Báo Công An Đà Nẵng

Liệu có nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Thứ bảy, 24/03/2018 14:20

Các thị trường trên toàn thế giới trong ngày 23-3 trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết vì mối lo bùng nổ chiến tranh thương mại giữa hai ông lớn Mỹ - Trung.

Trung Quốc cảnh báo sẽ áp mức thuế quan mới trị giá tới 3 tỷ USD nhằm vào các mặt hàng của Mỹ, từ thịt heo đến hoa quả và rượu. Trong ảnh: Hải quan Trung Quốc kiểm tra thịt heo đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump xem ra đã bắn phát súng khai hỏa cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi ký quyết định áp các mức thuế có tổng giá trị lên đến 60 tỷ USD đối với các mặt hàng đến từ nền “công xưởng số 1 thế giới”.

Động thái này khiến các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi những lo sợ rằng, kế hoạch áp thuế mới của Tổng thống Trump có thể gây ra cuộc chiến tranh thương mại mới. Trong ngày giao dịch 23-3, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 4,5% và chỉ số Dow Jones Mỹ giảm 2,9%.

 Nỗi sợ chiến tranh thương mại đẩy thị trường chứng khoán Châu Á lao dốc. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 3,4% trong khi chỉ số Hang Seng giảm 2,5%. Các thị trường ở Châu Âu ít biến động hơn nhưng cũng nhảy múa liên tục. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,5% trong khi chỉ số Dax của Đức giảm 0,9%.

Tổng thống Trump “ra đòn”

Theo CNN, Nhà Trắng tuyên bố chuẩn bị danh sách hơn 1.000 sản phẩm của Trung Quốc có thể sẽ bị áp mức thuế quan mới. Đây được coi là nỗ lực mới nhất của Washington sau nhiều năm đàm phán thất bại nhằm đưa ra các biện pháp chống lại sự cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc. Lý do mà ông chủ Nhà Trắng nhất quyết làm như vậy là gì?

Hàng năm, Mỹ nhập hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu đến quốc gia đông dân nhất thế giới này, gây ra thâm hụt khoảng 375 tỷ USD (vào năm 2017). Và đây là nguyên nhân khiến ông Trump kiên quyết hành động chống lại Bắc Kinh. Trong tuyên bố hôm 23-3, Tổng thống Trump cũng kêu gọi Trung Quốc “ngay lập tức” cắt giảm mức thâm hụt đó xuống còn 100 tỷ USD. Và lý do thứ hai, theo tuyên bố của Nhà Trắng là nhằm chống lại việc “ăn cắp” quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, đồng thời hạn chế các hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ.

Thật ra, mức thuế mới nhằm vào hàng hóa Trung Quốc lần này được đưa ra sau cuộc điều tra về chính sách của Trung Quốc mà ông Trump ra lệnh thực hiện từ hồi tháng 8-2017. Theo kết quả điều tra, các chính sách của Trung Quốc cho thấy một loạt các hoạt động thương mại không công bằng, như sử dụng những hạn chế về quyền sở hữu nước ngoài buộc các Cty chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Washington cũng tuyên bố tìm thấy bằng chứng cho thấy, Bắc Kinh áp đặt điều khoản không công bằng đối với các Cty Mỹ, hướng các khoản đầu tư ở Mỹ vào các ngành công nghiệp chiến lược, và hỗ trợ tấn công không gian mạng.

Tổng thống Trump rất nhiều lần chỉ trích Trung Quốc làm tổn hại nền kinh tế Mỹ. Ngay từ khi còn ở trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã cam kết, nếu được bầu chọn, ưu tiên đầu tiên trong chính sách kinh tế của ông là “đòi lại việc làm” cho người Mỹ từ tay người Trung Quốc. Và trong bối cảnh ông Trump đang đối mặt với quá nhiều chỉ trích ở trong nước về các chính sách không nhất quán và những cam kết chưa thực hiện được, đòn đánh nhằm vào Trung Quốc lần này như “một mũi tên trúng hai đích”. Thứ nhất, nó sẽ giúp hướng dư luận ra ngoài những vấn đề chính trị nóng bỏng. Thứ hai, nó sẽ giúp làm dịu tình hình và lấy lòng cử tri cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới.

“Trạng chết, chúa cũng băng hà”

Nhưng theo giới phân tích, quyết định của ông Trump như một “con dao hai lưỡi” bởi chính nó có thể làm bùng nổ cuộc chiến thương mại khó lường. Theo các chuyên gia kinh tế, những đe dọa thương mại mới nhất mà Tổng thống Trump đưa ra đối với Trung Quốc vẫn là ví dụ khác của việc hoạch định chính sách nóng vội.

Nhiều Cty tại Mỹ vận động hành lang Tổng thống Trump rút lại những mức thuế này. Theo họ, những lý lẽ của ông chủ Nhà Trắng về việc áp đặt các mức thuế đó là mong manh, ngay cả trong trường hợp nhà lãnh đạo Mỹ có một lý lẽ hợp lý về việc bảo vệ sáng chế công nghệ. Bởi thực tế cho thấy, thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước chủ yếu là “tự gây ra” và động thái của nhà lãnh đạo Mỹ là một thủ đoạn chính trị nhằm mục tiêu cho các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới.

Trung Quốc ngay lập tức trả đũa, và tuyên bố: “Chúng tôi không muốn xảy ra chiến tranh thương mại, nhưng không bao giờ sợ đối đầu chiến tranh thương mại... Chúng tôi hy vọng Mỹ rút lại kế hoạch trước khi quá trễ”. Bắc Kinh công bố danh sách các mức thuế quan mới trị giá tới 3 tỷ USD nhằm vào các mặt hàng của Mỹ, từ thịt heo đến hoa quả và rượu. Theo nguồn tin, có 128 mặt hàng của Mỹ bị “đưa vào tầm ngắm” để sẵn sàng cho hành động trả đũa. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo, gói thuế quan đầu tiên sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng nhất định nhập khẩu từ Mỹ nếu Washington không đạt được một thỏa thuận được đàm phán với Bắc Kinh. Theo đó, 120 loại mặt hàng của Mỹ, trong đó có trái cây, rượu và ống thép, sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu 15% với tổng trị giá 977 triệu USD. Và các mặt hàng còn lại sẽ bị áp mức thuế nhập khẩu 25%, trị giá 2 tỷ USD.

Rõ ràng giờ đây, bóng ma chiến tranh đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Lo sợ đang phủ khắp các thị trường. Điều gì sẽ xảy ra khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào cuộc chiến thương mại? Tất nhiên, hậu quả sẽ khó lường. Trước tiên, cả hai nền kinh tế đều sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Lịch sử từng chứng minh điều đó. Khi Mỹ lần đầu tiên tăng mức hàng rào thuế quan đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ vào năm 1807, GDP của nước này đã giảm 5% - tương đương 1.000 tỷ USD.

Với vị thế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hệ lụy còn đi xa hơn nữa bởi nó chắc chắn sẽ khiến kinh tế toàn thế giới chấn động. Theo   các chuyên gia kinh tế, một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu sẽ khiến GDP trung bình trên toàn cầu giảm 3,5%.

KHẢ ANH