LHQ mừng 75 tuổi trong “bóng ma” Covid-19
Ngày 22-9 (giờ Mỹ), cuộc họp trực tuyến đầu tiên của các nhà lãnh đạo thế giới tại phiên họp Đại hội đồng LHQ đã bắt đầu với các bài phát biểu được ghi âm của một số cường quốc.
Trong bức ảnh do LHQ cung cấp, Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế, Thẩm phán Abdulqawi Ahmed Yusuf, được nhìn thấy trên màn hình khi ông phát biểu trước Đại hội đồng LHQ để kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ. Ảnh: AP |
* Một cuộc khảo sát được LHQ vừa công bố cho thấy, 60% người được hỏi tin rằng tổ chức này đã giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. 75% người đánh giá LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu thời gian tới, như bất bình đẳng gia tăng, nghèo đói, xung đột vũ trang, khủng bố, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... LHQ hiện là tổ chức cung cấp cứu trợ nhân đạo hàng đầu thế giới và cũng đang triển khai quân hoạt động tại một số khu vực không ổn định. Dù vậy, tổ chức này vẫn không thể giúp chấm dứt giao tranh dai dẳng ở Syria, Yemen hoặc Libya. Cuộc xung đột Israel - Palestine cũng vẫn chưa có giải pháp nào. |
LHQ đón tuổi 75 bằng tuần lễ hội họp cấp cao diễn ra theo hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp từ ngày 21-9 đến 2-10. Sau phiên giới thiệu hôm 21-9 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập của LHQ, sự kiện trọng tâm của cuộc họp - các bài phát biểu của mỗi quốc gia trong số 193 quốc gia thành viên - bắt đầu vào ngày 22-9. Theo truyền thống, những bài phát biểu như thế này đóng vai trò như một nền tảng để các quốc gia quảng cáo thành tích, tìm kiếm sự hỗ trợ, khơi dậy sự cạnh tranh và bày tỏ quan điểm về các ưu tiên toàn cầu. Năm nay, tính hiệu quả và sự đoàn kết của cơ quan 193 thành viên này đối mặt thách thức từ một loạt vấn đề nóng từ đại dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu và căng thẳng gia tăng giữa một số nước, trong đó nổi bật là “điểm nóng” Trung-Mỹ được cho sẽ là chủ đề nổi bật tại phiên họp năm nay.
Mỹ, Brazil và trọng tâm đại dịch Covid-19
Năm nay, nền tảng này là trực tuyến và có một ưu tiên mới cấp bách trong đại dịch đã giết chết hơn 960.000 người trên toàn thế giới. “Khi chúng ta gặp nhau ở New York 1 năm trước, không ai có thể ngờ rằng năm 2020 sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến như thế này”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nhấn mạnh trong bài phát biểu qua video.
Theo thông lệ, Brazil phát biểu đầu tiên và Mỹ thứ hai với tư cách nước chủ nhà trong “cuộc tranh luận chung” của cuộc họp hàng năm, thường ít mang tính đối thoại hơn mà chỉ là một loạt tuyên bố. Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, Covid-19 đã gây ra những thiệt hại lớn cho cả hai quốc gia, với gần 200.000 người thiệt mạng ở Mỹ và hơn 136.000 người ở Brazil. Cả Tổng thống Bolsonaro của Brazil và Donald Trump của Mỹ cũng có chung điểm là đều có mâu thuẫn với các thống đốc và chuyên gia y tế về đại dịch và nhấn mạnh hậu quả kinh tế của việc cách ly xã hội.
Cả hai cũng đang tranh cãi về nhiều vấn đề khác thu hút sự chú ý của thế giới, bao gồm kế hoạch của Tổng thống Bolsonaro để phát triển Amazon và quyết định năm 2018 của ông Trump khi từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký với Iran cùng các cường quốc thế giới khác. Washington đã tiến bước xa hơn vào cuối tuần này với tuyên bố đơn phương rằng, tất cả các hình phạt của LHQ nhằm vào Iran, vốn được nới lỏng theo thỏa thuận hạt nhân này, đã được khôi phục, động thái được dự đoán sẽ làm bùng nổ làn sóng tranh cãi gay gắt tại hội nghị - nơi mà Iran cũng sẽ sớm có phát biểu.
Lời kêu gọi đoàn kết
LHQ cho biết đã nỗ lực nhiều để thích ứng với hoàn cảnh mới sau khi dịch Covid-19 buộc nhiều triệu người phải ở trong nhà và giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết vào thời điểm thách thức đa phương quá nhiều nhưng giải pháp lại không bao nhiêu.
LHQ đã vấp phải nhiều chỉ trích vì cách xử lý đại dịch khi mãi đến ngày 11-9 mới thông qua được nghị quyết nhằm khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với dịch bệnh này. Đáng chú ý, Mỹ và Israel đã bỏ phiếu chống. Trong khi đó, lời kêu gọi của LHQ về một quỹ trị giá 10,3 tỷ USD nhằm giúp các nước nghèo ứng phó dịch Covid-19 vẫn chưa được hồi đáp mạnh mẽ khi quỹ này chỉ mới nhận được cam kết đóng góp 25% số tiền cần thiết. Ông Guterres giờ đây đang đi đầu trong nỗ lực bảo đảm vaccine Covid-19, nếu có, sẽ đến được mọi người trên toàn thế giới.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 21-9 cho thấy, số ca mắc trên thế giới đang tăng mạnh với việc ghi nhận số bệnh nhân mới trong tuần trước chạm ngưỡng 2 triệu người, bất chấp việc số ca tử vong giảm xuống. Tại Châu Á, dịch bệnh tiếp tục lây lan tại 2 điểm nóng Indonesia và Philippines. Tại Châu Âu, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến nhiều nước tăng cường các biện pháp ứng phó. Các trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Châu Phi cho biết các nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch bệnh này tại khu vực là Nam Phi, Ai Cập, Morocco, Ethiopia và Nigeria.
KHẢ ANH