Báo Công An Đà Nẵng

Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 – Ngũ Hành Sơn 2019: Sinh hoạt văn hóa tinh thần và cộng đồng rộng lớn

Thứ bảy, 23/03/2019 13:16

Ngày 22-3 (17-2 âm lịch), tại Non Nước–Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), Lễ hội Quán Thế Âm 19/2-Ngũ Hành Sơn năm 2019 đã chính thức khai mạc. Đây là lễ hội văn hóa tâm linh mang nét sinh hoạt văn hóa tinh thần và cộng đồng rộng lớn, cầu quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, thế giới hòa bình, khơi dậy lòng từ bi, hỉ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với Dân tộc... Đến dự có bà Đặng Thị Kim Liên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TP; Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP; ông Lê Trung Chinh - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBNDTP cùng đại diện T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo hiện đang trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau.

Lễ hội cộng đồng

Giữa tiết trời mùa xuân ấm áp, lòng người phơi phới rủ nhau đi hội, hành hương về với vùng đất Phật, vui chơi và cầu mong quốc thái dân an, người người hạnh phúc. Ngay trong ngày khai hội, đông đảo người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tề tựa về Chùa Quán Thế Âm để chiêm bái Tượng Ngọc Nephrite Quán Thế Âm tư thế ngồi và thưởng thức màn trình diễn Nghi lễ Nabijum – Di sản văn hóa Phi vật thể của Hàn Quốc;  tham quan các chùa chiền, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam đang trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ khác nhau… Chị Nguyễn Thị Bích (45 tuổi, trú Quảng Ngãi) cho biết: “Trong tâm thức của người Việt, Bồ tát Quán Thế Âm có tấm lòng từ bi, bác ái, cứu giúp dân lành. Chính vì thế, vào dịp Lễ hội, không riêng gì tôi mà hàng vạn người dân, Phật tử và du khách đều hành hương háo hức đến Non Nước – Ngũ Hành Sơn viếng chùa, lễ Phật, vãn cảnh núi non, hang động, cầu mong quốc thái dân an, chúng sinh an lạc. Nét thanh tịnh nơi đây vừa dẫn dắt mọi người vào tiên cảnh, vừa mở ra ước nguyện về cuộc sống an lành… Có thể nói, Lễ hội không còn dành riêng cho đồng bào Phật tử mà lan rộng trong nhân dân bởi hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đã đi vào dân gian với biểu tượng gần gũi, lòng từ bi, bác ái, lắng nghe, đồng cảm, ban vui, cứu khổ cho nhân loại. Điều này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng cũng như thuần phong mỹ tục của người dân Việt Nam”.

Thượng tọa Thích Huệ Vinh–Trụ trì Chùa Quán Thế Âm, Phó Trưởng Ban tổ chức (BTC) Lễ hội Quán Thế Âm  cho biết, ngôi chùa Quán Thế Âm dưới bóng núi Kim Sơn, nhờ phước duyên của Đức Bồ Tát, đã trở thành địa chỉ tổ chức Lễ hội hằng năm. Vùng đất này có được nhân duyên đặc biệt kỳ diệu về Bồ tát Quán Thế Âm bởi trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, ở phía bắc, ngọn núi có hình quả chuông nằm úp gọi là Kim Sơn. Dưới chân ngọn Kim Sơn là ngôi chùa Quan Âm cổ kính với động Quan Âm huyền bí. Duyên lành kỳ diệu đó đã hình thành nên một lễ hội cộng đồng, hằng năm đồng bào Phật tử và người dân khắp mọi nơi về đây chiêm bái… Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi–Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng BTC Lễ hội QTA, việc tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 – Ngũ Hành Sơn 2019 một cách trang trọng không ngoài mục đích khơi dậy lòng từ bi bác ái trong cộng đồng, tôn vinh các giá trị nhân văn, cái đẹp chân– thiện – mỹ và tính nhân đạo của người Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp gắn kết mối giao hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp và chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Có thể nói, Lễ hội như một làn gió trong lành và là ngọn đuốc soi sáng tâm hồn để giúp mọi người sống đẹp hơn với đời và với những người xung quanh… “Lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong thành phố mà là dịp để du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét  lịch sử - văn hóa Phật giáo, đồng thời thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình văn hóa dân tộc Việt Nam, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng, đó là danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước–một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển…”, bà Nguyễn Thị Anh Thi khẳng định.

