Báo Công An Đà Nẵng

Lên non vui Tết Ngã rạ

Thứ hai, 21/12/2015 09:07

(Cadn.com.vn) - Tết Ngã rạ là Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Cor trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhưng tại mỗi địa phương trong tỉnh, cách thức tổ chức cũng khác nhau và mang nét đặc trưng riêng. Năm nay là năm thứ 2, xã Trà Giang, H. Trà Bồng (Quảng Ngãi), tổ chức Tết Ngã rạ mở rộng ra quy mô cấp xã, mang tính cố kết cộng đồng cao.

Tết tạ ơn, cầu sức khỏe

Tết Ngã rạ của đồng bào Cor thường tổ chức vào những tháng cuối năm. Sớm thì vào tháng 9, trễ thì tháng 11 Âm lịch, khi vụ mùa thu hoạch xong. Trước lễ chính thức một ngày, dân làng lên rẫy rước thần lúa về buộc lại, sau đó báo cáo với ông bà, tổ tiên hẹn ngày mai sẽ tiến hành đại lễ. Đến tối, các già làng uy tín tập trung đông đủ tại Nhà truyền thống của thôn để bàn bạc, định giờ cụ thể, rồi căn chỉnh chiêng, trống. Phụ nữ đảm nhận việc chẻ lạt, gói bánh lá đót. Không khí nhộn nhịp hẳn lên. Những đôi tay thoăn thoắt gói những chiếc bánh bằng gạo nếp, gạo tẻ hình dáng thon nhỏ, nhọn ở một đầu y hệt kim tự tháp dựng đứng. Bánh thường được gói cặp với nhau trong mỗi dây lạt rừng. Khoảng 11 giờ đêm, thanh niên, trai tráng trong làng có trách nhiệm thổi lửa, nấu bánh. Bánh lá đót được nấu chín sau một canh giờ. Giữa làn khói nghi ngút bốc ra từ nồi nấu, những chiếc bánh đầu tiên vớt ra có màu vàng mật trông thật bắt mắt. Loại bánh này không thể thiếu trong Tết Ngã rạ của đồng bào Cor.

Sớm tinh sương ngày hôm sau, dân làng tề tựu về khu vực tổ chức lễ để bắt heo làm thịt. Điều đặc biệt là heo phải được chính người dân địa phương nuôi, bắt trực tiếp từ trong chuồng ra, chứ không được mua ngoài chợ. Heo càng có màu đen càng tốt. Sau khi làm sạch, thịt heo và thủ cấp được bày trang trọng tại khu vực cao nhất trong Nhà truyền thống, phía trên có đặt ảnh Bác Hồ (đồng bào ví Bác Hồ như cha đẻ) để cúng sống.

Đây là nghi thức đầu tiên. Tất cả mọi người quây quần bên mâm cỗ để nghe già làng tạ ơn tổ tiên, tạ ơn thần lúa đã ban phúc cho dân làng được mùa lúa rẫy, no ấm; nghe già kể chuyện được mất của năm và những kế hoạch, dự định cho vụ mùa mới trong năm đến. Rồi cầu mong sức khỏe cho cả già, trẻ, gái trai trong thôn mình. Khi phần lễ kết thúc, người cúng đánh lên một hồi chiêng, các nghệ nhân sẽ múa.

Sau đó đến phần cúng chín. Thịt heo được lấy xuống đem đi luộc, rồi bày trí lại ngay chỗ cũ. Các già làng lại đọc "phép", và các nghệ nhân sẽ đợi lệnh để đánh chiêng, múa điệu cà đáo. Đội hình này quy định có đúng 11 người (8 nữ và 3 nam) để cho đủ cặp và đủ người đánh chiêng, trống. "Điệu chiêng hay là điệu chiêng phải có ngọn. Tức là chiêng, trống phải hẹn nhau dừng cùng lúc"- già làng Hồ Văn Đạo, Trưởng thôn 1, xã Trà Giang cho hay.

