Lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống
(Cadn.com.vn) - Hôm nay - 19-8-2015, lực lượng CAND chào đón sự kiện quan trọng: kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống CAND và 10 năm ngày hội Toàn dân BVANTQ. Chúng ta không nén nỗi niềm vui và tự hào, trong 70 năm đồng hành cùng đất nước, lực lượng CAND luôn kiên định, vững vàng, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng xả thân vì nước; lấy lợi ích của Tổ quốc và nhân dân làm lý tưởng, mục tiêu cao nhất để phấn đấu, đem hết sức lực, tài trí và cả tính mạng để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gần 15 nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an đã anh dũng hy sinh, hàng vạn đồng chí bị thương, nhiều tấm gương tận tụy phục vụ nhân dân, chiến đấu anh dũng hy sinh làm nên những chiến công bất diệt, để lại sự khâm phục, tự hào trong nhân dân. Trong thời bình, máu của chiến sĩ Công an vẫn đổ vì bình yên cuộc sống. Người dân Đà Nẵng vẫn còn nhớ như in vào ngày 21-9-2009, trong khi truy bắt tội phạm truy nã, thiếu tá Phan Công Việt, cán bộ Phòng CSĐT TP về TTXH CATP Đà Nẵng đã hy sinh, để lại cha mẹ già, người vợ yêu thương cùng đứa con gái bé bỏng. Ngày ấy, mỗi khi nghe bài hát “Rạng rỡ tên Anh”: “Chiều xuống bên hiên nhà sao chưa về Việt ơi? Sao chưa về để mẹ chờ cha mong, sao chưa về cùng vợ hiền con thơ…”, đồng đội của anh ai cũng nghe lòng mình thắt lại. Cùng với thiếu tá Phan Công Việt, còn biết bao cán bộ chiến sĩ CA trên mọi miền đất nước đã ngã xuống, còn biết bao chiến sĩ lặng lẽ chiến đấu trên mọi mặt trận, mọi nẻo đường, đang cống hiến tuổi thanh xuân, hạnh phúc riêng tư, đôi khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình cho sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Và có những hy sinh thầm lặng khác không thể nói bằng lời, có những người mẹ, người vợ, những đứa con thơ thắc thỏm ngóng đợi người chiến sĩ là con, là chồng, là cha của họ đang truy đuổi, đấu súng với tội phạm đến nghẹt thở, là những phút giây sống – chết gang tấc để giải thoát con tin, đối mặt với tội phạm hình sự, ma túy... Là đồng đội, chúng tôi thấu hiểu rằng, đối với người chiến sĩ CA, cũng như tất cả mọi người đến với cuộc sống với bao kỳ vọng, vui buồn, khắc khoải lo toan cuộc sống đời thường, cũng khao khát được sum vầy đoàn tụ trong mái ấm gia đình. Nhưng vì nhiệm vụ, tất cả những điều giản dị mà thiêng liêng ấy phải gác lại để thực hiện bổn phận vì bình yên cuộc sống.
Nếu như trong chiến đấu, CSCA luôn đối mặt với hiểm nguy, sinh tử như vậy thì trong đời thường, chúng ta dễ dàng nhận ra sắc phục Công an cứu người trong bão tố, làm cọc tiêu cho những chuyến xe qua mùa lũ, hiến máu cứu người, giúp dân làm đường giao thông nông thôn hay hình ảnh CBCS đưa đón học sinh cho kịp giờ thi, dắt cụ già qua đường, dọn dẹp vệ sinh phố phường, động viên hỏi han người dân khi ốm đau, hiếu hỷ… Thật khó mà nói hết, kể hết về những hình ảnh gần gũi thân thương như thế giữa người chiến sĩ với nhân dân. Có thể chúng ta không thể nhớ hết, không thể kể hết, nhưng ở nơi này hay nơi khác, tin rằng nhân dân đều ghi nhận, tin cậy và giúp đỡ.
Lại nhớ chuyện CSKV đến cơ sở bằng xe đạp, khởi đầu từ CAP Thanh Bình (Đà Nẵng), nay đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước. Thực ra, ban đầu cũng có vài ý kiến cho rằng không khéo sẽ sa vào hình thức, hoặc dùng phương tiện xe đạp không “cơ động” khi đối mặt với tội phạm. Thế nhưng khi triển khai trong thực tế mô hình này nhận được sự ủng hộ của rộng rãi quần chúng. Vì sao vậy? Thực tế cho thấy, ấn tượng nhất của mô hình này là đã góp phần tạo ra sự thân thiện của lực lượng CA trong nhân dân. Hình ảnh CSKV đi xe đạp, thoạt nhìn giản đơn nhưng mang lại ý nghĩa rất hữu ích: người dân cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết của chiến sỹ công an như là con em của họ. Những nguồn tin tố giác tội phạm, tình hình về đời sống nhân dân, các vấn đề nổi cộm về ANTT , kể cả hoàn cảnh cụ thể của bà con cũng được CSKV nắm bắt được nhiều hơn. Từ đó, các giải pháp để giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra cũng kịp thời hơn. Mặt khác, không riêng gì đối với CSKV mà các lực lượng khác thuộc CAND cũng nhìn vào đồng đội của mình - CSKV đi xe đạp, như luôn được nhắc nhở về thái độ về cách ứng xử, về bổn phận và trách nhiệm của mình trước dân. Điều này cũng đã thể hiện sự thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”, “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Trong ngày vui kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống CAND, lực lượng CA càng thấm thía những lời dặn dò của Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ CA qua một bài viết trên báo Nhân Dân: “Một trong nhiều bài học của Công an là phải gắn bó máu thịt với nhân dân, với phương châm hành động khi tiếp xúc với nhân dân là: Nghe dân nói, phản ánh những điều hay, lẽ phải, những tâm tư nguyện vọng chính đáng; nói cho dân nghe những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hướng dẫn cho dân thực hiện; gương mẫu hành động để làm cho dân tin, từ đó tự giác, tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Đấy chính là cội nguồn sức mạnh của công tác công an”. Đó là một bài học lớn, là hành trang, là cẩm nang công tác mà mỗi CBCS cần được trang bị để hiện thực hóa trong từng việc làm mỗi ngày!
Nguyễn Đức Nam