Lên non săn gà
(Cadn.com.vn) - Chưa bao giờ thịt gà rừng lại lên ngôi như hiện nay - giá bán có khi vọt 100-130 ngàn đồng/kg. Chính vì thế mà nhiều người đã không quản rừng thiêng, nước độc - ngày đêm mai phục bẫy, bắn gà rừng đem bán. Không những vậy, nhiều đại gia còn dùng súng thể thao tổ chức những cuộc ngược ngàn săn bắn gà rừng làm thú tiêu khiển...
Chúng tôi tìm về vùng đại ngàn xã Quang Thành, H. Yên Thành, Nghệ An để gặp Trương Tùng - một tay chuyên nghề bẫy, bắn gà rừng. Nhà anh ta nằm dưới chân núi Sương, mái ngói ba gian thấp nhỏ. Vườn trước nhà có 9 cái bu nhốt gà, toàn những chú trống ngũ sắc, màu vàng óng đỏ, đuôi dài, cong điệu đà trông rất đẹp. Thì ra gà rừng cũng chẳng khác gì gà nhà. Chúng tôi đang ngó nghiêng thì một người đàn ông thấp đậm xuất hiện như mọc trước mặt. “Mời các anh vô nhà uống chè chát”. Đó là Tùng, anh ta tính tình cởi mở. “Bữa ni hên, được 6 con nên về sớm chứ như mọi hôm các anh đến không gặp!”.
Bắn điếu thuốc lào nhả khói sảng khoái, Tùng kể: “Tui biết bẫy gà rừng từ hồi còn cởi truồng. Sau này lấy vợ những lúc nông nhàn tui cũng vô rừng đặt bẫy. Gà rừng trước đây nhiều lắm. Mỗi ngày tui cũng kiếm được mươi con. Đến khi người bẫy nhiều quá nên hiếm, tui mua khẩu thể thao. Khoái lắm, chỉ cần “pạch” phát là xong. Tui bẫy được đem bán cho mấy quán thịt rừng giá 60 ngàn đồng/kg gà sống, gà chết 25 ngàn đồng. Nếu như bẫy được con trống ngũ sắc gáy hay bán cho người nuôi chim cảnh thì được vài ba trăm ngàn đồng. Những con nhốt ngoài vườn chờ bán. 9 con đó phải hơn 2 triệu đồng. Ở quán họ bán đắt, những 150 ngàn đồng/đĩa thịt gà rừng. Nhờ có nghề ni mà tui trang trải được cho mấy đứa con ăn học, tậu được con Ma-gíc”.
Những con gà rừng bị dính bẫy.
- Cách bẫy như thế nào?
- Có hai loại bẫy. Bẫy cò ke lấy dây dù cột đầu cành cây, cuối dây thắt do, chỗ thắt do có que tre nhỏ, vít cong xuống cho que tre vào nơi chiếc cọc bằng ngón tay có ngàm. Loại này đặt ngay lối mòn gà hay đi lại. Bẫy thứ hai là bẫy bộng, cũng giống như bẫy cò ke nhưng là khoét một cái bộng dưới đất, bỏ mồi giun xuống, gà thấy mồi thò cổ xuống đẩy trật ngàm, bị treo cổ.
- Người đi săn gà rừng như anh nhiều không?
- Thấy bở ăn nên người ta nhào vô liền, xóm tui 9-10 người đi bẫy chuyên nghiệp. bọn trẻ chăn trâu, chăn bò tranh thủ làm thêm thì không kể hết. Có nhóm của tay Hùng còn đi lên cả vùng miền núi cao như Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn để bẫy. Mới hôm trước có 2 ô-tô chở 6 người với 4 khẩu súng thể thao vô đây bắn gà. Chú thích, hôm sau đi với tui.
