Lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết
Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định lĩnh vực thông tin, truyền thông có vị trí quan trọng và ngày càng cần thiết trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và truyền thông là phải đi đầu, là một trong những động lực truyền cảm hứng cho sự phát triển và đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ một số hạn chế Bộ cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể, nhận thức và tổ chức về công tác truyền thông chưa thật sự ngang tầm, chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình thực tiễn. Chuyển đổi số dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa tạo được sự đột phá về tư duy, nhận thức, hành động, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc thanh, kiểm tra còn hạn chế; kết quả xử lý tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện lệch lạc trong công tác báo chí, truyền thông chưa được khắc phục...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2023, Bộ Thông tin Truyền thông cần xác định bối cảnh khó khăn, thách thức trên thế giới cũng như trong nước, cần tiếp tục chủ động, tích cực, sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó. Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII "Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung hoàn thiện công tác thể chế, nhất là trong công tác truyền thông; chuyển đổi số; quản lý Nhà nước; khoa học công nghệ... Phấn đấu hoàn thiện việc phủ sóng toàn diện, bao trùm viễn thông đến tất cả người dân ở mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để mọi người dân đều được hưởng thụ về dịch vụ viễn thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Tập đoàn điện lực triển khai công tác này, để làm sao điện và viễn thông đến được mọi miền đất nước cho tất cả mọi người dân, dù là biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chú trọng cập nhật, xử lý dữ liệu thường xuyên, liên tục. Dữ liệu là tài nguyên đặc biệt, cần phải lưu trữ, chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách an toàn, bảo mật, khoa học, hiệu quả, tạo nên các giá trị gia tăng, thông qua đó hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mỗi người dân; đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn đầu tư xã hội. Trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế. Phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.
Đồng thời, Bộ tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược, lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của người dân làm từ nhà, tỷ lệ người dân cài đặt các nền tảng số Việt Nam. Thúc đẩy thương hiệu Make in Việt Nam, phấn đấu tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước và vươn ra thế giới, đặc biệt là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong ngành. Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, tạo lập niềm tin số trên môi trường mạng, thúc đẩy người dân sử dụng các nền tảng số Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm, đấu tranh với những biểu hiện sai lệch trong hoạt động báo chí.
Bên cạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; xây dựng cơ quan hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý.
Góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên
Báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy trong năm 2022, ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục nỗ lực phấn đấu, đạt thêm nhiều kết quả quan trọng. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia do ngành chủ trì xây dựng, triển khai thực hiện với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Ước tính năm 2022, doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Các doanh nghiệp viễn thông đã hoàn thành phủ sóng cho 2.152/2.418 điểm lõm sóng là các thôn, bản trên toàn quốc; tăng tỷ lệ thôn đã có sóng trên toàn quốc đạt 99,73%. Đóng góp của kinh tế số cho GDP ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%. Công tác báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội. Công tác xử lý vi phạm chuyển hướng sang xem xét, xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí; buộc các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới tuân thủ, rà soát, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc đạt trên 90% yêu cầu của Nhà nước Việt Nam. Doanh thu Lĩnh vực Xuất bản, In, Phát hành ước đạt 96.433 tỷ đồng tăng trưởng 5% so với năm 2021...
Một số nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm được Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra trong năm 2023 là: Tổng doanh thu lĩnh vực bưu chính đạt 63.760 tỷ đồng. Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 21 tỷ USD. Tổng doanh thu lĩnh vực kinh tế số nền tảng đạt 30 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20 - 25%. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 1,3 tỷ USD. Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất 1 loại hình báo chí thiết yếu đạt 80%. Ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thật mà phát hiện, xác minh được trên mạng xã hội đạt từ 90 - 95%. Số lượng tài khoản người dùng Việt Nam đăng ký sử dụng mạng xã hội Việt Nam đạt 100 triệu. Số xã, phường, thị trấn trong toàn quốc có đài truyền thanh đạt 95%. Tổng doanh thu hoạt động xuất bản đạt 121 triệu USD...
Dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao bằng khen tặng các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động của ngành.
Phúc Hằng