Lê Bá Đảng - ám ảnh hồn Việt
(Cadn.com.vn) - Họa sĩ Lê Bá Đảng, người có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật hội họa Việt Nam và thế giới, do tuổi cao, sức yếu đã từ trần vào lúc 1 giờ 15 ngày 7-3 (giờ địa phương) tại nhà riêng ở Paris (Pháp), hưởng thọ 94 tuổi. Nhà thơ, nhà báo Ngô Minh-hiện ở Huế, nơi hiện nay có Nhà trưng bày Nghệ thuật Lê Bá Đảng khánh thành dịp Festival Huế-2006, là một địa chỉ văn hóa mới, hấp dẫn của Huế-đã có những dòng thao thiết vĩnh biệt ông-một nghệ sĩ tài hoa, suốt đời tận hiến cho nghệ thuật; một tâm hồn Việt đau đáu với hồn quê, xứ sở...
Họa sĩ Lê Bá Đảng |
1. Nghệ thuật Lê Bá Đảng và sự nổi tiếng của ông mọi người đã được nghe qua sách báo, truyền hình. May mắn thay, trong các dịp Festival Huế- 2002, 2004, 2006, 2008 vừa qua, người Huế và khách du lịch trong nước, quốc tế lần đầu tiên được đến với phòng triển lãm Lê Bá Đảng đầy cảm kích và ấn tượng bên bờ sông Hương thơ mộng. Tỉnh TT-Huế đã dành ngôi nhà xinh đẹp kiến trúc kiểu Pháp tọa lạc ngay bên bờ sông Hương, trên con đường Lê Lợi đẹp nhất làm Nhà trưng bày Nghệ thuật Lê Bá Đảng. Và vào dịp Festival Huế-2006, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã được khánh thành, là một địa chỉ văn hóa mới, rất hấp dẫn của Huế. Trong ngày khai trương Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, ông nói: "Tôi sinh ra từ chốn đồng quê nghèo nàn, thất học. Năm 1939, khi 18 tuổi, tôi làm liều bỏ cha mẹ, gia đình, làng nước ra đi. Hôm nay tôi mang về Huế nhiều tác phẩm của nhiều đoạn đường sáng tác thân biếu Huế. Riêng tôi, thêm vào cái mỹ cảm của tôi mang thêm về với bà con cái mỹ cảm và cả tài- tình… Có tài phải có tình. Có tình mới có cảm…". Những năm ông bị bắt đi lính thợ sang Pháp, sống nghèo khổ đến mức không có tiền mua thuốc chữa bệnh cho đứa con đầu lòng trong một mùa đông lạnh giá trời Tây. Sau này nhờ bán tranh, vợ chồng ông giàu có. Năm 1992, Lê Bá Đảng về làng tổ chức triển lãm tranh cho bà con nông dân xem. Cả làng Bích La (Quảng Trị) 3 ngày không gia đình nào đỏ lửa để đến ăn cơm do vợ chồng "người con quê hương" Lê Bá Đảng mời, rồi xem tranh của ông bày ở đình làng, tranh treo trên hàng rào, cành cây. Rồi ông bỏ tiền ra xây trường học, trạm xá, đường làng. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể rằng, ông xây dựng một ngôi nhà nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi ngay trên mảnh đất xưa của cha mẹ ông để dùng làm nơi làm ra các mẫu sản phẩm nghệ thuật. Ông vun lại gốc trầu già mà ngày xưa vẫn hái cho mẹ ăn. Ông lúc nào mở miệng ra là "tôi là thằng nhà quê"...
2.Nghệ thuật Lê Bá Đảng gồm nhiều loại hình đa dạng như tranh, điêu khắc gỗ, gốm, và các "không gian Lê Bá Đảng" tạo dựng thành những hang động, hay các tác phẩm nửa tranh nửa điêu khắc được tạo nên bằng những chất liệu hiện đại do ông tự tạo nên. Tuy nhiên tất cả các tác phẩm nghệ thuật Lê Bá Đảng đều có một nét chung là vừa siêu thực vừa hiện thực, đó là minh triết của phương Đông và hiện đại của phương Tây, đó là Tâm linh Việt trong cõi Vũ trụ- Con người- Thế giới.
