Báo Công An Đà Nẵng

Lễ hội Quán Thế Âm 2014: Gắn đạo pháp với dân tộc

Thứ năm, 13/03/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Đến hẹn lại lên, hằng năm khi tiết trời đang vào độ giữa xuân, tại Non Nước-Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) lại diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm (từ ngày 17 đến 19-2 Âm lịch). Lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa tinh thần và cộng đồng rộng lớn, cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, thế giới hòa bình, khơi dậy lòng từ bi, hỉ xả, hướng thiện, gắn Đạo pháp với dân tộc...

Hàng ngàn tăng ni, Phật tử và du khách đến tham dự lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn.

Gắn đạo pháp với dân tộc

Lễ hội Quán Thế Âm xuất xứ từ một lễ vía thuần túy tôn giáo của đạo Phật, đó là Lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm vào ngày 19-2 Âm lịch hằng năm của đồng bào theo đạo Phật. Qua Lễ hội Quán Thế Âm, hình ảnh du lịch của TP Đà Nẵng và Q. Ngũ Hành Sơn ngày càng được quảng bá rộng rãi đối với du khách trong và ngoài nước. Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm được xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước.

Lễ hội là dịp khơi dậy truyền thống lịch sử, cội nguồn dân tộc, tinh thần đấu tranh quật cường dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, khơi dậy lòng từ bi hỷ xả, hướng thiện, gắn đạo pháp với dân tộc, dân tộc với đạo pháp. Với nét độc đáo, riêng biệt là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và vùng đất lịch sử-văn hóa Ngũ Hành Sơn nên Lễ hội Quán Thế Âm luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của nhiều tăng ni, đạo hữu Phật tử, du khách trong nước mà kể cả du khách quốc tế tìm đến trải nghiệm, tìm hiểu và chiêm bái.

Đến với Lễ hội Quán Thế Âm, du khách còn có dịp thưởng ngoạn thắng cảnh chùa Linh Ứng, nơi đã từng lưu dấu chân xưa của Vua Minh Mạng, thăm động Huyền Không, động Âm phủ, lên cổng trời và được nghe kể về truyền thuyết Rồng vàng ấp 5 trứng để ngày nay lưu dấu 5 ngọn núi Ngũ hành Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn,  Hỏa sơn và ngọn Thổ sơn soi mình bên dòng sông Cổ Cò xuôi dòng về phố cổ Hội An. Vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc để sống đẹp hơn.

Ông Lê Hoàng Đức-Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban Lễ hội Quán Thế Âm 2014 cho biết: "Lễ hội Quán Thế Âm không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong thành phố mà là dịp để du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét  lịch sử - văn hóa Phật giáo, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng, đó là danh thắng Ngũ Hành Sơn và Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước-một di sản văn hóa vật thể của dân tộc đang được gìn giữ, lưu truyền và ngày càng phát triển".

Hằng năm khi tiết trời đang vào độ giữa xuân, tại Non Nước - Ngũ Hành Sơn
lại diễn ra Lễ hội Quán Thế Âm.

Hướng đến lễ hội văn minh

Theo ông Đoàn Ngọc Độ-Phó Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Lễ hội Quán Thế Âm 2014, để lễ hội diễn ra thành công, ngay từ sau Tết Nguyên đán, các ngành và đơn vị liên quan đã triển khai kế hoạch chu đáo. Ban tổ chức lễ hội đã thành lập các tiểu ban phục vụ như: tiểu ban lễ tân - hậu cần; tiểu ban văn hóa - thể thao - du lịch và  tiểu ban an ninh trật tự - vệ sinh môi trường  -  y tế.

Ngay sau khi thành lập, các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch và triển khai trong tất cả các thành viên của tiểu ban, đảm bảo túc trực, xử lý và giải quyết các vấn đề có khả năng phát sinh khi lượng người đổ về quá đông trước và trong lễ hội. Đến thời điểm này, mọi công tác tổ chức đã được triển khai đúng kế hoạch và nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, nhằm hướng đến một lễ hội văn minh, Ban tổ chức đặc biệt chú trọng tăng cường công tác đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, VSATTP.

