Báo Công An Đà Nẵng

Lễ cúng rừng trên núi Kraih

Thứ tư, 13/02/2019 21:00

Khi những giọt nắng đầu tiên rơi xuống tán cây rừng trên đỉnh núi Kraih, người dân 2 làng O Grang và Dchí (xã Ia Pếch, H. Ia Grai, Gia Lai) chuẩn bị cho nghi thức quan trọng của dân làng: lễ cúng rừng. Đây là nghi lễ thể hiện tâm nguyện của dân làng cầu mong cho Yang (thần) rừng ban cho những điều tốt đẹp, mong cho rừng mãi xanh tươi để cuộc sống của bà con quanh núi Kraih này luôn bền vững.

Bà con dân làng mang lễ vật lên núi Kraih để chuẩn bị lễ cúng rừng. 

Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Gia Rai tin từ núi sông, cây cỏ, thú vật đến con người... tất cả đều có linh hồn, mỗi ngọn núi, con sông đều có thần linh cai quản. Không chỉ các thần linh phù hộ cho dân làng bình yên, mùa màng bội thu mà niềm tin vào các Yang đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì trật tự cộng đồng và cả gia đình. Để làm một cái rẫy mới, đốn một cây rừng về làm nhà, ngày trước người Gia Rai cũng tổ chức lễ cúng quy mô nhỏ. Họ mang rượu ghè, con gà tới cái rẫy muốn làm, cái cây muốn chặt hạ, thành kính mời Yang rừng về chứng kiến, thỉnh lễ rồi xin phép thực hiện việc của mình, cầu mong Yang rừng phù hộ làm rẫy xanh tốt, bội thu, đốn cây về làm nhà thì nhà được bình an, vô sự. Lễ cúng rừng của người Gia Rai ở xã Ia Pếch cũng được tổ chức khi lúa trên nương, ngô trên rẫy đã thu hoạch, mùa màng đã xong. Với những người dân làng Dchí và O Grang dưới chân núi Kraih, cùng với các lễ, hội khác thì lễ cúng rừng được xem là lễ lớn, tập trung đông đủ dân làng, từ người già tới trẻ em, đàn ông và phụ nữ cùng vào rừng. Từ sáng sớm, người dân 2 làng đã gùi rượu ghè, cơm lam, gà, thịt heo vào rừng chuẩn bị làm lễ.

Bên gốc cây cổ thụ, già làng Siu Tới (làng O Grang) đang khẩn trương chuẩn bị lễ vật dâng Yang rừng, gồm: 1 ché rượu cần, 1 con gà, thịt heo, gạo, muối, bầu nước và chỉ có già làng mới được vào nơi cúng này. Nơi bờ suối Ko, cùng với bà con, các kiểm lâm, tổ quản lý bảo vệ rừng của xã cùng chung tay chuẩn bị những thực phẩm phục vụ cho dân làng. Già Tới cho biết, người Gia Rai nơi đây nghìn đời nay sống gắn bó mật thiết với rừng, rừng giữ cho mưa thuận gió hòa, nước cho sản xuất, cái cây làm nhà lấy từ rừng, con chim con thú cũng lấy từ rừng. Cũng cánh rừng này, trong những năm chiến tranh, già Tới nhập ngũ vào bộ đội và chính nơi đây, già cùng đồng đội chiến đấu được rừng che chở. Thế nên, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng giá trị của rừng và không gian văn hóa làng-rừng vẫn còn nguyên vẹn và lễ cúng rừng vẫn được bà con tổ chức hàng năm tùy theo quy mô, địa điểm. "Trước đây trong chiến tranh nếu không có rừng thì khó lắm, nhờ rừng mà sống được chứ thời đó, bom pháo nó bắn tan nát cả rừng ấy. Bây giờ thời bình rồi, phải làm cho rừng mọc lại tốt đẹp hơn... Theo đó, 2 làng Dchí và O Grang luân phiên mỗi năm mỗi làng đứng ra tổ chức lễ cúng. Năm nay, bà con 2 làng vui mừng tổ chức lễ cúng lớn hơn khi có sự ủng hộ, cùng tham gia của cấp ủy, chính quyền, cơ quan cấp huyện, xã", già Tới cho biết.

