Báo Công An Đà Nẵng

Liên kết bền chặt để cùng phát triển

Thứ bảy, 12/07/2014 10:19

(Cadn.com.vn) - Ngày 11-7, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 5 TP trực thuộc T.Ư gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đúng như nhận định, hội nghị đã tập trung thời gian để thảo luận, đề xuất các cơ chế chính sách, đồng thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung những bất hợp lý nhằm tạo “đất” cho DN phát triển trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Vai trò đầu tàu

Chiếm gần 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, gần 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước- con số này đã minh chứng cho vai trò đầu tàu kinh tế quan trọng của 5 TP trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ.

Thực tế mỗi TP cũng đang thể hiện vai trò trung tâm, là động lực thu hút và lan tỏa cho sự phát triển kinh tế của cả vùng. Đơn cử Đà Nẵng không chỉ là trung tâm bán lẻ hàng đầu khu vực miền Trung còn là cửa ngõ hàng không, hàng hải giao thương quốc tế cho cả vùng.

Theo thống kê hiện 5 TP có 53 KCN (1.976 dự án) và 131 cụm công nghiệp (4,7 ngàn dự án), trong đó các Khu công nghệ cao cũng đều thuộc 3 TP lớn trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Việc tập trung nhiều các khu, cụm Công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các TP này thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động.

Về thương mại, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của 5 TP khoảng 1,1 triệu tỷ đồng/năm. Nếu chỉ tính nửa năm 2014, con số này đã lên tới 623 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và chiếm 43,3% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ của cả nước.

Sở dĩ có kết quả đó vì 5 TP có hạ tầng mạng lưới thương mại phát triển tốt nhất cả nước. Hiện 5 TP có gần 900 chợ, gần 360 siêu thị, 80 trung tâm thương mại, 1,3 ngàn cửa hàng xăng dầu, 2,1 ngàn cửa hàng khí hóa lỏng, 6 trung tâm hội trợ triển lãm.

Hệ thống giao thương hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại không ngừng được mở rộng, phát triển theo hướng văn minh; các chợ truyền thống cũng được phân bố đều khắp, mang đậm nét văn hóa Việt, vừa phục vụ giao thương vừa phục vụ tham quan, mua sắm cho du khách (như chợ Đồng Xuân –Hà Nội, Bến Thành- TPHCM, chợ Hàn- Đà Nẵng).

Không chỉ sản xuất công nghiệp, thương mại mà trong lĩnh vực xuất khẩu, 5 TP trực thuộc Trung ương vẫn đóng vai trò then chốt. Trong năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu của 5 TP đạt 42 tỷ USD chiếm 31,5% xuất khẩu cả nước.

Trong 6 tháng qua kim ngạch xuất khẩu của 5 TP đạt 22 tỷ USD, tăng 8,2%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm dệt may, nông sản (gạo, cà-phê, hạt tiêu), thủy sản các loại, thủ công mỹ nghệ, dây và cáp điện, giày dép...

Theo đánh giá, trong thời gian qua hoạt động xuất khẩu tuy chịu tác động tiêu cực do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu cạnh tranh ngày càng cao, xuất hiện nhiều rào cản thương mại mới, tuy vậy các DN xuất khẩu của 5 TP phát huy vai trò đầu tàu đã có nhiều nỗ lực mở rộng thị trường, cải tiến chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị. Chính vì vậy, dù bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng, từ đó nỗ lực kéo nền kinh tế hồi phục nhanh hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết phát biểu tại hội nghị.

Thiếu liên kết chiều sâu

Với vai trò quan trọng như thế, việc liên kết công thương của 5 TP sẽ có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế cho cả nước. Trong những năm gần đây, sự liên kết đó được thể hiện thông qua việc hỗ trợ cho các DN tham gia hội chợ, triển lãm tại 5 TP để quảng bá sản phẩm, tìm cơ hội hợp tác, đầu tư.

Bên cạnh đó, lực lượng QLTT của 5 TP cũng thường xuyên trao đổi thông tin, vướng mắc phát sinh để từ đó góp phần ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm ổn định thị trường.

Tuy nhiên, với sự liên kết như thế chưa thể tạo động lực phát huy được mạnh mẽ lợi thế cũng như vai trò kinh tế của các TP trực thuộc Trung ương. Ông Lê Văn Khoa- Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, đây đã là lần thứ 4 tổ chức Hội nghị ngành Công Thương của 5 TP thuộc Trung ương, nhưng tất cả những gì có được trong sự liên kết vẫn khá đơn giản và mờ nhạt.

Đa số mới chỉ dừng lại ở trao đổi thông tin, kinh nghiệm thông qua các hội chợ, trưng bày sản phẩm chủ lực. Việc liên kết cần thực tế hơn, cụ thể hơn để mỗi DN của 5 TP phải tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của nhau để cùng tạo ra sức mạnh trong hợp tác. Đồng quan điểm, bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, để sự liên kết có chiều sâu cần phải có cơ chế hợp tác cụ thể, xác thực và mang tính pháp lý chặt chẽ.

Trong Hội nghị lần này, lãnh đạo ngành Công Thương 5 TP bên cạnh việc chia sẻ các giải pháp ổn định thị trường hàng hóa, công tác quản lý an toàn thực phẩm, quản lý Nhà nước trên lĩnh vực điện... sẽ có những bàn bạc để tính tới một chiến lược liên kết bền vững, hiệu quả và thiết thực hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, vai trò của ngành Công Thương, nhất là 5 địa phương động lực vùng kinh tế trọng điểm cần phải tăng cường hơn nữa việc hợp tác đi vào chiều sâu, để phát huy sức mạnh liên kết, đặc biệt là trong xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; hỗ trợ để DN có cơ hội phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

P.Kiếm- H.Quỳnh