Kiên quyết không để xảy ra sự cố cháy nổ, cướp giật, móc túi, ùn tắc giao thông, đua xe, lạng lách. Xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng, giữ xe chặt chém du khách, các trường hợp bán hàng rong, ăn xin trá hình, nạn bán chim, cá phóng sinh, đốt vàng mã, lợi dụng lễ hội để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép, truyền bá các ấn phẩm văn hóa ngoài luồng ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt Nam. Qua đó, đảm bảo một lễ hội an vui, văn hóa, văn minh, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách khi hành hương về với Lễ hội, về với Ngũ Hành Sơn sơn thủy hữu tình.

Trí Dũng

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2014 diễn ra từ ngày 17 đến 19-3 (nhằm ngày 17, 18 và 19-2 Âm lịch) với các phần lễ: Tế xuân cầu quốc thái dân an; Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm; pháp đàn, đọc kinh cầu nguyện theo phật giáo Nam tông... Ngoài ra, năm nay, chùa Quán Thế Âm còn mời đoàn sư sãi cao tăng của Vương quốc Thái Lan và Phật tử đến tham dự Lễ Gia trì về ý nghĩa Ngọc Xá Lợi mà chùa Quán Thế Âm được  Đức Tăng thống Thượng phụ Vua Sãi Hoàng gia Thái Lan ban tặng và tham gia lễ pháp đàn cầu nguyện theo Phật giáo Nam tông và thiền tọa, hoa đăng.

Bên cạnh các nghi lễ Phật giáo truyền thống, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Các hoạt động có sức hấp dẫn, lôi cuốn thiện nam, tín nữ, khách du lịch trong và ngoài nước với nhiều nội dung như: tổ chức các môn thi truyền thống của dân tộc như kéo co, đẩy gậy, võ thuật, đua thuyền và các hoạt động văn hóa nghệ thuật như: khai mạc phòng tranh thư pháp, triển lãm tượng đá mỹ nghệ, hô hát bài chòi, múa lân, văn hóa ẩm thực, lửa trại, văn nghệ, pháp đàn, gia trì ngọc xá lợi, thiền định và lễ bế mạc với các tiết mục múa, hóa trang đặc sắc về Phật giáo và Dân tộc...

* Trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm 2014, ngày 16-3, sẽ diễn ra triển lãm 50 bức tranh sơn dầu mang chủ đề Tâm Xuân do 12 họa sĩ nổi tiếng của các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, TT-Huế và Quảng Trị thể hiện, như: Họa sĩ Nam Kha với tác phẩm Hương Sen; họa sĩ Thanh Hùng với tác phẩm TP Hồn Sen; tác phẩm Hồn Chăm Pa của họa sĩ Đinh Hương; Họa sĩ Thy Hoa với tác phẩm Hồn Nắng... Đặc biệt, tác phẩm Hóa Thân của Họa sĩ Xuân Sơn (Đà Nẵng) với cách mượn hình ảnh từ bi, dịu dàng của người phụ nữ hóa thân từ Phật Quan Âm ban vui, cứu khổ cho chúng sinh, chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng cho người yêu tranh nghệ thuật sơn dầu. Tiền bán tranh sẽ dành cho hoạt động từ thiện.

Công Hạnh

* Sáng 12-3, lễ hội "Tắt bếp" thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang) đã khai mạc với các hoạt động cúng tế nhớ ơn các vị Tiền hiền có công khai khẩn lập làng, cầu Quốc thái dân an và các trò chơi dân gian. Trong ngày hội, không một gia đình nào trong thôn được phép đỏ lửa bếp, tất cả mọi người phải tập trung, tham gia nấu cỗ... Theo cụ Lê Phú, trải qua bao biến cố lịch sử nhưng lễ hội văn hóa truyền thống này mãi được duy trì nhằm giáo dục người dân trong thôn sống chan hòa trong tình làng nghĩa xóm; góp phần cùng với chính quyền các cấp xây dựng, phát triển quê hương.

A.D