Báo Công An Đà Nẵng

Linh hoạt bố trí giáo viên dạy tích hợp liên môn chương trình lớp 6 mới

Thứ ba, 14/09/2021 14:00

So với chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) lớp 6 cũ, CT, SGK lớp 6 mới lần đầu tiên triển khai trong năm học 2021-2022 có 2 môn học mới gồm: Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý. Đây là hai môn học tích hợp liên môn (KHTN: Lý-Hóa- Sinh; Sử-Địa), trong khi đó, phần lớn đội ngũ giáo viên THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng được đào tạo đơn môn hoặc hai môn...

HS bậc THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng mong ngóng ngày được trở lại trường (ảnh có tính minh họa). ảnh: P.T

Qua trao đổi các nhà quản lý giáo dục bậc THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng, được biết, việc bố trí giáo viên (GV) dạy tích hợp liên môn đối với môn Lịch sử và Địa lý theo CT, SGK lớp 6 mới về cơ bản không gặp khó khăn gì. Riêng đối với tích hợp liên môn KHTN lớp 6, tuy có khó khăn, nhưng nhờ bám sát chương trình khung của Bộ GD-ĐT, các trường THCS trên địa bàn TP đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy năm học 2021-2022, linh động chọn để bố trí GV phù hợp nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy tích hợp đối với môn học này.

Theo ông Đặng Ngọc Lam- Hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong (Q.Hải Châu), “việc dạy - học tích hợp liên môn là đòn bẩy cho tư duy tích hợp đang rất cần trong thời đại ngày nay”. Cũng theo ông Lam, cái gì mới triển khai cũng sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, CT, SGK lớp 6 đối với tích hợp liên môn KHTN nội dung kiến thức khá đơn giản, được xây dựng dựa trên sự kết hợp các chủ đề khoa học. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có thêm một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Trên cơ sở chủ đề của chương trình được phân bổ trong năm học mới đầu tiên triển khai đối với môn học mới này, ông Lam cho biết, nhóm chuyên môn khối KHTN của trường đã họp thống nhất để phân chia chương trình dạy phù hợp với từng chủ đề. Với trình độ chuyên môn được đào tạo bài bản cộng với việc được bồi dưỡng, tập huấn CT, SGK lớp 6 mới, ông Lam tin tưởng các GV được chọn để dạy môn tích hợp này của trường sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Chương trình giáo dục phổ thông mới này, giao quyền chủ động cho GV. Theo đó, chỉ cần GV linh hoạt, sáng tạo, chịu khó đổi mới tư duy thì khó khăn nào rồi cũng vượt qua”- ông Lam lạc quan bày tỏ quan điểm.

Theo ông Bùi Duy Quốc- Hiệu trưởng trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Liên Chiểu)- về cơ bản, chương trình tích hợp liên môn đối với môn KHTN lớp 6 tương đối nhẹ nhàng nên GV dạy khối KHTN của trường cơ bản đáp ứng được việc tổ chức dạy-học tích hợp liên môn theo hướng, chủ đề nào nặng hơn thì phân công cho GV đó tổng hợp, đánh giá môn học trên cơ sở họp bàn đánh giá liên môn giữa các GV được phân công dạy.

Phó Phòng phụ trách Phòng GD-ĐT Q.Liên Chiểu Nguyễn Thanh Lịch cho hay, phần lớn GV bậc THCS trên địa bàn quận được đào tạo hai môn nên trong quá trình xây dựng kế hoạch giảng dạy năm học mới, ngành ưu tiên chọn GV được đào tạo hai môn, cụ thể ở đây là: Hóa- Sinh, Lý- Công nghệ và Sử- Địa để phân công dạy đối với 2 môn học mới này. Đây cũng là cách mà các trường THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang lựa chọn trong việc bố trí GV dạy tích hợp liên môn đối với môn học này.

Là GV được chọn để dạy tích hợp liên môn KHTN theo CT, SGK lớp 6 mới, cô Lê Thị Hai- GV trường THCS Lương Thế Vinh, cho rằng, CT, SGK lớp 6 mới nặng hơn so với CT, SGK lớp 6 cũ, chú trọng phần thực hành, thực nghiệm dành cho học sinh. Theo đó, đòi hỏi GV phải chịu khó tìm tòi, nghiên cứu tài liệu để tìm ra phương pháp nhằm phát triển phẩm chất năng lực của học sinh; GV phải chuẩn bị đồ dùng dạy học để giúp HS quan sát thực nghiệm và thí nghiệm.

Khánh Yên