Lật tẩy trò “lùa gà” đầu tư tiền điện tử của “chuyên gia chứng khoán” Tony Hoàng
Qua công tác nghiệp vụ, Cục ANM (Bộ Công an) phối hợp với Phòng ANM- Công an TP Huế phát hiện Hoàng Trung Nghĩa lập một số trang web chuyên đăng tải các bài viết phân tích về thị trường chứng khoán, đầu tư tiền điện tử. Trong quá trình này, Nghĩa nắm bắt được tâm lý của một số nhà đầu tư vào dự án thị trường tiền điện tử nên đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.
Cụ thể, Nghĩa lấy tên là “Tony Hoàng” và lập trang web “IMB DAO” cùng các tài khoản mạng xã hội Twitter @IMBDAO VietNam và kênh Telegram có tên “IMBDAO_VietNam”. Để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, Nghĩa đưa ra nhiều thông tin sai sự thật trên các mạng xã hội của mình như: Quỹ IBMDAO được một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới đầu tư vào và đưa ra các thông tin sai sự thật có một số thành viên trong nhóm dự án muốn bán lại cổ phần đồng ZRO (dự án tiền điện tử LayerZero).
Sau đó, Nghĩa tạo nhóm telegram “LayerZero Pool” gồm nhiều tài khoản telegram ảo do Nghĩa sử dụng để giả mạo các thành viên có nhu cầu bán lại cổ phần dự án ZRO. Khi có bị hại muốn mua lại cổ phần dự án tiền ảo thì Nghĩa cung cấp thông tin địa chỉ ví tiền ảo của bản thân cho bị hại để chuyển tiền USDT, sau đó chiếm đoạt.
Theo cơ quan An ninh điều tra Công an TP Huế, toàn bộ thông tin về các dự án LayerZero (ZRO) mà Nghĩa đã trao đổi với các nhà đầu tư là do Nghĩa bịa đặt, hoàn toàn không có thật với mục đích chiếm đoạt tài sản. Nhằm trốn tránh sự điều tra của cơ quan chức năng và che giấu hành vi lừa đảo, Nghĩa đã đăng ký nhiều ví tiền ảo phi tập trung để cung cấp cho các nhà đầu tư chuyển tiền USDT. Sau đó, Nghĩa chuyển toàn bộ số tiền ảo USDT chiếm đoạt được vào nhiều ví khác nhau rồi quy đổi thành tiền mặt VNĐ thông qua giao dịch trên sàn Binance.
Nghĩa đã xây dựng hình ảnh mình là người có tầm ảnh hưởng (KOL) trong thị trường tiền điện tử và có khả năng kết nối nhà đầu tư với các dự án tiền điện tử. Vì vậy, mọi người có thể đầu tư dự án ở các vòng đầu tiên để giành cơ hội được lãi cao trong tương lai. Tin vào những lời có cánh này, nhiều người đã đầu tư vào các dòng đồng tiền điện tử do Nghĩa kêu gọi.
Cụ thể, Nghĩa kêu gọi mọi người trong nhóm đầu tư (hay còn gọi là đi pool) đối với dự án Magpie Protocol được định giá là 45 triệu USD. Nghĩa cũng đưa ra mốc thời gian lên sàn và thời gian mở khoá token, mỗi tháng mở khoá 4,5% token. Tiếp đó, Nghĩa kêu gọi mọi người đầu tư vào dự án Ulvetanna với các thông tin: dự án được định giá 50 triệu USD, token sẽ được mở khoá 10% vào thời điểm lên sàn, số còn lại sẽ được trả 2,5%/tháng trong vòng 36 tháng.
Bên cạnh đó, Nghĩa kêu gọi mọi người đầu tư vào dự án Sei Network với định giá 400 triệu USD, hay dự án ZkSync với định giá lên đến 1,250 tỷ USD… Anh Th. tin tưởng và chuyển vào ví của Nghĩa nhiều lần với nhiều ngàn USD bằng hình thức chuyển tiền điện tử USDT từ ví tiền điện tử cá nhân vào ví do Nghĩa cung cấp.
Sau đó, Nghĩa thông báo trên trang web của mình sẽ hoàn tiền một số dự án mà nhà đầu tư đã tham gia. Số tiền hoàn bao gồm 100% tiền gốc và lãi suất 10%/năm xem như lãi ngân hàng. Lúc này, anh Th. có nhắn tin cho Nghĩa yêu cầu hoàn tiền một trong số các dự án đã đầu tư nhưng Nghĩa không thực hiện việc hoàn tiền cho cộng đồng như cam kết mà xoá hết các tài khoản mạng xã hội, cắt hết toàn bộ liên lạc với các nhà đầu tư và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, Hoàng Trung Nghĩa khai nhận, số tiền chiếm đoạt được của các bị hại, đối tượng sử dụng để trả nợ và đầu tư một số dự án tiền điện tử nhưng bị thua lỗ.
Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Huế đã ra quyết định khởi tố Hoàng Trung Nghĩa về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
C.A.N.D