Sáng hôm sau tôi theo Tùng xách bẫy, mang súng đi về cánh rừng phía tây bắc. Cánh rừng này còn nguyên sơ, cây cối rậm rạp. Tùng vừa đặt bẫy vừa rỉ tai tôi: “Những chỗ bàn chân người ít lui tới như ở đây gà rừng mới nhiều. Nhưng kệ nó, ta đi ngược lên khe nước Vàng bắn kiếm ít con ăn chơi!”. Rừng ở khe nước Vàng nhiều tầng cây nhưng chủ yếu là bụi cây lúp xúp, hoang vắng, chỉ có tiếng tắc kè kêu điểm nhịp. Tùng lôi tôi vào trong một bụi rậm. Tùng bắt đầu nhọn mồm kêu: Túc... túc... tục... t... rục như tiếng gà mái kêu. Khoảng 10 phút lại đổi sang tiếng gà trống gáy. Anh ta rướn cổ lên nghe ngóng rồi rụt lại, đảo mắt quan sát. “Pịch”, chú gà trống vừa bay đến đậu trên đầu chúng tôi bị dính đạn rơi xuống đất. Gần trưa, chúng tôi bắn được 3 con, 2 mái, 1 trống. Đang định ra về thì tôi thấy một tay mặc bộ đồ bộ đội đang cầm súng lom khom tiến về phía chúng tôi: “Người, người! Đừng bắn!”. Tôi hốt hoảng la lên lao ra khỏi bụi. Hú hồn. Tôi nhìn con gà rừng đang giãy phành phạch trên tay mà rùng mình. Nếu hắn đòm cho một phát thì toi mạng...
Tùng và tôi trở lại chỗ đặt bẫy. Thế là chúng tôi tóm thêm được một chú nữa. Chúng tôi về làm một loáng là xong với hai món gà nướng và gà ướp sả ớt, mật ong rán giòn. Phải nói rằng gà rừng cực ngon. Thịt chắc, thơm bùi, càng nhai càng ngọt. Trách gì mà nó lên ngôi đặc sản Năm-bờ-oăn!
Cách đợt đi săn đó 2 ngày tôi quyết định ngược lên xã Quang Phong, H. Quế Phong và tham dự tiếp cuộc đi săn lần thứ hai. Trên vùng rừng núi này hầu như nhà nào cũng có người vào rừng săn bắn. Tôi với Vi Văn Hùn xách khẩu súng kíp theo dòng sông Quàng ngược lên Pù Chồng Cha - ngọn núi nơi miền biên viễn này mây trắng giăng suốt ngày. Gà rừng ở đây nhiều nên cách săn cũng rất đơn giản, chỉ cần ngó từng lùm cây, nghe tiếng kêu hay tiếng động, xác định có gà hay sóc, chồn... là cứ việc chĩa súng vào. Loại súng bắn đạn ria (bi) đoàng một phát thì chẳng có con nào trượt. Hùn khai hỏa 3 phát, tôi đã phải xách 4 con gà rừng và một con cheo nặng gần 10kg. Hỏi Hùn bắn như thế lỡ có người ở trong thì sao? Hùn cười: “Bắn trúng người là do thằng cầm súng mắt kém, tai điếc. Mấy tay ấy từng bắn chết bò, chết người rồi. Đi săn sợ nhất là gặp rắn độc. Xã ni cũng có 2 thằng đi thăm bẫy bị rắn hổ chúa đớp, ngoẻo rồi!”. Chiều đó, tôi và Hùn đi thăm bẫy được 7 con gà dính bẫy treo ngược.
Một xạ thủ đang bắn gà.
Những trường hợp đi săn gà rừng trên là do miếng cơm manh áo nhưng cũng có một số đại gia đi xe hơi đắt tiền xách súng thể thao đi săn gà rừng làm thú tiêu khiển. Họ là những giám đốc, thương gia... giàu có. Hùng - Giám đốc một Cty TNHH nói: “Bọn tớ ở thành phố thiếu gì của ngon vật lạ. Đĩa gà rừng vài trăm ngàn chứ vài triệu cũng xài được, nhưng quan trọng là cái thú. Cứ thấy con gà trúng đạn xõa cánh rơi xuống là sướng!".
Rõ ràng, gà rừng đang bị con người săn lùng ráo riết để làm món ăn đặc sản và làm thú tiêu khiển. Với tốc độ tận bắt, tận diệt như hiện nay thì một ngày không xa loài gà rừng sẽ bị tuyệt chủng. Trước đây gà rừng ở vùng núi Nghệ An nhiều lắm, chạy lăng xăng cả đường, vô cả vườn nhà người dân, nhưng nay thì chúng đang giảm đi nhanh chóng. Bên cạnh đó, theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ tháng 10-2006 đến nay trên toàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 11 vụ chết người vì sử dụng súng kíp trái phép đi săn...
Tiến Dũng