Tác phẩm điêu khắc "Hạt gạo Trường Sơn" (1996) bằng gốm màu đất đỏ phù sa châu thổ ấy chính là hình ảnh "hạt gạo làng ta" nguồn cội, nghìn đời hai sương một nắng. Đó là hạt gạo Việt Nam nhỏ bé nhưng mang trên thân mình nó bao nhiêu hình ảnh và ký tự về lịch sử con người khốn khổ Việt Nam để được sống, để được làm Người. Đứng bên những "Hạt gạo Trường Sơn" trong phòng triển lãm Lê Bá Đảng, ta vừa cảm nhận được sự ấm áp và yên lành, lại vừa mông lung buồn nhớ về cõi xa xăm ông bà tiên tổ. Họa sĩ tiết lộ, ông còn có những hạt gạo cao lớn như con trâu, cái nhà, con thuyền, hòn núi Vọng Phu... nhưng lớn quá, không đưa vào triển lãm được. Sau này ông sẽ tái hiện chúng ở Trường Sơn (đồi Vọng Cảnh (Huế) chẳng hạn?). Lúc đó mọi du khách có thể ở trọ lại trong những hạt gạo ấy! Đó là những ý tưởng kết hợp nghệ thuật điêu khắc với kiến trúc, kết hợp nghệ thuật với "kinh doanh văn hóa" vô cùng trí tuệ và độc đáo.
Trong không gian Lê Bá Đảng thường xuất hiện hình ảnh BÀN CHÂN con người. Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì ở Baux (Pháp), họa sĩ Lê Bá Đảng có tác phẩm vừa điêu khắc vừa kiến trúc gọi là thạch động được tạo dựng từ một hang động trong lòng núi. Đó là Giáo Đường Hình Ảnh (chữ HPNT) thu hút khách du lịch với hàng trăm, hàng nghìn những hình ảnh con người trong cõi nhân gian khốn khó. Nổi bật trên vách động là hình ảnh Bàn Chân trần mà con người đã hành trình từ không đến có, từ có đến không, từ hiện hữu đến hư vô thăm thẳm. Trong triển lãm Lê Bá Đảng ở Festival Huế, cũng có bức tranh khổ rộng 10m2 Đi tìm bước chân Giao Chỉ" (1983), đó là cuộc hành trình không mệt mỏi của dân tộc, cuộc hành trình đầy máu, nước mắt, hành trình của những dấu chân bấm vào bùn đất, sỏi đá để đi tìm sự sống, để đi tìm lại chính mình trong cộng đồng thế giới. Xem tranh mà ứa nước mắt. Lại còn có thêm bức tượng gỗ với cái tên Bàn chân Giao Chỉ. Vâng, đúng là bàn chân Giao Chỉ -Nguồn-Cội-Tâm-Linh-Việt với dáng các ngón chõe ra, ngón cái to bè, chai sần, rỗ hà, mòn vẹt vì bùn lầy, nước đọng-Bàn chân đã làm nên lịch sử. Một loạt bức tranh siêu thực hoành tráng như Đất nước (1976), Phong cảnh bất khuất (1973), Hậu quả chiến tranh (1965)... đều là cuộc tìm về cội nguồn dân tộc, tìm về chốn thẳm sâu của lịch sử và thân phận con người để lý giải sức trường tồn của nòi giống Việt. Những anh hùng vĩ đại của dân tộc như Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ... trong tranh "Đất nước" hay hai mươi mấy gương mặt vô danh đau đớn trong bức "Hậu quả chiến tranh", cũng đều là những người làm nên Đất nước và Tâm Linh Việt Nam.
Trong không gian Lê Bá Đảng, bao giờ tôi cũng thấy thấp thoáng một mặt người. Mặt người đó là ai? Tôi chưa có dịp hỏi ông, nhưng nhiều người cho rằng đó là gương mặt của người cha thân yêu của ông đã mất ở quê nhà khi ông còn nhỏ, đó là gương mặt của đứa con trai thân yêu nhất của vợ chồng ông đã mất từ thuở hàn vi; có người khẳng định đó là CHÂN DUNG PHẬT!
3.Ông thường tâm sự như một tuyên ngôn, như một lời khuyên chí tình đối với các đồng nghiệp trong nước: Chúng ta sẽ làm ăn với lòng kiêu hãnh, để những kẻ xa lạ tới đây không thể nghĩ rằng chỉ có người giàu có, nhiều tiền của, máy móc nghệ thuật thì mới tạo ra nghệ thuật hiện đại. Đó chính là tuyên ngôn của sức mạnh nghệ thuật khởi thủy từ cõi Tâm Linh Việt.
Ngô Minh
Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông (H. Triệu Phong, Quảng Trị). Say mê hội họa từ nhỏ, 20 tuổi, sang Pháp và năm 1950 ông đã có cuộc triển lãm tranh đầu tiên. Năm 1989, ông được Viện Quốc tế Sain Louis (Mỹ) tặng danh hiệu "Nghệ sĩ có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo"; năm 1992 được Trung tâm tiểu sử Quốc tế, Trường Đại học Cambridge (Anh) bầu là một trong 10 "người nổi tiếng trên thế giới trong năm 1992- 1993"; năm 1994, nước Pháp tặng ông "Huân chương nghệ thuật văn học Pháp"; ông đã được bầu là công nhân danh dự của nhiều thành phố trên thế giới...Từ Festival Huế 2004 đến nay, họa sĩ Lê Bá Đảng đã có nhiều cuộc triển lãm và hoạt động nghệ thuật tại Huế. |