Báo Công An Đà Nẵng

Liều mình đi qua cầu treo bị bão quật hỏng

Thứ bảy, 07/10/2017 12:11

Từ khi cây cầu treo ở địa bàn xã Liên Trạch, H. Bố Trạch, Quảng Bình bị bão số 10 làm hư hỏng, mọi hoạt động của người dân địa phương và hàng trăm học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù xã đã lập bến đò cho người dân di chuyển nhưng nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm đi qua cây cầu này mỗi ngày. Cầu treo Liên Trạch bắc qua sông Son, nối liền giữa hai thôn Phú Hữu và Phú Kinh (thuộc xã Liên Trạch). Đây là con đường huyết mạch, hằng ngày có cả ngàn lượt người qua lại. Cầu được tổ chức ICCO tài trợ, thi công đưa vào sử dụng từ năm 1998 với tổng chiều dài 136m, rộng 2m; kết cấu bằng hệ thống dây treo, hạn sử dụng 10 năm. Cơn bão năm 2013 đã làm cây cầu bị hư hỏng, sau một thời gian bỏ không, đến năm 2014, Sở GTVT Quảng Bình đã tu sửa với kinh phí trên 2 tỷ đồng và đưa vào hoạt động từ đó đến nay.

Người dân bất chấp nguy hiểm đi qua cây cầu treo đã hư hỏng.

Theo UBND xã Liên Trạch, bão số 10 đã làm 17 dây néo ở đoạn giữa cầu bị đứt, dây chằng gió bị dứt 3 múi hàn và trên 15 múi bị uốn cong, hệ thống dầm cầu ở phía đông (thôn Phú Kinh) bị lệch ra khỏi mố và trụ cầu hoàn toàn, lơ lửng chực rơi. Sự cố này đã làm cây cầu treo bị hư hỏng nghiêm trọng, vì không an toàn nên UBND xã Liên Trạch đã hàn thép B40 rào chắn để ngăn người dân qua lại. Cả xã Liên Trạch có 5 thôn nằm hai bên bờ sông Son gồm: Phú Hữu, Phú Kinh, Tân Hội, Liên Thủy, Liên Sơn. Trong đó, trụ sở UBND xã, trường học, chợ... đều đóng tại thôn Phú Hữu, để đến được đó người dân và học sinh từ mầm non đến THCS ở các thôn Phú Kinh và Liên Sơn bắt buộc phải đi bằng cầu treo. Tương tự, học sinh bậc THCS ở 3 thôn còn lại cũng phải đi qua đây mới đến trường. Từ khi cơn bão số 10 làm cầu treo hỏng, nhiều học sinh bên này sông phải nghỉ học gần một tuần. Vì nhu cầu đi lại của người dân và học sinh rất lớn nên đến ngày 19-9, xã đã hợp đồng với một chiếc đò để chở học sinh đi học và người qua lại.

"Từ khi bão làm hỏng cầu treo, chúng tôi phải để con em ở nhà cả tuần liền vì không có phương tiện đi lại. Sau này có đò, hằng ngày tôi phải đưa đón con đi học nhưng vẫn rất lo lắng vì mùa mưa lũ đang đến gần, chiếc đò gỗ nhỏ không thể đảm bảo an toàn được", anh Lê Ngọc Tuấn, một người dân ở xã Liên Trạch cho biết.

Chỉ tính riêng học sinh, có khoảng 150 học sinh bậc THPT, 200 học sinh bậc THCS, tiểu học và mầm non hằng ngày phải qua đò để đến trường. Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đức Lưu khi anh đang cùng đứa con trai 5 tuổi (học mẫu giáo) liều mình đi qua cây cầu treo đã bị hư hỏng. Anh tâm sự, ra đợi đò nhưng chờ lâu quá nên anh cùng nhiều người nữa đã cùng con đi liều qua cầu. "Tôi có hai đứa con học bên kia sông, một cháu lớp 3 và một cháu học mầm non. Từ khi cây cầu bị hư hỏng, mỗi ngày tôi phải đưa đón con mấy lượt. Lớp mầm non được nghỉ sớm hơn nên đến giờ là tôi đến đưa về trước rồi mới lại quay sang đón cháu tiểu học. Cứ như thế này mãi thì vất vả quá. Cả ngày chỉ lo việc đi lại đến trường của con mà không làm được việc gì cả, chưa kể việc đi lại rất nguy hiểm nữa", anh Lưu nói.

Chiếc thuyền gỗ không đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão sắp về.

Mặc dù ngày 17-9, UBND xã Liên Trạch đã có thông báo nếu ai tự ý qua cầu mà xảy ra vấn đề gì thì UBND xã không chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hằng ngày vẫn có rất nhiều người dân và học sinh bất chấp nguy hiểm đi lại trên cầu. Trong đó, nhiều phụ huynh và học sinh phải qua lại trên cầu 4 lần/ngày. Hiện tại, số học sinh qua đò đều được chính quyền xã hỗ trợ, người dân trong xã thì mỗi lượt đi trả cho lái đò 2 ngàn đồng, có xe máy thì 5 ngàn và 10 ngàn cả xe máy mỗi lượt đi đối với người dân địa phương khác.

Theo ông Hoàng Minh Tú, chủ tịch UBND xã Liên Trạch: "Hiện ủy ban xã đã có công văn trình ủy ban huyện và Sở GTVT Quảng Bình để có biện pháp cùng với địa phương hỗ trợ nguồn kinh phí để khắc phục cầu treo đi lại cho bà con nhân dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin chính xác thời gian tu sửa". Trước những nguy hiểm rình rập khi lưu thông qua lại trên cầu cũng như trên những chuyến đò ngang như hiện nay thì việc sớm khắc phục, sửa chữa cầu treo Liên Trạch là việc làm cấp thiết cần được các cấp, các ngành địa phương tỉnh Quảng Bình nhanh chóng thực hiện, để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông qua lại, nhất là khi mùa mưa bão đang cận kề.

D.N