Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI: Sự trở lại của dòng phim "hợp tác công-tư"
Tối 23-11, tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI đã khai mạc với chủ đề "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập". Liên hoan có sự tham gia của hơn 1.000 khách mời là các nghệ sĩ, nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim; đại diện các tổ chức điện ảnh, Cty điện ảnh và truyền thông có phim dự thi và phim được trình chiếu trong Liên hoan... Nét nổi bật ở Liên hoan phim lần này đánh dấu sự trở lại của dòng phim có sự đầu tư của Nhà nước.
Ban tổ chức Liên hoan tặng hoa cho Ban Giám khảo. |
Từ phim Nhà nước đầu tư
Có 4 phim truyện tham gia Liên hoan được sản xuất theo sự hợp tác công- tư. Đó là các phim "Truyền thuyết về Quán Tiên", "Thạch Thảo" (70% vốn nhà nước, 30% kinh phí xã hội hóa); "Nơi ta không thuộc về" (Điện ảnh Quân đội) và "Hợp đồng bán mình" (Hãng phim Giải Phóng). Đây vẫn là con số khiêm tốn so với 12 bộ phim thuộc dòng tâm lý thiên về giải trí, có doanh thu "khủng" do các hãng phim tư nhân sản xuất, phát hành. Nhưng theo đánh giá của Ban tổ chức và giới chuyên môn, đây là dấu hiệu đáng mừng bởi lẽ nhiều mùa liên hoan trước còn ít hơn, thậm chí không có phim do nhà nước đầu tư.
Nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng: Sự trở lại của phim Nhà nước đầu tư thực sự là tín hiệu vui, đáng mừng, góp phần khích lệ đội ngũ làm phim đang miệt mài, kiên trì, kiên nhẫn đi theo dòng phim chính luận. Nhưng đây mới chỉ là bước đầu, bởi sự bắt tay giữa nhà nước và tư nhân trong sản xuất phim là một hướng đi đúng đắn trong lộ trình mà các nhà làm phim trẻ dòng phim chính luận hướng tới để phim tiếp cận gần hơn với công chúng. Nữ đạo diễn tin rằng trong những liên hoan phim tới đây sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa tác phẩm mang dấu ấn Nhà nước...
Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần này với bộ phim "Truyền thuyết về Quán Tiên" mới "ra lò". Anh cho biết, với các đạo diễn trẻ như anh thì luôn cố gắng tìm tòi cách kể chuyện của riêng mình. Trong thời hội nhập như hiện nay thì người làm phim không nên quá băn khoăn về việc mình làm phim hay như các nhà làm phim quốc tế hay không, có kể chuyện giống họ hay không, có lỗi thời với thế giới hay không mà quan trọng nhất vẫn là việc làm thế nào để giữ được bản sắc cá nhân của mỗi đạo diễn cũng như của văn hóa, con người Việt Nam trong mỗi bộ phim.
Theo đánh giá của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: 16 phim tham dự kỳ này là những phim tốt nhất của điện ảnh Việt Nam trong 2 năm qua, trong đó có những phim ăn khách. Các phim này đã phản ánh khá bao quát tình hình hiện nay của điện ảnh nước nhà. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng mong muốn sau liên hoan phim lần này, các nhà làm phim, nhà quản lý, phát hành sẽ có cái nhìn tổng quan nhất điện ảnh, đưa ra những hướng đi mới để kỳ liên hoan tiếp theo sẽ có nhiều bộ phim tốt hơn, đa dạng về đề tài, thể loại hơn nữa. Anh cũng hy vọng có thêm nhiều kịch bản hay được duyệt để các hãng phim nhà nước, tư nhân cùng chung tay sản xuất.
Đến phim tư nhân đầu tư trọn gói
Trong số 16 phim truyện điện ảnh tham gia Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI có tới 12 bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất. Đây đều là những phim dòng tâm lý, tính giải trí cao, đáp ứng được thị hiếu của số đông khán giả trẻ, nhiều phim đạt doanh thu phòng vé rất tốt như "Hai Phượng" (200 tỷ đồng), "Cua lại vợ bầu" (191,8 tỷ đồng), "Lật mặt: Nhà có khách" (117,5 tỷ đồng)... Đạo diễn Đức Thịnh cho rằng việc các nhà sản xuất tập trung vào dòng phim tâm lý dành cho giới trẻ là điều hết sức bình thường. Bởi lẽ theo nghiên cứu thì có tới 75% khán giả tới rạp xem phim hiện nay ở độ tuổi từ 17-25. Thế nhưng, trong tương lai vẫn cần đa dạng hóa các thể loại phim để khán giả có cơ hội thưởng thức nhiều "món ăn" ngon hơn nữa.
Nam diễn viên Nhan Phúc Vinh cho rằng: Việc tự "co cụm" đối tượng khán giả thì việc thực hiện chủ đề, kịch bản phim sẽ bị hạn chế hơn, đó cũng là sự hạn chế sáng tạo các nhà biên kịch, nhà làm phim trước những đề tài mở rộng sang đối tượng khán giả khác. Để thay đổi tình hình làm phim thiên về giới trẻ như hiện nay trong một sớm một chiều thì khá khó khăn.
Những người làm phim trong đó có diễn viên như Nhan Phúc Vinh luôn mong muốn gu thẩm mỹ của người xem cùng đối tượng khán giả ủng hộ phim Việt, quan tâm đến sự phát triển của phim Việt ngày càng đa dạng hơn. Chỉ khi có sự tin tưởng và ủng hộ của khán giả, đặt niềm tin cho phim Việt thì các nhà sản xuất mới có niềm tin, sự sáng tạo thực sự để mở rộng đề tài, tiếp cận những đề tài gai góc trong xã hội, mang nhiều tính nghệ thuật hơn...
Thanh Giang