Báo Công An Đà Nẵng

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ hành Sơn năm 2015: Trăm hoa sen năm màu mở hội

Thứ hai, 06/04/2015 09:48

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-4 (nhằm ngày 17-2 ÂL), hàng ngàn chư tăng, Phật tử, người dân, du khách trong và ngoài nước đã tề tựu về khu danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn hữu tình, nơi hội tụ những giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt của TP Đà Nẵng để chiêm bái và thưởng lãm những hoạt động đặc sắc trong chương trình Lễ hội Quán Thế Âm 2015...

Dù 16 giờ ngày 5-4 (17-2 âm lịch), mới diễn ra nghi lễ tế Xuân cầu Quốc thái – Dân an và đúng 19 giờ tiếng trống khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm 2015 mới chính thức vang lên nhưng ngay từ sáng sớm, dòng người khắp nơi đã nô nức hướng về Ngũ Hành Sơn, về với lễ hội để dự các nghi thức thượng phan – thượng kỳ; thưởng thức hô hát bài chòi Khu V; xem triển lãm tranh, ảnh du lịch và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật – thư pháp – thiên trà... Chị Nguyễn Thị Lan (48 tuổi, trú P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Đến với Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn không chỉ để chiêm bái và tìm sự an lành – bình yên, mà tôi còn nhằm tham gia các hoạt động hấp dẫn cũng như thưởng thức các làn điệu dân ca ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước của các nghệ sĩ hô hát bài chòi. Thông qua những ca từ của các nghệ nhân, tôi càng thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn...

Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2015.

Giữa tiết trời ấm áp, lòng người phơi phới rủ nhau đi hội, hành hương về cội nguồn, vui chơi và cầu mong quốc thái dân an, con người hạnh phúc... Có một điều dễ dàng nhận thấy tại Lễ hội Quán Thế Âm đó là mọi người, không phân biệt tôn giáo, địa vị, đều nô nức đến đây để được chiêm bái Đức Quán Thế Âm, tham dự các nghi thức và hoạt động của lễ hội để cầu nguyện cầu quốc thái - dân an, những điều tốt lành nhất và hướng thiện nhất...

Đúng 16 giờ, lễ tế xuân cầu quốc thái – dân an bắt đầu, các vị bộ lão tại địa phương trang trọng trong bộ lễ phục cổ truyền, trang nghiêm thành kính hướng về giờ phút thiêng liêng của sông núi. Từng lời văn tế được xướng lên để bố cáo trời đất, thần hoàng bổn xứ, nguyện cầu quốc thái dân an. Một bầu không khí hết sức thành tín lắng đọng, lung linh huyền ảo giữa khói hương trầm nghi ngút, lan tỏa vào tâm hồn mọi người về dự lễ hội.  Ông Lê Thành Ngọc (72 tuổi, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam), hồ hởi: “Hằng năm, cứ đến dịp này, tôi lại đến với Non Nước – Ngũ Hành Sơn để tham dự lễ hội Quán Thế Âm.

Mỗi lần về đây, tôi đều có cảm giác yên vui, thanh bình. Tôi về đây để chiêm bái Đức Quán Thế Âm, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày một sống đẹp hơn và nguyện cầu quốc thái dân an, cho mưa hòa gió thuận, đất nước phát triển và phồn vinh, mọi người được khỏe mạnh, hạnh phúc và ấm no, Đồng thời, qua nghi lễ, tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc...”.

Đúng 19 giờ, tiếng trống khai hội chính thức vang lên, các đội hình rước đuốc, múa trình tường bắt đầu diễu hành qua khu vực lễ hội để thực hiện nghi lễ rước ánh sáng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lòng từ bi, hỷ xả, cứu khổ cứu nạn chúng sinh, hướng tới cái thiện, rời xa cái ác. Trong giây phút khai hội thiêng liêng chào mừng Lễ khánh đản Quán Thế Âm Bồ Tát, khí xuân an lạc dâng đầy, hàng nghìn trái tim tín đồ Phật tử và người dân từ khắp mọi miền đất nước hướng về lễ hội...