Tượng Ngọc Nephrite Quán Thế Âm tư thế ngồi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Chứng nhận kỷ lục Việt Nam.

Tôn vinh các giá trị văn hóa, lòng từ bi, hỷ xả

Sau lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, tế Thạch nghề Tổ sư, Tế xuân cầu Quốc thái dân an, biểu diễn nghệ thuật dân gian và tiếng trống khai hội chính thức vang lên, các đội hình rước đuốc, rước cộ bắt đầu diễu hành qua một số khu vực để thực hiện nghi lễ rước ánh sáng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lòng từ bi, hỷ xả. Dưới sông, các Chư tăng, Phật tử chùa Quán Thế Âm và du khách thả hoa đăng, gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước… Tại chương trình khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm 19/2-Ngũ Hành Sơn 2019, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao Chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho Tượng Ngọc Nephrite Quán Thế Âm tư thế ngồi lớn nhất Việt Nam. Đây được xem là pho tượng “song sinh” với pho tượng “Phật Ngọc Hòa bình Thế giới”, được chế tác từ khối ngọc nặng 18 tấn, khai thác vào năm 2000. Đầu năm 2009, Thượng tọa Thích Huệ Vinh, đề nghị ông bà Ian Green dành một phần ngọc có giá trị của khối “Pride of Polar” để tôn tạo “Ngọc Quan Âm cho tình thương nhân loại”. Theo Thượng tọa  Thích Huệ Vinh, tại Lễ hội năm nay, ngoài việc trình diễn Nghi lễ Nabijum–Di sản văn hóa Phi vật thể của Hàn Quốc, đoàn Phật giáo Hàn Quốc cũng sẽ trao tặng phiên bản Phật Di Lặc-bảo vật quốc gia của Hàn Quốc cho chùa Quán Thế Âm.

Với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao phong phú, Lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây thực sự là lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày càng sống đẹp hơn. Càng về đêm, lễ hội càng lộng lẫy, hoành tráng với nhiều thanh âm và sắc màu. Nhờ vào vị thế sơn thủy hữu tình, vùng đất Ngũ Hành Sơn địa linh, nhân kiệt, phong cảnh hữu tình với những địa danh kỳ thú: núi Thủy Sơn, động Âm Phủ, động Huyền Vi, núi Ghềnh, đình làng Khuê Bắc, miếu thờ Công chúa Huyền Trân... cùng với các hoạt động trong lễ hội đã thu hút đông đảo khách hành hương cùng khách du lịch trong và ngoài nước đến với thắng tích Non nước - Ngũ Hành Sơn… Ông Nguyễn Hữu Hạnh (60 tuổi, trú Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Sáng nay, tôi được con trai chở vào đây rất sớm. Tôi và mọi người đến đây để chiêm bái Phật Quan Âm và cầu nguyện cho đất nước hòa bình, người dân luôn được sống trong phồn vinh, an vui và hạnh phúc. Đây là cơ hội để người người cùng nhau hành hương tâm tình bước về nguồn cội, về vùng đất Phật và là dịp để tọa ơn tấm lòng từ bi, bác ái, cứu giúp dân lành của Phật Quán Thế Âm…”.

Sau ngày khai hội, Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 – Ngũ Hành Sơn sẽ tiếp tục diễn ra trong 2 ngày kế tiếp (23 và 24-3) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động và hấp dẫn cùng với các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo…

LÊ HÙNG