Báo Công An Đà Nẵng

Lên rừng tìm nấm linh chi

Thứ sáu, 24/12/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện về một nhóm thanh niên ở thôn 5, Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam tự lên rừng tìm được một số loại nấm rừng, rồi đem về uống chữa khỏi các bệnh gan cho chính bản thân mình, đã được chúng tôi phản ánh nhiều lần từ đầu năm 2010 đến nay, đã được dư luận rất chú ý quan tâm. Vào tháng 8-2010, Sở Y tế Quảng Nam đã vào cuộc và lấy mẫu nấm rừng này gửi ra Viện Dược liệu T.Ư để kiểm tra, xét nghiệm thành phần dược tính của nấm. Cuối tháng 12-2010, Viện Dược liệu T.Ư đã có kết quả kiểm tra mẫu nấm rừng và kết luận: “Các loại nấm rừng này là nấm Linh Chi thông thường tự nhiên, thành phần dược tính của nó có giá trị tốt hơn các loại nấm Linh Chi được trồng bằng phương pháp cấy ghép nhân tạo...”.

Xác định là nấm linh chi

Ngày 17-12, dược sĩ Nguyễn Như Chính - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, theo kết quả kiểm tra mẫu nấm rừng này được xác định gồm 2 loại nấm, có tên khoa học là Gano derma lucidum và Gano derma colo ssum, thường được gọi là nấm Linh Chi. Cũng theo nhiều tài liệu nghiên cứu khác, nấm Linh Chi còn có những tên khác như, nấm Tiên Thảo, nấm Trường Thọ, Vạn Niên nhung... Trong “Thần nông bản thảo” xếp Linh Chi vào loại siêu thượng phẩm hơn cả nhân sâm.

Trong “Bản Thảo cương mục” coi Linh Chi là loại thuốc quý, có tác dụng bảo vệ can (gan), giải độc, cường tâm, kiện não, tiêu đờm, lợi niệu, ích vị. Gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản phát hiện nấm Linh Chi còn có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa, tăng tuổi thọ. Có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã định danh được các hoạt chất và xác định tác dụng dược lý của nấm Linh Chi...

Dược sĩ Nguyễn Như Chính cho biết thêm, loại nấm Linh Chi mà nhóm thanh niên ở Tiên Hiệp, Tiên Phước tìm được, theo các nhà khoa học của Viện Dược liệu T.Ư có giá trị tốt hơn nhiều loại nấm Linh Chi được trồng cấy, ghép theo phương pháp nhân tạo mà lâu nay thường bán trên thị trường. Như vậy, hiện nay có thể khẳng định, nấm rừng này là loại nấm quý, vậy lâu nay nó đã tồn tại tại một số khu rừng ở Tiên Phước và một số địa phương miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi nơi nhóm Nguyễn Đình Hoa đến tìm hái như thế nào? Chúng tôi liên hệ với anh Hoa để thực hiện chuyến thực tế...

Lên rừng tìm nấm linh chi

Sáng sớm 21-12, chúng tôi có mặt tại Tiên Hiệp, Tiên Phước, nhóm của anh Hoa còn có một số thanh niên tại địa phương nữa gồm các anh Trần Văn Sĩ, Nguyễn Đình Nghĩa và Nguyễn Văn Long đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, tăng võng, dụng cụ đi rừng. Hôm nay, nhóm của anh Hoa sẽ dẫn chúng tôi lên khu rừng Suối Bùn, thuộc địa phận xã Tiên Lãnh, giáp ranh với địa phận H. Bắc Trà My, Quảng Nam, đây là khu vực rừng lim xanh mà nhóm anh Hoa đã phát hiện lần đầu tiên các loại nấm rừng.

Vượt gần 10 km đường trơn trượt, chúng tôi đến một trại nhốt trâu bò của một gia đình người dân đi làm ruộng và gửi xe máy ở đó tiếp tục đi bộ. Mất mấy tiếng đồng hồ nữa chúng tôi mới lên được ngang sườn núi Nà Cao và nghỉ ăn cơm trưa. Cơm nước xong, Hoa lại cảnh báo chúng tôi, bây giờ các anh xắn quần lên, cầm sẵn bình thuốc đép trên tay (thuốc chống côn trùng, vắt, muỗi), từ đoạn đường này trở đi rất nhiều vắt và ve, cứ để ý vắt bám vào chân là xịt thuốc đép vào ngay.

Phát hiện gốc cây lim có nấm linh chi đỏ. 

Mặc dù nghe Hoa dặn vậy, nhưng đi được hơn 30 phút, tôi thấy lành lạnh dưới bắp chân, nhìn xuống đã thấy một con vắt no kềnh, vừa gạt nhẹ là nó đã rơi phịch xuống đất, máu từ vết cắn tứa ra... Hơn một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi tới đỉnh Bàng Xim, Hoa bảo, từ đây đổ dốc khoảng một tiếng nữa sẽ tới khu rừng Suối Bùn. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được khu rừng cần tìm nấm, Hoa và nhóm thanh niên cho biết, đây là khu rừng nguyên sinh chỉ toàn cây lim xanh, đường kính tới cả mét, nhưng đã bị lâm tặc đốn hạ, khai thác hết cách đây cả chục năm rồi.