Kết thúc chương trình trống hội và múa trình tường, 15 họa sĩ là tu sĩ Phật giáo thuộc CLB Mỹ thuật Phật giáo và Trung tâm Mỹ thuật Phật giáo đã biểu diễn vẽ bức tranh sen (Quốc hoa Việt Nam) với chủ đề: “Bách Liên Ngũ Hành Khai Hội – Trăm sen năm màu mở hội” trên nền nhạc họa và bức tranh đã khai mở với tính nghệ thuật cao. Theo BTC, bức tranh sơn dầu vẽ trên vải toan kỷ lục của các tu sĩ Phật giáo kích  thước 2m5 x 9 m sẽ hiến tặng Chùa Thạch Ngọc Quán Thế Âm. Đây là phần giao lưu biểu diễn văn hóa độc đáo có một không hai với các nước tham dự lễ hội. Trong sự nhất tâm thành kính, nhạc lễ ngân trỗi, lời kinh vang vọng, các họa sĩ tu sĩ vận hết lòng thành kính, chuyển đức tin vào bàn tay, ngọn bút, đường nét và sắc màu để tạo nên những đóa hoa sen tinh khiết kỳ diệu, nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, quốc gia hưng thịnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc, Phật pháp trường tồn, tăng gia hòa hợp.

Cũng trong đêm khai hội, người dân và du khách còn được thưởng thức các chương trình ca múa đặc sắc của do các nghệ sĩ, nhóm nhạc của Việt Nam và Nhật Bản trình diễn, các giáo sự Trung tâm Sakura Nhật Bản biểu diễn nghệ thuật múa Yosakoi (Saraka); các em mẫu giáo Việt – Nhật cũng đã đem đến lễ hội chương trình trống. Bên cạnh đó, các giáo sư, nghệ nhân của Vương quốc Thái Lan lại biểu diễn những tác phẩm kết hoa lá nghệ thuật đặc sắc...

Sau gần 30 phút trình diễn, các họa sĩ là tu sĩ Phật giáo đã hoàn thành bức tranh sen với chủ đề: Bách Liên Ngũ Hành Khai Hội – Trăm sen năm màu mở hội.

Với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, Lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đây thực sự là lời cầu nguyện cho quốc thái dân an, cho mưa hòa gió thuận; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày càng sống đẹp hơn. Càng về đêm, lễ hội càng lộng lẫy, hoành tráng với nhiều thanh âm và sắc màu. Dưới sông, các chư tăng và Phật tử chùa Quán Thế Âm thả hoa đăng, gửi lời cầu nguyện cho ánh sáng trí tuệ được trường tồn như dòng nước...

Chị Trần Thị Đạt (44 tuổi, trú Q. Bình Thạnh, TPHCM) cho rằng: Khi đến chốn thâm nghiêm này, tôi cảm thấy tâm hồn thanh thản, bình yên lạ kỳ. Hơn nữa, đến với Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn, tôi không chỉ được hưởng thụ nét đẹp của các hoạt động mà còn có thể trải nghiệm và tìm hiểu về những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo. Đồng thời, được thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại văn hóa dân tộc Việt Nam; chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kỳ thú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân dân Ngũ Hành Sơn”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Hoàng Đức – Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn, Trưởng BTC Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm 2015 khẳng định: Được sự quan tâm của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, sự phối hợp của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài thành phố, Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm 2015 được tổ chức với quy mô và tầm vóc lớn hơn năm trước, nhất là không gian và điều kiện tổ chức Lễ hội được đầu tư khang trang và khá thuận lợi. Khu vực chính của Lễ hội đã cơ bản hoàn chỉnh về mặt trang trí mỹ thuật, đường Sư Vạn Hành đã được mở rộng tạo cho không gian tổ chức Lễ hội thêm hoành tráng hơn...

Với nét riêng biệt và độc đáo của mình, Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn  chính là sự kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo và vùng đất lịch sử - văn hóa Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét tính kết hợp giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp... Về với Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn là về với chính mình, là dịp để tự soi mình vào bản sắc của những giá trị văn hóa – lịch sử - nhân văn của dân tộc; được chan hòa trong không khí hội hè, được trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo, tái tạo và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống và đương đại...

Sau đêm khai hội, lễ hội tiếp tục được diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-4 với các hoạt động như: Pháp đàn Quán Thế Âm; Biểu diễn võ thuật nội công; Cầu nguyện và thiền tọa; Hội hoa đăng; Nghi lễ Phật; Hội thi đua thuyền truyền thống...

L.Hùng