Khi những ánh nắng rọi xuống mặt đất cũng là lúc già làng Siu Tới bước vào lễ cúng. Giữa cánh rừng xum xuê, bên dòng suối trong vắt, mát lành, lời khấn của già làng Siu Tới vang lên trang trọng gửi tới thần rừng linh thiêng. Thay mặt dân làng, già làng dâng các lễ vật lên thần rừng, cầu mong cho thần phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cho những điều tốt đẹp đến với bà con dân làng. Với ước nguyện của dân làng, thần rừng phù hộ cho cánh rừng nơi đây mãi xanh và phát triển, cho đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng chân vững, mắt sáng để giữ rừng thật tốt. Dân làng cũng hứa với thần rừng, người Gia Rai ở 2 làng Dchí và O Grang tuyệt đối không xâm hại đến rừng và chung tay bảo vệ không để các đối tượng nơi khác đến phá.

Sau lễ cúng, bà con dân làng cùng ăn uống, trò chuyện dưới tán rừng, cùng chúc nhau ai cũng được thần rừng ban cho sức khỏe cũng như tạo nên mối gắn kết trong cộng đồng. Điều dân làng tự hào hơn cả là đã chung tay cùng với chính quyền địa phương xã giữ cho cánh rừng rộng hơn 870ha nơi đây luôn xanh tốt và không bị xâm hại bởi người dân ở 2 làng Dchí, O Grang luôn một lòng giữ rừng. "Cùng với bà con dân làng Dchí, O Grang, mình cũng mời già làng ở các xã thuộc huyện Đức Cơ, Chư Prông (Gia Lai) tiếp giáp với rừng của xã quản lý đến dự lễ cúng để già làng về tuyên truyền, nhắc nhở bà con ở làng không xâm phạm đến cánh rừng nơi đây", già làng Siu Tới cho biết thêm.

Ông Siu Thunh, Bí thư Đảng ủy xã Ia Pếch, cũng xuất thân từ làng O Grang cho biết: trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn được chính quyền và người dân chung tay bảo vệ nghiêm ngặt. Với sự hỗ trợ của chính quyền, xã đã thành lập tổ quản lý bảo vệ rừng với 14 thành viên và chi trả, hỗ trợ cho mỗi thành viên đi tuần tra rừng 200.000 đồng/ngày. Nhờ đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng từ nơi khác vào khu vực rừng này khai thác lâm sản trái phép. Cùng với đó, tổ quản lý bảo vệ rừng thường xuyên đến các làng tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của việc giữ rừng, bảo vệ rừng. Thế nên, dù tiếp giáp với nhiều khu vực đất sản xuất của người dân nhưng không hề xảy ra trường hợp nào phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất.

Lễ cúng năm nay không chỉ đông đảo bà con dân làng Dchí, O Grang mà còn có sự chung tay của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và chính quyền địa phương.

Ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H. Ia Grai cho biết, lực lượng chức năng bảo vệ rừng ở địa phương rất ít, thế nên cần sự chung tay của người dân, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. "Việc giữ rừng là phải sức mạnh của toàn dân. Ở đây, cộng đồng dân làng Dchí và O Grang tổ chức lễ cúng rừng ở giữ rừng là có ý nghĩa rất lớn, góp phần rất lớn cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng. Bởi hàng trăm héc-ta nơi đây vẫn được bà con dân làng bảo vệ rất tốt. Đấy là  phát huy sức mạnh của toàn dân trong bảo vệ rừng", ông Long chia sẻ.

Tây Nguyên đang vào mùa lễ hội, mùa của những điều tốt đẹp sau một năm mùa màng bội thu và lễ cúng rừng của người Gia Rai ở xã Ia Pếch đã tô điểm thêm cho những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trong vùng. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng tình yêu với rừng, với thiên nhiên vẫn được bà con nơi đây gìn giữ và tiếp nối cho muôn đời sau như những cánh rừng nơi đây vẫn sinh trưởng, lớn lên từng ngày giữa đại ngàn cao nguyên hùng vĩ.

MINH TÂN