Hoa lại dặn chúng tôi, nấm chỉ mọc ở những gốc cây đã mục, lùm lá ẩm ướt, vì vậy phải rất thận trọng, vì rất có thể sẽ gặp rắn độc, còn con tít (rết) và vắt thì rất nhiều, tốt nhất là bọn Hoa đi tới đâu thì theo tới đó, không tự lần mò lỡ rắn cắn thì nguy hiểm. Hoa lại cho biết, khu rừng này, năm ngoái (2009), nhóm Hoa tìm được rất nhiều nấm, nhưng nay còn rất ít, hầu như chỉ đi mót lại.

Bữa cơm giữa rừng trên đường tìm nấm. 

Nấm có 6 loại, xích chi (đỏ), tử chi (tím), quyền chi (nâu), ngọc chi (trắng), huyền chi (đen), bích chi (xanh), nhưng mỗi loại thường chỉ mọc vào một mùa. Hoa bảo chúng tôi ngồi trên một khu đất khô ráo, khi nào tìm được nấm anh sẽ gọi, không nên đi lung tung, nguy hiểm. Cả nhóm Hoa chia nhau tỏa ra các ngả rừng bắt đầu tìm nấm, chừng 20 phút sau thì Hoa quay lại, dẫn chúng tôi đến một gốc cây lim đã mục, một nhánh cây khá lớn nằm kín trong một bụi lau lách ẩm ướt.

Hoa cùng anh Sĩ đã phát hiện ra mấy cánh nấm trắng và đỏ mọc dưới gốc cây này. Hái được mấy cánh nấm ra, Hoa bảo, hồi tháng 7, tháng 8 vừa rồi, nhóm Hoa sang rừng lim Nước Nia, Sơn Hà, Quảng Ngãi, khu rừng ấy cũng rất nhiều nấm, nhưng lại ít loại nấm đỏ (xích chi) như thế này, theo Hoa, nấm màu đỏ này mới là loại tốt nhất. Loại bích chi (xanh) còn tốt hơn, nhưng rất hiếm, nếu hái được có thể nấu nước uống ngay, rất khỏe người... Lùng sục chừng 2 giờ đồng hồ, nhóm Hoa tìm hái được khoảng gần 2kg nấm tươi, cả nhóm kéo nhau ra ngồi giữa một dòng suối đá cạn, đổ nấm ra chọn lựa rồi mang xuống khe suối dùng muối sống mang theo hòa với nước, cẩn thận rửa từng chiếc nấm. Hoa cho biết, phải rửa sạch sẽ ngay bằng nước muối, nếu không nấm sẽ đổi màu, hư hỏng ngay...

Trời đã về chiều, lại xuất hiện những đám mây đen kéo đến, báo hiệu một cơn mưa rừng sắp đến, Hoa giục chúng tôi nhanh chóng rút khỏi khu rừng lim ẩm ướt. Hoa dẫn chúng tôi xuống núi trước, còn mấy thanh niên về sau, nếu trời không mưa, họ còn ở lại đóng trại ngủ qua đêm để hôm sau tiếp tục tìm nấm...

Hoa tâm sự với chúng tôi, thời gian qua, nhóm Hoa thường đi tìm nấm ở địa bàn H. Nam Giang, giáp biên giới Việt-Lào, mỗi chuyến đi thường từ 10 ngày đến nửa tháng mới về. Như ngày hôm nay, kiếm được gần 2kg nấm tươi, về sấy khô còn khoảng hơn 5 lạng, nếu bán với giá 6 triệu đồng/kg, trừ chi phí, mỗi anh em trong nhóm chia nhau mỗi người được khoảng 300 nghìn đồng.

Từ đầu năm đến nay, đã có cả trăm người đến tìm mua nấm của Hoa về chữa bệnh, nhiều người uống thấy giảm bệnh, nhưng cũng có người không thấy tác dụng. Hoa thú thật: “Thời gian em và mấy anh trong xã bị bệnh gan, mỗi người phải uống đến hơn 5kg mới khỏi, nhưng như bọn em mới chỉ bị bệnh giai đoạn đầu, còn nếu ai đó bị bệnh xơ gan, ung thư gan giai đoạn cuối, chắc là không thể hy vọng uống nấm khỏi bệnh...”.

Theo chúng tôi, dù sao chăng nữa, theo kết luận của Viện Dược liệu T.Ư, đây là loại nấm linh chi có giá trị tốt về tính dược liệu, mọc trong tự nhiên tại địa phương, chính quyền, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cần nhanh chóng có kế hoạch khảo sát, bảo tồn và giữ gìn. Như vậy nó mới phát huy được tác dụng, giúp ích cho công việc chữa, điều trị bệnh, bồi bổ sức khỏe trong cộng đồng xã hội, đừng nên bỏ phí một nguồn dược phẩm thiên nhiên quý hiếm này.

Phóng sự: Hồng Thanh