Mâm lễ đầy đủ của Tết Ngã rạ bao gồm heo, gà, bánh lá đót, trầu cau và sáp ong. Sự độc đáo nữa của lễ cúng này là đồng bào không dùng nhang hoặc đèn cầy trong lễ cúng, mà vào tận rừng sâu đốt tổ ong lấy sáp về trữ trong nhà để khi cần thì dùng tới. Già Hồ Văn Chín chia sẻ: "Sau khi đốt lấy mật thì người đốt sẽ lấy nguyên cả tổ nó về cho vào nồi nấu. Đến khi đông đặc như cao thì trút ra thành bánh, đến Tết Ngã rạ thì bẻ nhỏ ra quấn với vải mỏng để thắp". Các lễ vật thường được sắm sửa từ cây nhà, lá vườn chứ không mua từ dưới xuôi đem lên, có thể do quan niệm của đồng bào là sợ mất linh.

Trong lễ Tết Ngã rạ của đồng bào Cor cũng không thể thiếu các trò chơi dân gian như giã gạo, gói bánh, thi cà kheo... Ý nghĩa nhằm ôn lại đời sống sinh hoạt xưa. Kết thúc lễ là lúc cả làng nhập tiệc, ca hát bên nhau.

Màn đấu chiêng dân tộc Cor trong ngày Tết Ngã rạ.

Mang tính kết nối cộng đồng cao

Nếu trước kia, Tết Ngã rạ chỉ bó hẹp ở cấp độ nhỏ lẻ, gia đình thì nay đã được xã Trà Giang mở rộng ra quy mô cấp xã và năm nay là năm thứ 2, xã tổ chức lớn như vậy. Mục đích là tạo không gian để những người con xa quê có dịp trở về đoàn tụ, cùng nhau ôn lại truyền thống Tết thiêng liêng của dân tộc mình. Qua đó, thắt chặt tính đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang, cho hay: "Khi được xã thông qua, người dân đồng tình, ủng hộ lắm. Vì họ cũng muốn cái Tết của mình hoành tráng như Tết ở miền xuôi".

Là thế hệ trẻ của làng, chị Hồ Thị Diện (1985) không giấu nổi niềm vui trong ngày đại lễ của đồng bào mình. Cho dù lấy chồng về địa phương khác sinh sống, nhưng mỗi khi Tết Ngã rạ diễn ra, chị lại háo hức trở về, hòa mình vào suối nguồn tinh thần không thể thiếu. "Không biết Tết Ngã rạ có tự bao giờ, nhưng đã ăn sâu vào tâm thức của tôi. Đó là dịp để tôi tưởng nhớ lại truyền thống quý báu của dân tộc mình, có cơ hội giao lưu với bạn bè thân quen sau bao năm xa cách"- chị Diện xúc động nói.

Ông Nguyễn Vương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá: "Chúng tôi rất khuyến khích đồng bào Cor duy trì, bảo tồn và phát huy những phong tục tiến bộ, tích cực và Tết Ngã rạ là một trong số đó. Nó mang tính cố kết cộng đồng rất cao, tạo ra không gian tín ngưỡng, sinh hoạt chung, hướng về cội rễ dân tộc. Không những thế, Tết Ngã rạ còn có tác dụng giáo dục thế hệ cháu con về bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng miền nơi mình sinh sống, để biết mà noi theo".

Cơn mưa rừng đổ xuống, lất phất như mưa xuân. Chúng tôi chia tay đồng bào trong những cái bắt tay thật chặt, đầy quyến luyến. Đâu đó trên khung cửa nhà, những dòng khẩu hiệu "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta" đỏ chói được nẹp ngay ngắn, trang nghiêm như thể tô thêm niềm tin của người Cor vào Đảng, Bác Hồ đã cho họ một cuộc sống tươi sáng.

Vĩnh Trọng