Báo Công An Đà Nẵng

Liên kết logistics miền Trung: Phải xóa những rào cản

Thứ năm, 10/11/2016 08:43

(Cadn.com.vn) - Trong giai đoạn tới liên kết về logistics là một động lực để Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) mạnh lên. Nhưng muốn vậy cần phải xóa bỏ nhiều rào cản đang tồn tại, đó cũng là nội dung để lãnh đạo các tỉnh trong vùng, các chuyên gia, doanh nghiệp ngồi lại bàn bạc trong Hội thảo chuyên đề về liên kết logistics tại Đà Nẵng ngày 9-11.

* Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng VKTTĐMT cho biết, VKTTĐMT có dân số hơn 6,4 triệu người trong đó hơn 3,7 triệu người trong độ tuổi lao động, tốc độ tăng GDP bình quân 9,4%/năm, toàn Vùng có 4 cảng hàng không, 6 cảng biển, 4 khu kinh tế lớn, 4 di sản văn hóa thế giới, 1 khu công nghệ cao, 24 khu công nghiệp, 63 trường đại học, cao đẳng. Các yếu tố trên là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển Vùng trong đó có lĩnh vực logistics.

Ông Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại Hội thảo.

Trung tâm logistics của Vùng ở đâu?

Theo qui hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics của Chính phủ thì tại VKTTĐMT (gồm 5 tỉnh từ TT-Huế đến Bình Định) sẽ có 6 trung tâm logistics hạng I và II, trong đó cả miền Trung chỉ có 1 trung tâm logistics hạng I đặt tại Đà Nẵng, 1 trung tâm logistics chuyên dụng hàng không cũng tại Đà Nẵng. Sở dĩ cả miền Trung có 1 trung tâm logistics loại I vì phải đảm bảo các qui định như vị trí nằm gần hoặc có thể kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế, có công năng tích hợp đầy đủ, trọn gói các dịch vụ của một trung tâm logistics, hoạt động như một cảng, bãi container, kho ngoại quan, kho CFS...

Trong khi đó, theo đề án phát triển logistics của Đà Nẵng thì tại Hòa Nhơn (Hòa Vang) sẽ xây dựng trung tâm logistics 140ha tổng mức đầu tư dự kiến 370 triệu USD. TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, từ qui hoạch của Chính phủ và đề án của Đà Nẵng thì nên tích hợp để khu logistics ở Hòa Nhơn được xác định là trung tâm logistics hạng I của cả VKTTĐMT. TS Thành cho biết thêm, trung tâm logistics Hòa Nhơn sẽ có nhiều phân khu chức năng phải được đầu tư mới hoàn toàn, phương án đầu tư khả thi là đối tác công tư (PPP). Trung tâm này đã được kết nối tốt  với hệ thống đường bộ (QL1, QL14, cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi), từ đó kết nối với các khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển của cả Vùng. Theo TS Thành, hạng mục giao thông kết nối mới lớn nhất là đường nhánh đường sắt.

Thực chất của câu chuyện liên kết logistics trong Vùng trước tiên là liên kết để xây dựng hệ thống các trung tâm logistics, trong đó vai trò hạt nhân vẫn là trung tâm logistics hạng I. Theo PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì đây là vấn đề rất mới, nếu hiểu theo đúng nghĩa của từ logistics. Đáng lẽ câu chuyện này phải nên bàn trước ở 2 đầu đất nước, song nó lại được tiên phong bàn ở trung tâm của miền Trung. Đặc điểm địa lý của Vùng như đòn gánh kết nối 2 đầu miền Trung, lên Tây Nguyên, đặc biệt mặt tiền quay ra biển, tức là nhìn ra thế giới.

Vì thế bàn đến logistics của Vùng không chỉ mang nghĩa khai mở, tạo cảm hứng liên kết Vùng mà còn có ý nghĩa với logistics của cả nước. Ông Thiên cũng phân tích, vì nó mới, nó khai mở nên phải bắt đầu từ cái nền tảng trước, cụ thể là hệ thống các trung tâm logistics. Nói gì đi nữa, logistics trước tiên nó phải là kho bãi, phương tiện vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thông quan... Tức là hạ tầng cứng và mềm. Phải bàn chuyện liên kết, phân nhiệm từng địa phương khi mới bắt đầu xây dựng hệ thống trung tâm logistics, để làm sao đảm bảo sự phù hợp, tạo cho nhau sức mạnh, tránh bài học dàn hàng ngang đầu tư, tỉnh nào cũng sân bay, cảng biển, khu kinh tế như trước đây.

Dịch vụ bốc dỡ hàng hóa ở Cảng Đà Nẵng, một phần của hoạt động logistics.

Cần Ủy ban logistics Quốc gia

Trong một góc độ khác, PGS-TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển – Bộ KH&ĐT cho biết, chi phí logistics của Việt Nam chiếm 25% GDP, rất cao, trong khi tại các nước phát triển chỉ từ 9-15%. Chi phí cao sẽ làm hàng hóa xuất nhập khẩu đắt hơn các đối tác cạnh tranh, do đó phải tìm cách giảm chi phí logistics xuống mức bình thường, mà muốn thế cần phát triển hệ thống mạng lưới logistics hiện đại và phân bố hợp lý. Đặc trưng của Vùng là hàng hóa đi ngang qua nhiều nhưng vào các cảng lại ít, nếu hạ tầng logistics phát triển sẽ khai thác được lợi thế này. Bên cạnh liên kết xây dựng hệ thống trung tâm logistics thì ông Thắng cũng cho rằng phải liên kết phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông, công nghệ thông tin, kho tàng, cung cấp điện... Vì chính hạ tầng sẽ quyết định quan trọng tới việc phát triển logistics.

Có một thực tế khác khiến logistics trong Vùng chưa thể phát triển vì phần lớn các DN rời rạc, qui mô nhỏ, tính chuyên nghiệp của lao động thấp... Ông Tô Văn Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải  Hàng hóa Đường bộ Đà Nẵng cho biết, logistics là chuỗi gồm nhiều hợp phần, trong đó gần như DN Việt chỉ đảm nhận được mỗi phần vận tải còn lại bỏ trống cho DN ngoại. Thống kê cho thấy DN ngoại hoạt động trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, song giá trị kinh tế họ thu được từ ngành này chiếm 85%, phần còn lại dành cho đông đảo DN Việt.

Theo ông Hiệp, DN logistics miền Trung thiếu tính liên kết, trong khi bản thân logistics là một chuỗi, sự liên kết càng chặt chẽ thì hiệu quả, lợi nhuận càng cao. Từ thực tế đó, ông Hiệp cho rằng, để liên kết logistics trong Vùng nói chung nhằm tạo động lực phát triển cần phải xóa đi nhiều rào cản đang tồn tại. Trong đó, trước mắt là rào cản về cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ,  môi trường pháp lý về logistics bất cập, vai trò định hướng chiến lược ngành của quốc gia chưa có, thủ tục hải quan phiền phức, chi phí lót tay để giải quyết nhanh chóng công việc và tình trạng quan liêu nặng nề. Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho rằng cần sớm thành lập Ủy ban logistics Quốc gia gồm đại diện Nhà nước và các chuyên gia chuyên ngành có năng lực nhằm đánh giá tổng thể nguồn năng lực logistics Quốc gia, đưa ra chiến lược phát triển ngắn và dài hạn, xây dựng chính sách pháp luật tiên tiến, phù hợp...

Hải Quỳnh