Báo Công An Đà Nẵng

Lê Cơ -nhà thực hành của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ xx

Thứ hai, 14/01/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Đọc tập sách "Chí sĩ Lê Cơ trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX" của tác giả Ngô Văn Minh do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, tôi thực sự ngạc nhiên và thú vị.

Ngạc nhiên là, tại sao lại là Lê Cơ mà không phải là người khác? Bởi Lê Cơ không phải là một nhà khoa bảng, ông chỉ là học trò trường Ba. Ông lại chẳng phải là một người lập ngôn, lập thuyết đình đám như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Và, ông cũng không phải là người chủ xướng, lãnh đạo phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế 1908 và cả phong trào khởi nghĩa Thái Phiên-Trần Cao Vân... Chọn Lê Cơ để viết sách về ông, theo tôi, tác giả đã bắt đúng mạch cả về tính thời sự và đòi hỏi bức bách của chuyện nghề. Trong điều kiện hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế theo mô hình "tam nông", nhất là nhu cầu về cải cách kinh tế nông thôn theo tư tưởng và cách thức mà cụ Lê Cơ đã từng thực hiện là rất bức thiết đối với cả nước ta, nhất là Quảng Nam. Về khía cạnh nghề nghiệp, nghiên cứu nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật ít được biết đến (có thể do thiếu tư liệu), lại quá chuộng những nhân vật lịch sử có thành tích lẫy lừng trong chống ngoại xâm mà "bỏ quên" những nhân vật là "nhà buôn", nhà "thực hành" như thường thấy từ giới học thuật nước nhà lâu nay, thì việc chọn viết về cụ Lê Cơ là hữu lý.

Tập sách đã dựng lại cho chúng ta một chân dung sinh động của "nhà thực hành" Lê Cơ trong phong trào Duy Tân tại Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX. Cụ phát triển trang trại, lập thương điếm, lập đội tuần tra trộm cướp, mở trường dạy học (mà là trường con gái)... từng được cụ Huỳnh Thúc Kháng hết lời khen  ngợi. Tất cả những hoạt động đó đã cho thấy một Lê Cơ giữ vai trò tiên phong thực hiện của tư tưởng "Duy Tân" do "bộ ba Quảng Nam" (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) khởi xướng; làm cho chủ trương "duy tân" trở nên thực tế, có kết quả cụ thể, thuyết phục được người dân rằng: cần phải thực hiện "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" theo như cách mà Lê Cơ đã làm và làm một cách hiệu quả tại Phú Lâm.

 

Từ hình mẫu Lê Cơ với những thành tựu mà ông tạo dựng được tại quê nhà, ở một nơi hẻo lánh như Tiên Phước, Quảng Nam cho ta một suy nghiệm: tất cả tư tưởng canh tân, cải cách; mọi khát vọng cho một quốc gia phú cường, dù ở một đơn vị thấp nhất cấp làng xã, thì vẫn cần một cá nhân điển hình, một người tâm huyết, biết yêu quê hương xứ sở, có quyết tâm muốn biến cải cuộc đời mình và nhân quần. Những cá nhân như vậy, dường như đời nào cũng là sự khát khao của thời cuộc. Điều này, hoàn toàn đúng như lời giới thiệu của nhà văn Nguyên Ngọc dành cho tập sách này, rằng tác giả tập sách đã "lấy xưa để nói nay" vậy!

 Trong tình hình sử học nước nhà đang trong tình trạng ngày càng bị chê là khô khan, nhàm chán, sáo mòn thì với cuốn sách về Lê Cơ, với khả năng am hiểu về địa phương chí và nhân vật chí (với tư cách là đồng hương của nhân vật), cùng với thái độ nghiên cứu nghiêm túc, có phương pháp, tác giả Ngô Văn Minh đã đem đến cho người đọc một hấp lực hiếm thấy. Đây cũng chính là thành công chính của tác phẩm khi giới thiệu cho bạn đọc cả nước về một "nhà thực hành" độc đáo của phong trào Duy Tân mà đến nay ít người biết đầy đủ về ông; cho thấy Lê Cơ, cũng như các sĩ phu đương thời khác tại Quảng Nam và cả nước nói chung hồi đầu thế kỷ XX, là những người yêu nước nhiệt thành, dám xả thân vì đại nghĩa. Và, cũng cho thấy thất bại của Lê Cơ cũng là một thất bại có tính lịch sử tại Việt Nam, rằng mọi tư tưởng canh tân đất nước ở nước ta trong lịch sử, đã không hề được hậu thuẫn bởi giai cấp cầm quyền. Hơn hết, cuốn sách đã cho thấy, tìm và xây dựng một mô hình phát triển kiểu Lê Cơ tại Phú Lâm có cả mồ hôi, nước mắt và máu nên dẫu thất bại, nó cũng là nền móng để chúng ta học hỏi người xưa, cho công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.

Với tư cách là Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, tôi xin cảm ơn Nhà xuất bản Đà Nẵng, xin được chúc mừng anh Ngô Văn Minh-một hội viên tiêu biểu của Hội chúng tôi, xin chia vui cùng gia đình cụ Lê Cơ trong việc cho ra tập sách này.

Lưu Anh Rô