Báo Công An Đà Nẵng

"Liệt sĩ" trở về sau 42 năm tử trận

Thứ sáu, 06/02/2015 12:02

(Cadn.com.vn) - Mất tích trong một trận đánh tại mặt trận phía Nam Quân khu 4 vào ngày 6-4-1973, ngày 25-6-1992, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã gửi giấy báo tử về cho gia đình, bất ngờ "liệt sĩ" Nguyễn Chánh Nhường (1954, trú thôn 21, xã Quỳnh Lâm, H. Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) trở về. Tết Ất Mùi này cũng là cái Tết đầu tiên "liệt sĩ" Nhường đoàn tụ cùng gia đình sau 42 năm đằng đẵng...

Theo trí nhớ chắp vá của ông Nhường, tháng 10-1972, khi vừa tròn 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Ông cũng không biết mình được phiên chế về đơn vị nào, chỉ biết tham gia chiến đấu tại Tiểu đội 22 trên đất lửa Quảng Trị. Ngày 6- 4-1973, máy bay Mỹ bất ngờ oanh tạc, tiểu đội bị xé lẻ, ông cùng 5 người khác bị địch bắt làm tù binh. Sau nhiều ngày tra khảo, không thể khai thác được thông tin gì từ ông nên quân địch đã bỏ lên trực thăng mang thả vào rừng sâu trong tình trạng kiệt quệ về sức khỏe. Lúc tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm giữa vùng hoang vu, xung quanh toàn là rừng rậm, đồi núi chập chùng. Để tồn tại giữa rừng hoang, ngày ngày ông lang thang hái rau, củ, quả rừng để ăn, khát thì xuống suối uống nước, đêm thì leo lên cây cao trú ngụ. Cứ như vậy, ông không còn nhớ mình đã sống trong rừng hoang bao nhiêu lâu, chỉ biết rằng khi bộ quần áo trên người rách nát, ông mới lần ra được đường mòn.

Sau nhiều năm sống giữa rừng, ông Nhường không chỉ tiều tụy về thể xác, mà trí nhớ cũng suy giảm nghiêm trọng, thậm chí không còn nhớ tên họ của mình là gì, quê quán ở đâu... Vì vậy, ông không thể tìm về với gia đình. Ông lang thang khắp nơi trong sự vô thức, sống vật vờ, tạm bợ bằng những đồng tiền lẻ xin được. May mắn thay, một lần lang thang xin ăn tại một bến xe, một nhà xe tốt bụng nhận ra giọng nói đặc sệt xứ Nghệ của ông nên đã cho quá giang về TP Vinh rồi để ông lại đây. Theo ông Nguyễn Chánh Nghiệm, anh ruột của "liệt sĩ" Nhường, gia đình cũng không hiểu sao ông Nhường có thể tìm về nhà được.

"Liệt sĩ" Nguyễn Chanh Nhường trở về trong sức tàn lực kiệt.

Cũng theo ông Nghiệm, từ ngày ông Nhường đi bộ đội rồi biệt tích mãi không trở về, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Tuệ (1912) suy sụp về tinh thần. Sau một thời gian chờ đợi, gia đình đã lập bàn thờ hương khói cho Nguyễn Chánh Nhường, lấy ngày ông nhập ngũ để làm ngày giỗ. 19 năm thờ phụng, đợi chờ, tìm kiếm trong mỏi mòn và vô vọng, mãi đến năm 1992, gia đình mới nhận được giấy báo tử báo tin Nguyễn Chánh Nhường đã hy sinh vào ngày 6-4-1973 tại mặt trận phía Nam Quân khu 4, ngày đã diễn ra trận đánh ác liệt khiến nhiều người trong Tiểu đội 22 của ông Nhường đã hy sinh và mất tích. Năm 2001, mẹ ông ra đi vì tuổi già. Chế độ "liệt sĩ" của ông Nhường cũng bị cắt từ đó.

Trở về trong tình cảnh không vợ, không con và không có bất cứ tài sản gì, bản thân lúc tỉnh lúc mê, không tự chủ được cuộc sống, phải sống dựa vào người anh trai là ông Nguyễn Chánh Nghiệm, "liệt sĩ" Nguyễn Chánh Nhường còn không có cả giấy tờ tùy thân... Vì vậy, các chế độ của ông chưa thể giải quyết. Ông Nguyễn Bá Tình, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết: "Ngay sau khi "liệt sĩ" Nguyễn Chánh Nhường đột ngột trở về quê nhà, các ban ngành, đoàn thể cũng đã tới động viên, thăm hỏi và hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết để làm chế độ chính sách và giúp đỡ "liệt sĩ" Nhường sớm ổn định cuộc sống. Trước đó, các chế độ "liệt sĩ" của ông Nhường đã bị cắt theo quy định khi cả bố và mẹ ông, những người có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc hương khói cho ông lần lượt qua đời".

"Giấy báo tử" của "liệt sĩ" Nhường được gửi về cho gia đình vào năm 1992.

Bàn thờ "liệt sĩ" Nguyễn Chánh Nhường đã được gia đình hạ xuống. Nguyễn Chánh Nhường giờ là con người bằng xương bằng thịt ngồi đó, song giờ đây ông đang sống trong cảnh sức tàn lực kiệt, không công ăn việc làm, không lương bổng, không chế độ chính sách... Ông sống trong sự bảo bọc, yêu thương của những người thân trong gia đình và bà con lối xóm. Ai cũng mong rằng, ông sớm nhận được sự đãi ngộ xứng đáng cho những gì đã cống hiến cho đất nước được bình yên như hôm nay.

X.S