Báo Công An Đà Nẵng

Lấy ý kiến góp ý dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND và dự thảo Luật AT, VSLĐ

Thứ tư, 18/03/2015 10:53

(Cadn.com.vn) - Ngày 17-3-2015, ông Huỳnh Nghĩa, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (QH) và HĐND. Cùng ngày, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của đại biểu các ngành, các nhà hoạt động chuyên môn về  Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (AT,VSLĐ).

Ông Huỳnh Nghĩa chủ trì Hội nghị.

Về Dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND được thiết kế gồm 4 chương với 90 điều, quy định về hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH,  Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH và ĐBQH; HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ ĐB HĐND và ĐB HĐND; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám sát.

Dự thảo Luật AT,VSLĐ  có 7 chương và 94 điều, quy định việc đảm bảo AT, VSLĐ,  chế độ đối với người bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác AT,VSLĐ và quản lý Nhà nước về ATVSLĐ.

Góp ý kiến vào Dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND, các ĐB tập trung vào 9 nội dung lớn, gồm: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của QH, HĐND; khái niệm “giám sát” và “giám sát tối cao của QH”; hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ QH; hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của QH; hoạt động giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH; hoạt động giám sát của HĐND;  hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; hoạt động giám sát của ĐB HĐND; Tổ ĐB HĐND; điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của QH, HĐND.

Về giám sát của Thường trực HĐND, ĐB Huỳnh Bá Cử (Ban Pháp chế HĐND TP)  đồng ý phương án đề nghị kế thừa quy định của Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành về thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của Thường trực HĐND. Theo đó, Thường trực HĐND là chủ thể giám sát độc lập. Tại điều 60 quy định về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp, ĐB Huỳnh Bá Cử và ĐB Nguyễn Hữu Linh (Viện KSND TP) đề nghị thiết kế theo hướng ĐB có chất vấn gửi chất vấn đến người bị chất vấn; trên cơ sở chất vấn của đại biểu, Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực HĐND sẽ dự kiến danh sách những người trả lời chất vấn, nội dung nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp. Đối với câu hỏi ngoài nội dung nhóm vấn đề chất vấn và những câu hỏi trực tiếp tại phiên họp chất vấn cần được xác minh thì chủ tọa phiên họp cho phép trả lời bằng văn bản. Quy định như vậy để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện QH, HĐND hoạt động không thường xuyên. Điều 63 về HĐND lấy phiếu tín nhiệm, các ĐB đề nghị bổ sung cụm từ “Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND” thuộc đối tượng phải lấy phiếu tín nhiệm. Góp ý điều 72 về chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐB đồng ý phương án: Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND, việc chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện theo trình tự sau đây: ĐB HĐND gửi chất vấn đến Thường trực HĐND cùng cấp. Thường trực HĐND chuyển ý kiến chất vấn của ĐB HĐND đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn, hình thức trả lời chất vấn. Người bị chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn bằng văn bản tới ĐB HĐND đã chất vấn và Thường trực HĐND; trường hợp không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn, ĐB HĐND có thể đề nghị Thường trực HĐND đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND gần nhất...

Góp ý kiến vào Dự thảo Luật AT,VSLĐ, nhiều ý kiến ĐB tán thành việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động và đề nghị quy định một số chính sách cụ thể về AT, VSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động (xã viên HTX, người lao động tự do hoặc tự tạo việc làm trong các trang trại và doanh nghiệp quy mô nhỏ); đề nghị làm rõ vai trò hỗ trợ của Nhà nước, nguồn lực thực thi chính sách; quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ để đảm bảo tính khả thi. Có ý kiến ĐB đề nghị phân rõ thẩm quyền xây dựng, ban hành, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về AT, VSLĐ đảm bảo phù hợp với quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các luật chuyên ngành khác có liên quan. Một số ĐB đề nghị tổ chức thanh tra chuyên ngành về AT,VSLĐ mở rộng đến cấp huyện, có ý kiến khác đề nghị chỉ tổ chức ở những địa bàn trọng điểm, thực hiện thanh tra viên theo vùng hoặc khoán biên chế thanh tra trong ngành lao động để không tăng biên chế...        

Ý kiến góp ý của các ĐB đã được Đoàn ĐBQH TP, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng ghi nhận, tập hợp, trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét điều chỉnh, bổ sung.

K.T