Báo Công An Đà Nẵng

Lĩnh vực văn hóa chưa xứng tầm với sự phát triển của Đà Nẵng

Thứ tư, 12/02/2014 05:20

(Cadn.com.vn) - Chương trình làm việc với các Sở, ban ngành ngày 11-2 do đồng chí Trần Thọ - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND chủ trì chỉ bàn về một chuyên đề duy nhất: Văn hóa.

Sự kiện này được các đại biểu đầu ngành đánh giá là lạ và hiếm song hợp lý giữa lúc người dân đang cảm thấy có sự hụt hẫng, thiếu thốn vì đầu tư cho lĩnh vực văn hóa trong những năm qua hết sức khiêm tốn...

 Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm. Ảnh: P.K

ĐÃ CÓ DIỆN MẠO MỚI

Theo báo cáo của Sở VH-TT & DL, trong những năm qua, Đà Nẵng đã dồn mọi nguồn lực để phát triển xứng tầm với một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Trong đó, việc xây dựng con người thân thiện với nếp sống văn minh đô thị và môi trường văn hóa lành mạnh được xác định là một trong những yếu tố then chốt nhằm tạo nên diện mạo của văn hóa Đà Nẵng.

Chính sự đổi mới trong tư tưởng, đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã tạo được sự đồng thuận trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Mảnh đất, con người, tình người Đà Nẵng đã trở thành một thương hiệu rất riêng, được người dân cả nước cũng như khách du lịch quốc tế biết đến và trân trọng.

Với nhiệm vụ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, ngoài việc giữ gìn “hồn cốt” với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, Đà Nẵng cũng đã bước đầu quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế và các công trình văn hóa mới. Trong khoảng 15 năm qua, thành phố đã đầu tư 180 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình lớn đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của quần chúng nhân dân như Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Đà Nẵng, mở rộng Bảo tàng Điêu khắc Chăm...

Cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa cấp cơ sở cũng đã từng bước được xây dựng với 6 Trung tâm VH-TT cấp quận huyện trị giá hàng chục tỷ đồng. Cho đến hiện tại, toàn thành phố có 13/45 phường có nhà văn hóa, 2/11 xã có Trung tâm văn hóa – thể thao, 118/118 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng.

Lễ hội văn hóa miền biển Q. Thanh Khê.  Ảnh: P.K

NHƯNG CHƯA XỨNG TẦM

Dù đã có những chuyển biến cơ bản, nhưng theo các đại biểu và những người làm công tác văn hóa lâu năm, về cơ bản, đời sống tinh thần của người dân cũng như các công trình văn hóa tại Đà Nẵng cũng chỉ “ăn theo” sự phát triển kinh tế chứ chưa thực sự có một sự đầu tư hay thụ hưởng đúng tầm.

Không có chuyện chuyển đổi công năng thư viện khoa học tổng hợp

Trước những thông tin về việc chuyển đổi công năng Thư viện Khoa học Tổng hợp trong thời gian qua, đồng chí Trần Thọ khẳng định không có chuyện đó. Thành phố chỉ đạo các ngành nâng cấp thư viện cũ và xây dựng thêm thư viện mới. Thư viện Khoa học tổng hợp sẽ được tôn tạo hoành tráng hơn, chỉ phục vụ cho văn hóa, không sử dụng vào mục đích nào khác.

Chính vì vậy, chất lượng xây dựng đời sống văn hóa còn hạn chế, nếp sống văn minh đô thị chưa thực sự thấm sâu vào đời sống nhân dân. Dù chất liệu từ cuộc sống thì ngồn ngộn đó nhưng đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật chưa có sự lôi cuốn để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng đa dạng của quần chúng. Đơn cử, Đà Nẵng hiện vẫn chưa có được những tên tuổi tầm cỡ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, từ văn học, hội họa đến sân khấu, điện ảnh...

Khao khát hơn nữa, dù có tới hàng chục ca khúc của các nhạc sĩ địa phương cũng như trên khắp mọi miền đất nước tham gia sáng tác nhưng khách quan mà nói, thành phố sông Hàn hiện vẫn chưa có một “thành ca”, “tỉnh ca” nào đóng đinh kiểu như Hà Nội, Hà Tĩnh, Huế, Bến Tre, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh hay đơn giản là người anh em Quảng Nam.

Trong những thiếu thốn dành cho văn hóa, vấn đề kinh phí đầu tư dành cho việc trùng tu, tôn tạo được đánh giá là hơn cả mức khiêm tốn! Hầu hết các di tích nếu được quan tâm thì chỉ mới dừng lại ở mức độ tu sửa cần cấp thiết nhằm chống sự xuống cấp, đảm bảo sự tồn tại của công trình mà chưa có sự quy hoạch về khuôn viên, xây dựng các công trình ngoại vi, tạo cảnh quan cho di tích. Không những thế, việc đầu tư cho hoạt động văn hóa cũng còn khiến cho những người trong ngành, trong nghề cảm thấy... “tủi thân”.

