Báo Công An Đà Nẵng

Liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất phân bón "lậu"

Thứ ba, 26/01/2016 09:58

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện nhiều cơ sở sản xuất không có giấy phép, giấy chứng nhận hợp quy về phân bón, thu giữ hàng trăm tấn phân hữu cơ vi sinh, hàng chục nghìn lít chế phẩm sinh học. Điều đáng lo ngại là khi cơ quan chức năng phát hiện thì một lượng lớn phân bón, chế phẩm sinh học chưa rõ chất lượng đã được đưa ra thị trường và đến tay người nông dân.

Gần đây nhất, chiều 12-1, lực lượng Cảnh sát Môi trường CA tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại làng Breng 3 (xã Ia Dêr, H. Ia Grai, Gia Lai), do ông Đỗ Văn Tiển (1978, trú P. Đống Đa, TP Pleiku, Gia Lai) làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng CA phát hiện tại đây có 2 công nhân là Mai Xuân Sự (1975, trú H. Tuyên Hóa, Quảng Bình) và Nguyễn Ngọc Trí (1984, trú TX Hương Thủy, TT- Huế) đang làm việc; trong nhà kho có 120,3 tấn phân hữu cơ vi sinh  được đóng trong các bao loại 40kg và 50 kg mang nhãn hiệu BCRON và SONG LONG. Ngoài ra, tại hiện trường, tổ công tác còn phát hiện khoảng 500m3 than bùn và 30 tấn hợp chất màu đen cùng nhiều máy móc, dụng cụ dùng để sản xuất phân bón.

Ngay sau đó, làm việc với lực lượng Cảnh sát Môi trường, ông Tiển khai: Cơ sở sản xuất phân bón của ông hoạt động từ tháng 5-2015 và đến tháng 7-2015 đã bán khoảng 100 tấn phân bón ở địa bàn các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa, Mang Yang... Cũng theo khai nhận của ông Tiển, nguyên liệu được cơ sở này dùng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh gồm có than bùn và chất lên men. Sau khi phơi và nghiền nhỏ than bùn, các công nhân của ông Tiển sẽ phun chất lên men vào than bùn rồi đóng bao. Về nguồn gốc số bao đựng phân bón, ông Tiển khai là do Công ty TNHH Sản xuất Thương Mại Ba Con Rồng có trụ sở tại Q. Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) cung cấp.

Hàng chục nghìn lít phân bón được sản xuất tại cơ sở
của Cty TNHH Sinh Thái Miền Trung Việt Nam.

Sau khi kiểm tra và phát hiện vi phạm, Phòng Cảnh sát Môi trường đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số tang vật của cơ sở này, đồng thời phối hợp với Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Gia Lai lấy mẫu phân bón của cơ sở này để phân tích. Đại tá Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, cho biết: Đến chiều ngày 18-1, ông Đỗ Văn Tiển vẫn chưa cung cấp được giấy phép sản xuất phân bón do cơ quan chức năng cấp. Ngoài việc sản xuất phân bón không có giấy phép, trong quá trình sản xuất, cơ sở này còn có nhiều nội dung vi phạm về lĩnh vực môi trường.

Tương tự, vào cuối năm 2015, Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai và Phòng An ninh Kinh tế CA tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón tại địa chỉ 687-Trường Chinh (P. Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai). Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Phạm Việt Hùng (chủ cơ sở) đã cung cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT Gia Lai cấp về ngành nghề sản xuất phân bón; Giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường do UBND TP Pleiku cấp và một số giấy tờ khác có liên quan đến pháp nhân của Cty TNHH Sinh Thái Miền Trung Việt Nam do ông Hùng làm Giám đốc.

Tuy nhiên, ông Hùng không cung cấp được hồ sơ pháp lý liên quan đến sản xuất phân bón. Tại địa điểm kiểm tra, cơ sở này sản xuất phân bón vô cơ, hữu cơ, chế phẩm sinh học và đã đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường trong thời gian dài. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện hơn 18.000 lít chế phẩm sinh học và hơn 5.100kg phân hữu cơ, vô cơ đã đóng chai, dán nhãn. Ngoài ra tại kho còn hàng trăm lít phân, chế phẩm sinh học và hơn 3.000kg tem nhãn, bao bì... Không chỉ thế, trên những sản phẩm này có nhãn mác đều ghi đầy đủ các thông số về thành phần, hợp chất, tỷ lệ, cách sử dụng sản phẩm và có chứng nhận của cơ quan chức năng nhưng phía Cty không đưa ra được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định Cty này có nhiều sai phạm như: không có phòng thí nghiệm hoặc hợp đồng với phòng thí nghiệm được chỉ định để kiểm soát chất lượng phân bón và chưa tiến hành thủ tục công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền; không đăng ký địa điểm sản xuất; không có các dụng cụ để sản xuất theo yêu cầu; không có giấy phép hợp quy; không cung cấp được hồ sơ yêu cầu về nhân lực đối với điều kiện sản xuất phân bón; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, một số nguyên liệu đã hết hạn sử dụng... Hiện vụ việc đã được chuyển qua Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

M.T