Báo Công An Đà Nẵng

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Thứ năm, 05/12/2024 10:53
Đoàn Việt Nam tại Kỳ họp (Nguồn: Bộ VH-TT-DL)

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc, An Giang) diễn ra từ ngày 22 đến 27- 4 Âm lịch, tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và khu vực bệ đá thờ Bà trên núi Sam. Lễ hội gồm các nghi thức tâm linh và diễn xướng nghệ thuật, biểu hiện niềm tin, sự biết ơn Mẹ Đất - Mẹ Xứ sở của cộng đồng các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa ở Châu Đốc, An Giang.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sự kế thừa, tiếp thu, tích hợp và sáng tạo của cư dân Việt trong quá trình khẩn hoang và là sự tổng hòa của tín ngưỡng thờ Mẫu của các dân tộc Việt, Chăm, Khmer và Hoa. Lễ hội nhằm tôn vinh Nữ thần bảo trợ, ban tài, lộc, sức khỏe, bình an cho người dân địa phương, đồng thời là môi trường giáo dục truyền thống đạo đức "uống nước nhớ nguồn", nhắc nhở công lao dựng nước, giữ nước của cha ông, đề cao vai trò của người phụ nữ và thể hiện sự giao thoa trong sáng tạo, thực hành văn hóa và sự hòa hợp của các dân tộc cùng chung đức tin trong cùng một phạm vi lãnh thổ.

Theo Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đáp ứng được 5 tiêu chí để ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các nghi thức diễn ra tại Lễ hội Ví Bà Chúa Xứ núi Sam

Việc UNESCO ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc cùng tổ chức, quản lý và gìn giữ di sản chung, gắn kết cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Đồng thời góp phần chia sẻ hình thức thực hành Lễ hội, khẳng định vai trò của các nghi lễ mang tính chất dung hợp văn hóa các cộng đồng nên phản ánh sự đa dạng văn hóa, cũng như thúc đẩy sự hiểu biết, đối thoại giữa cộng đồng các dân tộc có tín ngưỡng thờ Nữ thần ở Việt Nam, tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Cùng đó, đề cao những sáng tạo văn hóa tâm linh của các dân tộc và góp phần nhận diện sự tương đồng về văn hóa giữa các dân tộc.

Được biết, đây là 1 trong tổng số 66 đề xuất được xem xét trong kỳ họp này và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh tính đến thời điểm này, gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Ca Trù (2009), Hội Gi óng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2015); Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt (2016); Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ (2017); Hát Xoan (2017); Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Nghệ thuật Xòe Thái; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022) và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (2024).

B.T (tổng hợp)