Báo Công An Đà Nẵng

Lên non trồng bưởi hồ lô

Thứ sáu, 04/10/2019 16:33

Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi và thử nghiệm, anh Phạm Ngọc Hải ở thôn Nước Vương, xã Sơn Liên (H. Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đã mạnh dạn trồng và tạo hình quả bưởi có hình dáng giống hồ lô để phục vụ cho thị trường Tết năm nay.

Anh Phạm Ngọc Hải tạo dáng cho quả bưởi.

Những ngày này, sau thời gian làm việc, anh Hải luôn túc trực tại vườn bưởi của mình để theo dõi, chăm sóc những trái bưởi hồ lô đang trong giai đoạn tạo hình, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán tới. Quá trình tạo hình hồ lô phải mất từ 4-5 tháng mới cho ra sản phẩm đẹp mắt, nên ngay từ bây giờ, việc “nặn” bưởi hồ lô đã được thực hiện. Anh Hải cho biết: Hơn 100 gốc bưởi ghép này đang trong giai đoạn ra quả nên cần phải được chăm sóc cẩn thận để có những quả bưởi đẹp, thuận lợi cho việc tạo hình.  

“So với những cây bưởi trồng ngoài tự nhiên, việc tạo hình quả cho những chậu bưởi trồng trong chậu khó khăn hơn rất nhiều. Một phần những cây bưởi trồng trong chậu nguồn dinh dưỡng cung cấp hạn chế nên cần phải chăm sóc kỹ hơn, các loại phân bón đều được xử lý qua chế phẩm sinh học để cung cấp đủ dưỡng chất nuôi cây; mặt khác do trồng chậu nên quả không nhiều, vì vậy việc chọn được trái bưởi để tạo hình càng khó hơn”- anh Hải chia sẻ.

Để có những chậu bưởi ưng ý, quả bưởi có hình dáng đẹp, ngoài việc chọn giống, tỉ mỉ trong khâu chăm sóc, người trồng còn phải khéo léo trong việc chọn quả, thắt eo, ráp khuôn…  Tất cả những quy trình này đều được anh Hải học hỏi, tìm tòi trên mạng và đã thử nghiệm thành công vào Tết năm ngoái. 

Theo anh Hải, khâu định hình là quan trọng nhất, đánh dấu sự thành công hay thất bại khi làm bưởi hồ lô. Khi quả bưởi khoảng bằng nắm tay là mình bắt đầu công đoạn thắt vòng dây ở giữa để bưởi có hình dáng như mong muốn. Sau một thời gian, quả đến thời kỳ phát triển sung sức, bưởi được đưa vào khuôn hình hồ lô, hoặc các khuôn hình khác nhau theo sở thích. Khuôn thường được làm bằng nhựa với dáng hồ lô có khắc sẵn các chữ Phúc, Lộc, Thọ... nổi. 

“Trong thời gian này, người trồng phải hằng ngày trông coi nhằm phát hiện kịp thời những thay đổi bất thường trên trái bưởi để có sự can thiệp, điều chỉnh trái bưởi phát triển như mong muốn. Trường hợp làm không cẩn thận sẽ làm hư quả bưởi dẫn đến chậu bưởi bị mất đi giá trị. Sau một thời gian trái bưởi đã được tạo hình theo ý muốn, mình sẽ được tháo khuôn để trái phát triển tự nhiên”, anh Hải cho hay.

Với việc đưa cây bưởi xanh lên núi trồng và tạo hình, anh Phạm Ngọc Hải là người đầu tiên ở vùng đất Sơn Tây sáng tạo ra trái bưởi hồ lô, làm tăng giá trị sản phẩm lên gấp cả chục lần so với trái bưởi truyền thống. 

Hiện hơn 100 chậu bưởi cảnh của anh Hải đang phát triển tốt, anh hy vọng, những chậu bưởi với các quả bưởi được tạo hình thành công sẽ góp phần làm phong phú thêm thị trường dịp Tết ở huyện vùng cao Sơn Tây, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình anh và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình khi áp dụng kỹ thuật này để nâng cao giá trị cây bưởi.

Q.Ng