những người bản địa này chỉ nói ngôn ngữ riêng mình, do đó kẻ thù không thể phát hiện. Điều này mở đường cho người Mỹ bản địa trở thành “người nói mật mã” trong Thế chiến II.
Những “người nói mật mã” Choctaw của quân đội Mỹ. Ảnh: BBC |
“Người nói mật mã”
Trong khi trẻ em bộ tộc Choctaw bị bắt phải học tiếng Anh tại các trường học ở Oklahoma, trên các chiến trường Pháp, ngôn ngữ người Mỹ bản địa là câu trả lời cần thiết cho một vấn đề rất lớn.
Mùa thu năm 1918, quân đội Mỹ tham gia cuộc Tổng tấn công Meuse-Argonne trên Mặt trận phía Tây. Đây là một trong những tiền tuyến lớn nhất của lính Mỹ trong Thế chiến I, nhưng thông tin liên lạc tại mặt trận này bị phá vỡ. Đức tiếp cận thành công đường dây điện thoại, giải mã đọc được tất cả các tin nhắn do quân đội Mỹ gửi ra. “Đó là vấn đề rất lớn nhưng họ không tìm ra cách giải quyết”, Matt Reed, người phụ trách của Bộ phận Người Mỹ bản địa tại Trung tâm Lịch sử Oklahoma, cho biết.
Và rồi, có một giải pháp ngẫu nhiên. Khi hai người lính Choctaw ở Trung đoàn 142 bộ binh đang trò chuyện thì một đội trưởng đi ngang qua và hỏi họ đang nói gì bằng ngôn ngữ bản địa của mình. Nhận thấy đây là cách thông tin liên lạc hiệu quả, vị chỉ huy này sau đó tìm thêm những binh sĩ Choctaw trong quân đội. Sử dụng điện thoại, những binh sĩ này có thể cung cấp tin tức bằng tiếng bản địa cho các đồng nghiệp ở trụ sở chính, và thông tin này nhanh chóng được dịch ra tiếng Anh. Một đơn vị Choctaw được thành lập đảm nhiệm vai trò truyền thông tin bằng ngôn ngữ bản địa.
“Đó là ngôn ngữ chưa được biết đến. Chỉ có một vài bộ lạc da đỏ, khoảng hơn 20.000 người sử dụng. Ngôn ngữ này cũng không được viết, ngoại trừ Kinh Thánh và các bài thánh ca”, tiến sĩ William Meadows của Đại học Missouri, chuyên nghiên cứu về các “người nói mật mã” Choctaw cho biết. Đội hình được đưa vào hoạt động ngay lập tức. Trong vòng vài giờ, 8 “mật mã người nói” Choctaw gửi các thông điệp quan trọng đến các vị trí chiến lược. Họ là những công cụ trong việc giúp đỡ quân đội Mỹ giành chiến thắng quan trọng. Ngay cả khi quân Đức nghe được, họ không thể hiểu.
Đó cũng là cách mã hóa và giải mã thông tin nhanh nhất, nhanh hơn so với bất kỳ máy tính nào, tạo cho quân đội Mỹ lợi thế cạnh quan trọng hơn hẳn kẻ thù.
Không được công nhận
Tổng cộng, 19 binh sĩ Choctaw được tuyển chọn vào đội truyền thông tin. Họ đến từ Trung đoàn 141, 142 và 143. Cuộc Tổng tấn công Meuse-Argonne là một phần trong chiến dịch cuối cùng của quân Đồng Minh ở Mặt trận phía Tây, nhưng những “người nói mật mã” Choctaw vẫn tiếp tục công việc thông tin liên lạc quân sự trong các cuộc xung đột sau đó. Navajo và Comanche là hai loại mã nổi tiếng nhất trong Thế chiến II. Navajo sử dụng thuật ngữ quân sự đặc biệt bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, trong khi Comanche chỉ sử dụng từ vựng bản địa. Hai loại mã này tạo thành ngôn ngữ hoặc mật mã không bao giờ bị kẻ thù phá vỡ.
Nhưng lúc đó, thời kỳ đồng hóa văn hóa, tiếng Choctaw chịu áp lực rất lớn. Nhà Trắng đang cố gắng mang “văn minh” đến người Mỹ bản địa, bằng cách đưa con cái họ đến các trường nội trú của nhà nước, nơi họ thường bị phạt nặng nếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Cũng như các bộ tộc khác, cuộc sống của người Choctaw bị đe dọa. Họ bị buộc phải rời bỏ vùng đất tổ tiên. Theo Đạo loại bỏ người Indian năm 1830, họ di chuyển khỏi khu vực xung quanh Mississippi, mà ngày nay là Oklahoma. Đây được gọi là “Con đường nước mắt”, với khoảng 2.500 người chết vì đói, bệnh tật và kiệt sức trên đường di chuyển.
Nhưng khi chính phủ Mỹ cần họ, họ sẵn sàng. Dù vậy, người Mỹ bản địa không được nhận quốc tịch Mỹ cho đến năm 1924, sau khi Thế chiến I kết thúc, nhưng hơn 12.000 người Mỹ bản địa đã chiến đấu.
An Bình (Theo BBC)