Báo Công An Đà Nẵng

Liên minh cầm quyền sụp đổ, Đức chìm vào khủng hoảng

Thứ ba, 21/11/2017 09:13

Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu hiện đang phải đối mặt với nguy cơ suy yếu nghiêm trọng sau khi đàm phán thành lập chính phủ liên minh sụp đổ. Đức thậm chí có thể bị buộc phải tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Thủ tướng Angela Merkel cam kết sẽ dẫn đất nước Đức vượt qua khủng hoảng
sau khi các cuộc đàm phán lập chính phủ mới bị sụp đổ. 
    Ảnh: AFP

Đêm 19-11, rạng sáng 20-11 (giờ địa phương), đàm phán liên minh thành lập chính phủ mới của Đức giữa đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh (liên minh Jamaica) đã kết thúc trong thất bại nặng nề, khi FDP tuyên bố rút lui.

Thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh ở Đức đã khiến Thủ tướng Angela Merkel phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong 12 năm chèo lái con thuyền kinh tế lớn nhất Châu Âu này.

Thất bại từ trên không

Bà Merkel buộc phải tìm kiếm liên minh với một nhóm các đảng được đánh giá là “xa lạ” này sau khi liên minh đảng của bà không thể nắm thế đa số tại cuộc bầu cử hồi tháng 9.

Nhưng sau hơn một tháng đàm phán miệt mài, lãnh đạo FDP, Christian Lindner đã tuyên bố rút lui với lý do “không có cơ sở tin cậy” để lôi kéo chính phủ với liên minh bảo thủ CDU-CSU của bà Merkel và đảng Xanh. Nhà lãnh đạo của FDP cho rằng, 4 nhà đối thoại đã không tìm được ý tưởng chung cho sự hiện đại hóa đất nước, đó là điều kiện tiên quyết cho một chính phủ ổn định.

Theo AFP, các cuộc thương lượng, ngày càng trở nên gay gắt khi các bên vấp phải một loạt các vấn đề, trong đó trọng tâm là chính sách nhập cư. Các cuộc đàm phán đã gần đạt thỏa thuận về các điểm chính bao gồm cả chính sách khí hậu nhưng chỉ còn đình trệ và tranh luận gay gắt về chính sách nhập cư. Liên minh của CDU là CSU đề nghị tăng thêm tiếp nhận 200.000 người/1 năm. Điều này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Xanh. Bởi thực tế, chính sách mở cửa cho người tị nạn của bà Merkel trong năm 2015 bị chỉ trích gay gắt và chính nó đã đẩy một số cử tri sang ủng hộ phe cực hữu AfD.

Bày tỏ tiếc nuối trước quyết định của FDP, Thủ tướng Merkel cam kết sẽ dẫn dắt nước Đức vượt qua khủng hoảng. “Với tư cách là thủ tướng, tôi sẽ làm tất cả để đảm bảo đất nước này có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này”, bà Merkel nói.

Tương lai nào cho bà Merkel?

“Bà đầm thép” đang phải chiến đấu hết mình để cứu chính phủ liên minh sau khi các cuộc đàm phán bị sụp đổ. Bởi trên thực tế, động thái này đang đẩy Đức rơi vào cuộc khủng hoảng và có thể dẫn đến các cuộc bầu cử mới. Đây là điều mà tất cả các bên đều muốn tránh vì họ lo ngại sẽ có thêm lợi thế dành cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu.

Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ suy yếu nghiêm trọng. Sau thất bại này, các đại diện hàng đầu của ngành công nghiệp Đức phản ứng với sự thất vọng lớn. Một số hiệp hội doanh nghiệp Đức đã cảnh báo về những hậu quả với nền kinh tế nước này. Chủ tịch Hiệp hội các phòng Thương Mại và Công Nghiệp Đức (DIHK) Eric Schweitzer nói: “Các Cty Đức giờ đây phải chuẩn bị cho một khoảng thời gian dài không chắc chắn”. Ngày 20-11, tờ Handelsblatt của Đức thậm chí có bài viết tít đề “Thuốc độc cho nền kinh tế” khi bình luận về thất bại này. Trong ngày 20-11, đồng EUR rớt giá, mặc dù các nhà phân tích cho biết, những tác động dài hạn đối với đồng tiền này vẫn chưa rõ ràng.

Con đường trước mắt của Thủ tướng Merkel là thuyết phục đảng Dân chủ Xã hội (SDP), một đối tác liên minh trong chính phủ của bà từ năm 2013, trở lại. Nhưng sau khi thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, lãnh đạo SDP nhiều lần nói rằng, vị thế của SDP là thuộc phe đối lập. Bà Merkel, nhà lãnh đạo đã nắm quyền 12 năm ở Đức, cũng có thể dẫn dắt một chính phủ thiểu số nhưng vị nữ thủ tướng từng nhấn mạnh, bà không ủng hộ sự bất ổn như vậy.

Do đó, Đức có thể bị buộc phải tổ chức các cuộc bầu cử mới. Nhưng điều đó đem lại nhiều rủi ro cho Thủ tướng Merkel trong bối cảnh đang phải đối mặt với những câu hỏi từ bên trong đảng về việc liệu bà có còn là ứng cử viên tốt nhất để dẫn dắt họ vào một chiến dịch bầu cử mới hay không.

KHẢ ANH