Báo Công An Đà Nẵng

Libya - “Somalia trên Địa Trung Hải”?

Thứ ba, 15/10/2013 16:30

(Cadn.com.vn) - Libya thật sự đang cần lắm một sự giúp đỡ từ bên ngoài để tránh hậu quả thảm khốc: xung đột triền miên.

Đám mây đen kịt vẫn bao phủ Libya 4 ngày sau vụ bắt cóc Thủ tướng Ali Zeidan gây chấn động nước này.

Thủ tướng Zeidan bị bắt đi từ một khách sạn ở ngay trung tâm thủ đô Tripoli. Mặc dù ông được thả tự do chỉ một vài giờ sau đó, vụ bắt cóc là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất ổn định ở Libya, 2 năm kể từ sau khi cố Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ - và là dấu hiệu về một tương lai đáng lo ngại cho nước này. Vụ bắt cóc ông Zeidan cũng chỉ ra những khó khăn ngăn cản mối quan hệ giữa phương Tây với Tripoli.

Câu chuyện bắt cóc cũng cho thấy, sau nội chiến triền miên, nếu an ninh không được cải thiện, tiến triển trong những thách thức chính trị và kinh tế là gần như không thể. Rõ ràng, Libya sẽ lại rơi vào vũng lầy của 2 năm trước nếu không có sự trợ giúp bên ngoài. Theo giới chuyên gia, với cam kết khi thực hiện chiến dịch không kích lật đổ chế độ Gaddafi, NATO rõ ràng cần đóng vai trò quan trọng trong đào tạo lực lượng an ninh cho Libya. Trong khi đó, LHQ hoặc Liên minh Châu Âu (EU) nên tài trợ một hội nghị giải trừ vũ khí với lực lượng dân quân đang gây bất ổn đất nước này. “Ba diễn viên quốc tế” này cũng cần lập kế hoạch dự phòng cho khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh dân sự ở Libya.

Libya vẫn sống trong cảnh lo sợ những vụ đánh bom đẫm máu.
Trong ảnh: Hiện trường vụ nổ bom xe nhằm vào Lãnh sự quán Thụy Điển
tại thủ đô Tripoli của Libya hôm 11-10.   Ảnh: AP

Kể từ khi kết thúc chiến tranh năm 2011, hàng trăm người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa lực lượng dân quân. Các cuộc tấn công kiểu khủng bố và du kích trở nên phổ biến. Mất an ninh và bạo lực ban đầu chỉ giới hạn ở phía Nam và các tỉnh miền Đông, nhưng hiện lan đến thủ đô, nơi các lực lượng dân quân mạnh mẽ đang hầm hè nhau. Chính phủ cũng không thể kiểm soát lực lượng của mình. Chính vì vậy, Thủ tướng Zeidan coi vụ bắt cóc ông là một âm mưu đảo chính do một tổ chức chính trị dàn xếp. “Tôi cho rằng phải có một mệnh lệnh, thì hơn 100 phương tiện vũ trang mới có thể phong tỏa khu vực khách sạn ở thủ đô Tripoli”, ông Zeidan nói. Thủ tướng cũng cáo buộc các thành viên trong Quốc hội Libya âm mưu thực hiện này.

Tuy nhiên, rõ ràng, việc này không chỉ dừng lại ở đó. Nếu nước này không nỗ lực kiểm soát an ninh, hy vọng cho tương lai Libya là con số không. Nếu vậy, cảnh báo định mệnh của ông Gaddafi rằng, Libya sẽ trở thành một “Somalia trên Địa Trung Hải” nếu không có ông đang dần trở thành sự thật. Và rồi cuộc chiến gây tranh cãi và phản ứng dữ dội của NATO và các đối tác ở Libya sẽ gần như “dã tràng xe cát biển Đông”.

Trên thực tế, thông tin ồn ào về các hoạt động của Mỹ khi bắt giữ trùm khủng bố Abu Anas Al-Libi ở Libya hồi tuần trước nhấn mạnh những khó khăn các nhà lãnh đạo Tripoli, nhất là việc cân bằng mối lo ngại về chủ quyền với nhu cầu được cộng đồng quốc tế giúp đỡ nhiều hơn. Những lo lắng này thúc đẩy Libya yêu cầu trợ giúp - đặc biệt về an ninh. Rất may, một số nước thành viên NATO cam kết đào tạo cảnh sát Libya và các lực lượng quân sự để chính phủ có được số quân đáng tin cậy. Tuy nhiên, việc đào tạo sẽ không dễ dàng, do những thách thức liên quan đến việc lựa chọn “đúng người” và “đúng thời điểm”.

Nhưng việc đào tạo các lực lượng an ninh cũng không đủ “đô”. Bởi lẽ, nỗ lực củng cố quân sự có thể phản tác dụng nếu lực lượng dân quân xem đó là mối đe dọa. Nếu vậy, Libya có thể yêu cầu LHQ hoặc EU tài trợ cho một hội nghị giải trừ quân bị quốc gia, tập hợp các lực lượng dân quân để thảo luận về tương lai đất nước. Hội nghị như vậy, sẽ giúp nâng cao hiểu biết về mục tiêu thực sự và mục tiêu của lực lượng dân quân hiện đang kiểm soát đất nước và đặc biệt sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa các lực lượng dân quân và chính phủ.

Khả Anh