Báo Công An Đà Nẵng

Lấy lại hào quang tơ lụa xứ Quảng?

Thứ ba, 29/03/2016 07:17

(Cadn.com.vn) - Hoạt động phục dựng “Con đường tơ lụa trên biển” diễn ra trong khuôn khổ Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á, ngày 28-3, tại TP Hội An, Quảng Nam, với sự tham gia của nhiều quan khách có ảnh hưởng toàn cầu về nghề tơ lụa, ngành truyền thống này của xứ Quảng đã được tôn vinh trang trọng.

Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự sự kiện phục dựng “Con đường tơ lụa trên biển”
trong khuôn khổ Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam-Châu Á.

Mở đầu buổi khai mạc phục dựng lịch sử “Con đường Tơ lụa trên biển”, đại diện của 9 quốc gia tham dự Festival làm lễ dâng hương “Bà Chúa Tằm Tang”, tức Đoàn Quý Phi, người có công phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở xứ Đàng Trong 300 năm trước, vào thời các chúa Nguyễn. Đây cũng là thời điểm “con đường tơ lụa trên biển” qua Hội An phát triển mạnh mẽ. Theo ông Phùng Tấn Đông  (Trung tâm văn hóa thể thao TP Hội An): Nửa đầu thế kỷ XVII, Hội An là thương cảng quốc tế. Các tàu buôn trên thế giới, đặc biệt các nước láng giềng Trung Quốc, Nhật Bản chọn Hội An là nơi trung chuyển. Nguyên cớ may mắn cho Hội An là lúc đó nhà Thanh (Trung Quốc) cấm việc buôn bán với Nhật Bản, vì thế các thương nhân Trung Quốc chở tơ lụa đến Hội An để người Nhật qua trao đổi buôn bán. Trong thời kỳ này, kinh tế, thương mại xứ Đàng Trong phát triển rất mạnh, trong đó có ngành tơ lụa. Nhiều tư liệu cho thấy, cảng thị Hội An thời bấy giờ trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế, tạo thành gạch nối quan trọng và rõ nét giữa phương Đông và phương Tây.

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, ngày nay, con đường tơ lụa trên biển không còn “hiện hữu” rõ nét như những thế kỷ trước. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại bền bỉ trong dòng chảy thương mại Đông – Tây hiện nay, tạo ra nhiều cơ hội quan trọng để tơ lụa Việt Nam và các nước đi khắp thế giới. Trên con đường này, Quảng Nam là một trong những điểm sáng đáng chú ý của ngành tơ lụa. Chính vì lẽ đó, ông Li Jilin, Chủ tịch Hiệp hội tơ lụa thế giới đã đánh giá Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á là một sáng kiến thú vị làm nổi bật văn hóa tơ lụa, làm cho những người sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ cho tinh thần của những nhà sản xuất tơ lụa.

Từ một khía cạnh khác, giải đáp một trong những câu hỏi quan trọng nhất hiện nay: Sản phẩm tơ lụa truyền thống liệu có thể tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại?, ông Watanabe Takao - Chủ tịch hiệp hội may công nghiệp Nishijin Nhật Bản – khẳng định: “Hiện nay, làng lụa là nơi sản xuất các sản phẩm tự nhiên, bảo vệ môi trường mà các nước trên thế giới đang mong muốn. Nơi đây trồng dâu nuôi tằm, xe chỉ tạo ra những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên đất mẹ. Hơn nữa, những thước vải lụa tuyệt đẹp nơi đây còn mang lại cảm giác dễ chịu, thoải mái với làn da, khiến người mặc chỉ luôn muốn sử dụng trang phục từ chất liệu này. Không chỉ Nhật, mà cả thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề ngày càng trầm trọng về dân số, môi trường, nghèo đói, phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, sản xuất tơ lụa là ngành nông nghiệp để giải quyết nhiều yếu tố từ lao động, đến môi trường... Tôi hy vọng làng lụa - với tư cách là đơn vị tiên phong trong ngành tơ lụa, sẽ được xây dựng và phát triển trở thành một hòn ngọc sáng trên đất nước”.

Du khách quốc tế xem công đoạn quay tơ tại Làng lụa Hội An.

Trong nỗ lực xây dựng và quảng bá tơ lụa, bà Đỗ Khải Ly, Giám đốc truyền thông và quản lý dự án phát triển bảo tàng Làng lụa Hội An, trong thời gian sắp đến, Làng lụa Hội An (Hoian Silk village) sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình “Bảo tàng sống trong lòng di sản sống Hội An về nghề tơ lụa” với việc hoàn thiện quy trình ươm tơ dệt lụa, bổ sung hiện vật, trưng bày hiện vật tơ lụa của các nước Châu Á  để người xem có đối sánh về tơ lụa mỗi dân tộc.

Con đường tơ lụa trong quá khứ mang dấu ấn sâu sắc của nghề tơ lụa Quảng Nam, liệu ánh hào quang xưa có thể lấy lại được? Vế trả lời có thể còn dè dặt, nhưng chắc rằng sự kiện phục dựng “Con đường tơ lụa trên biển”, với sự tham gia của đại diện 9 quốc gia, ít ra cũng đã gợi lên nhiều niềm hứng khởi. Đánh giá về sự kiện Festival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á nói chung, việc phục dựng “Con đường tơ lụa trên biển” nói riêng, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng, đây là dịp tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa, đưa lụa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Đây là không chỉ là sự kiện có giá trị kinh tế cao, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa mà còn kết nối các quốc gia sản xuất lụa gần lại với nhau hơn.

Trần Chánh

Khai mạc Fesival Văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á

Sáng 28-3, tại Làng lụa Hội An (TP Hội An, Quảng Nam) đã tổ chức lễ khai mạc Fetival tơ lụa Việt Nam  - Châu Á. Đây là lần đầu tiên người dân phố cổ Hội An, du khách trong nước và quốc tế đã có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của lụa Việt Nam bên cạnh lụa tơ tằm của hàng loạt quốc gia có nền sản xuất tơ lụa hàng nghìn năm như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar. Trong khuôn khổ Festival, BTC tạo một sân chơi thời trang giữa các nhà thiết kế trong và ngoài nước, với sự tham gia của những nhà thiết kế trẻ như Đinh Bách Đạt, Eric Nguyễn... Festival lần này sẽ kéo dài đến hết ngày 29-3.

P.V