Báo Công An Đà Nẵng

LÊN KẾ HOẠCH SƠ TÁN DÂN VÙNG ĐỘNG ĐẤT VÀ HẠ DU ĐẬP THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2: Phải sơ tán 62.000 người, nếu vỡ đập

Thứ tư, 16/01/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-1, UBND tỉnh Quảng Nam họp bàn về kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất và hạ lưu Thủy điện Sông  Tranh 2 (TĐST2, H. Bắc Trà My, Quảng Nam).

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, động đất tại Bắc Trà My đã có từ rất lâu (năm 1715) và từ đó đến hết tháng 11-2012 trên địa bàn này đã xảy ra 66 trận động đất, mạnh nhất là 4,8 độ Richter, thời gian xuất hiện dư chấn không quy luật. Riêng từ ngày 3-10-2012 đến ngày 16-11-2012 xảy ra 25 trận, có trận mạnh 4,6 độ Richter, dư chấn ảnh hưởng địa bàn của 13 huyện, thành phố của tỉnh và một số huyện lân cận của Quảng Ngãi, Đà Nẵng,  làm hư hỏng hơn 1.000 nhà dân, gần 20 công trình công cộng tại H. Bắc Trà My.

 Lãnh đạo BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam trình bày ý kiến về phương án sơ tán dân. Ảnh: TRẦN TÂN

Tại cuộc họp, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã trình bày về một một kế hoạch được xây dựng trong tình huống có động đất rồi gây nên vỡ đập TĐST 2. Theo kịch bản, nếu xảy ra sự cố vỡ đập TĐST 2 sẽ gây ngập lụt cho vùng hạ du với số lượng nhân dân phải sơ tán hơn 62 nghìn người của 8 huyện, TP (Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn và Hội An). Theo đó, nếu xảy ra sự cố vỡ đập, BQL TĐST2, Trạm quan sát đập thủy điện có trách nhiệm thông báo, báo động và cung cấp thông tin, về tình hình diễn biến của nguy cơ hồ đập đến các xã của 8 huyện, TP trên ở vùng ngập lụt biết để sơ tán, phòng tránh; các xã, huyện ở vùng hạ du nhanh chóng thông báo cho nhân dân biết và tổ chức cho nhân dân bằng mọi phương tiện nhanh chóng lên các điểm cao, nơi bảo đảm an toàn; triển khai lực lượng bảo vệ, đảm bảo an ninh cho nhân dân sơ tán, triển khai lực lượng y tế đảm bảo sơ cứu tại chỗ. Kịp thời ứng cứu lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống cho các gia đình gặp khó khăn...

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các địa phương thuộc khu vực TĐST2 và hạ lưu thủy điện này đều cho rằng, đặt ra phương án sơ tán dân nếu có động đất xảy ra là vô cùng cần thiết. Bởi động đất xảy ra rất đột biến không như bão lũ. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My nhận định: “Theo tôi cần dự báo, dự lượng trước để đề phòng, cảnh báo đến người dân một cách sớm hơn, dù chỉ trong vòng vài phút trước khi động đất xảy ra. Hiện tại 5 trạm quan trắc do Viện Vật lý địa cầu lắp đặt trên địa bàn chỉ có chức năng đo độ rung chấn khi động đất đã xảy ra rồi gửi về Viện, từ đó xác định vùng tâm chấn của động đất, bao nhiêu độ Richter rồi ra thông báo, chứ 5 trạm đó không có tác dụng dự báo, dự lượng trước được. Nên cần có phương án cụ thể điểm đi, điểm đến cho người dân một cách chi tiết để còn phòng tránh. Cần phải lắp đặt “còi hú” báo động về cho các huyện, xã, thôn xóm và quy định cách “hú còi” để người dân được biết”.

Đại diện lãnh đạo H. Hiệp Đức cũng cho rằng hình thức báo động như dùng còi hú, loa phóng thanh hay dùng súng bắn cảnh báo đến người dân trong lúc cấp bách là hoàn toàn cần thiết. Thượng tá Võ Mạnh Hùng (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh), cho rằng: “Phải tính đến mực nước ngập của các sông, từng địa phương khi có lụt kèm theo thảm họa vỡ đập, cần cắm biển báo an toàn, không những lo cho người dân mà còn phải tính đến phương án đến từng trường học, bệnh viện,...”.

 Bản đồ kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất và hạ lưu TĐST.

Nhiều ý kiến của đại biểu đồng quan điểm cho rằng nếu không xảy ra thảm họa thì càng tốt mà nếu lỡ xảy ra thì cũng đã dự phòng, đã chuẩn bị thì thiệt hại sẽ được hạn chế tối đa. Nên việc xây dựng phương án, kế hoạch sơ tán nhân dân vùng động đất là hoàn toàn chính đáng và cần thiết.

* Theo văn bản mới nhất của Văn phòng Chính phủ - 17/TB-VPCP, để chắc chắn hơn, với mục tiêu an toàn cao nhất cho tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chưa được tích nước phát điện tại TĐST2 để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ thêm về động đất. Thủ tướng yêu cầu, cùng với các chuyên gia trong nước, phải thuê chuyên gia tư vấn hàng đầu của quốc tế như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ (một số chuyên gia này đã có mặt tại hiện trường) để khảo sát, đánh giá về động đất kích thích liên quan tới an toàn của đập...

Sau khi nghe ý kiến của các ngành chức năng và các địa phương liên quan bổ sung những ý kiến, đóng góp để kế hoạch được hoàn chỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhận định: “Nếu xảy ra sự cố trên, đó là một thảm họa chứ không còn là thiên tai tự nhiên nữa. Do vậy tôi yêu cầu các đồng chí đánh giá được hết những tình huống, mức độ cho sự cố trên để chủ động đối phó khi thảm họa xảy ra; kịch bản bao gồm hai tình huống, tình huống động đất gây vỡ đập trong lúc mưa lũ và thời điểm không lũ; nên lấy mốc lũ năm 1964 để làm mốc cảnh báo cho vùng hạ du; quy định, chọn lựa những điểm cao ở các địa phương để chủ động cho dân sơ tán lên đó; các địa phương cần trang bị còi hú, loa cầm tay để khi xảy ra sự cố thì phát tín hiệu cho người dân biết sơ tán. Nếu cần thiết, các mạng điện thoại trong khu vực thiết lập hệ thống tin nhắn qua ĐTDĐ cho người dân khi thảm họa xảy ra... Theo đó Bộ chỉ huy quân sự tỉnh nhanh chóng xây dựng lại kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn". “Cụ thể hóa phương án càng nhanh càng tốt. Ưu tiên trước cho H. Bắc Trà My để phục vụ cho diễn tập sơ tán dân trong năm 2013 khi có quyết định của Bộ Quốc phòng”, ông Quang nhấn mạnh.

Trần Tân