Một thực trạng được Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Anh đề cập đã khiến hầu hết hội trường cảm thấy chạnh lòng. Đó là 17 năm sau khi chia tách, Đà Nẵng đã đầu tư rất nhiều cho phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng mà gần như dành rất ít kinh phí cho hoạt động văn hóa. Thành phố được xem là thủ phủ của miền Trung mà hiện không có quảng trường trung tâm đúng nghĩa, không có thư viện đàng hoàng, địa điểm vui chơi nghèo nàn, bảo tàng nhỏ và đơn điệu. “Theo quy định, có thể đầu tư cho văn hóa 1,8% tổng chi ngân sách hàng năm thì tính trung bình trong 15 năm qua, Đà Nẵng chỉ đầu tư khoảng 0,92%.

Đây rõ ràng là con số không xứng tầm”, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Anh nêu con số. Điều này cũng nhận được sự đồng tình của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang khi ông dùng từ “quá thấp” để nói về sự đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn hóa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Chiến – Phó Giám đốc Sở VH-TT & DL khẳng định: “Bức xúc nhất của Đà Nẵng hiện vẫn là các công trình thiết chế văn hóa. Chúng ta phải đối xử công bằng với nó, vì các thành phố lớn xây dựng thiết chế văn hóa tại trung tâm, ở những nơi đông dân cư trong khi đó trong những năm qua Đà Nẵng đang ưu tiên nhiều cho kinh tế”. Ông Chiến cũng tiết lộ, mặc dù là một trong 5 thành phố trực thuộc trung ương nhưng đầu tư dành cho văn hóa của Đà Nẵng nhiều năm qua nằm ở top cuối, dưới cả nhiều tỉnh thành trung du, miền núi. Đây rõ ràng là một điều đáng ngại và đáng báo động.

Người dân xếp hàng chờ chơi các trò chơi tại Công viên 29-3, một địa điểm đã quá tải trong nhiều năm qua. Ảnh: P.T

“CHƯA THẤY NGƯỜI TA KHEN NHIỀU VỀ VĂN HÓA”

Câu nói này được đồng chí Trần Thọ dẫn lại từ một cuộc họp của Bộ Chính trị để cảnh báo cũng như nhắc nhở các cơ quan chuyên môn, các đơn vị làm công tác tham mưu trong lĩnh vực văn hóa cùng “xắn tay áo” vào vực dậy sự trầm lắng, nghèo nàn về văn hóa bấy lâu nay. Đà Nẵng coi trọng nhiệm vụ lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần.

Trong chiến lược phát triển bền vững, văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng bên cạnh kinh tế và môi trường. Vậy nhưng tài chính đầu tư cho văn hóa thấp đã đành, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này lại còn rất thiếu, rất yếu nữa. “Trong mấy trăm quân gửi đi đào tạo ở nước ngoài, không có một người nào đi học văn hóa. Khu vui chơi quận huyện thì xuống cấp, thư viện thì cũ kỹ, các công trình quan trọng thì để đất hoang, nhếch nhác. Đừng bàn đâu xa xôi, chung chung, hãy cứ bắt tay vào làm những điều cần kíp, rồi từ đó sẽ có cơ sở cho những đầu tư chiến lược. Chứ nói cao siêu quá mà không làm rồi thì cũng bỏ đó”, đồng chí Trần Thọ lưu ý.

Đồng chí Trần Thọ chỉ đạo, trước mắt, bắt đầu từ năm 2014 này, Sở Tài chính phải cân đối ngân sách để dành kinh phí nhiều hơn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Nhưng có tiền rồi thì phải bắt tay vào thực hiện những phần công việc cụ thể một cách quyết liệt. Trước mắt các cơ quan liên quan phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai xây dựng khu vui chơi giải trí đông nam Đài tưởng niệm, tiếp đó là kêu gọi xã hội hóa đầu tư Công viên 29-3.

Ngoài ra, ngay trong tháng 3 tới, UBND TP phải báo cáo Thường trực Thành ủy về việc xúc tiến xây dựng công viên thanh niên – một dự án đã nằm trên giấy quá lâu. Tháng 4, Sở VH-TT&DL khảo sát lại các khu vui chơi giải trí quận huyện xuống cấp, không phát huy công năng, nếu cần nâng cấp thì đầu tư để hoạt động hiệu quả, ngược lại phải lấy đất đó xây dựng thành các vườn dạo, công viên mini phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đồng chí Trần Thọ cũng đồng ý chủ trương nâng cấp Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Mỹ thuật cũng như triển khai thiết kế xây dựng Nhà hát lớn diện tích 5,6ha tại khu Đa Phước.

“Người ta khen chuyện “5 không, 3 có”, “5 xây, 3 chống”, khen có nhiều cảnh đẹp, nhiều cây cầu nổi tiếng, người Đà Nẵng hiền hậu, mến khách, Đà Nẵng phát triển thần kỳ... thì mát mặt lắm. Nhưng họ nói chưa thấy khen nhiều về văn hóa thì cả những người đứng đầu Thành ủy, ủy ban, các sở ban ngành và bộ phận giúp việc phải cảm thấy chạnh lòng vì trách nhiệm này trước hết thuộc về chúng ta”, đồng chí Trần Thọ kết thúc buổi làm việc được xem là lần đầu tiên bàn về lĩnh vực văn hóa trong dịp đầu năm.

Công Khanh