Báo Công An Đà Nẵng

Lo cho Iraq và giá dầu mỏ

Thứ bảy, 14/06/2014 10:16

(Cadn.com.vn) - Iraq đã vắng mặt trong các chương trình nghị sự quan trọng trên toàn cầu trong nhiều năm - nhưng giờ đây, sự tồn vong của nhà nước Baghdad đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Các chiến binh Hồi giáo Sunni tiếp tục mở các cuộc chiến trong đêm 12-6, di chuyển vào hai thị trấn ở tỉnh phía đông Diyala của Iraq trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama đe dọa không kích nhằm ngăn chặn các chiến binh tiến về thủ đô Baghdad.

Các chiến binh ISIS đang tiếp tục tiến về thủ đô Baghdad. Ảnh: Reuters

Mỹ đe dọa không kích

Jalawla và Saadiyah là các khu vực mới nhất rơi vào tay các chiến binh Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) sau chiến dịch tấn công kéo dài 3 ngày ở bắc Iraq, tiếp sau việc kiểm soát hoàn toàn thành phố Mosul và các phần quan trọng của 3 tỉnh khác.

Quân đội Iraq bắn pháo Saadiya và Jalawla từ thị trấn Muqdadiya gần đó, khiến hàng trăm người phải chạy trốn về phía Khaniqin gần biên giới Iran. Các chiến binh ISIS, đang tiến quân về phía nam để đến Baghdad. Người Kurd, vốn nắm quyền ở khu tự trị ở phía bắc, lợi dụng sự hỗn loạn để mở rộng lãnh thổ. Lực lượng peshmerga của khu tự trị người Kurd cũng triển khai các tay súng để bảo vệ văn phòng đảng chính trị tại Jalawla trước khi quân nổi dậy đến thị trấn. Tuy nhiên, không có cuộc đối đầu giữa hai bên.

Những diễn biến ở Iraq đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của Mỹ. Theo Reuters, khi được hỏi liệu Washington có xem xét hành động quân sự hoặc không kích ở Iraq, ông Obama nhấn mạnh: “Tôi không loại trừ bất cứ điều gì”. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng khi gặp Thủ tướng Australia Tony Abbott, ông Obama nói, Washington có lợi ích trong việc không để các phần tử thánh chiến Hồi giáo tạo dựng thành trì ở chiến trường cũ này. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng sau đó nhấn mạnh sẽ không gửi lực lượng bộ binh đến Iraq. Thủ tướng Abbott cũng tuyên bố ủng hộ Mỹ và không loại bỏ khả năng sẽ can dự quân sự ở Iraq.

Trong khi đó, HĐBA LHQ ngày 13-6 đề nghị tổ chức đối thoại khẩn mang tính toàn diện tại Iraq và lên án các hoạt động “khủng bố” của ISIS. Tuy nhiên, cơ quan quyền lực nhất thế giới này không cân nhắc hành động nhằm chống lại các tay súng đang rầm rập kéo về Baghdad.

Lo sợ giá dầu tăng

Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang phản ứng tiêu cực với bất ổn ở Iraq, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Theo đó, giá dầu thô liên tục tăng mạnh trong nhiều ngày qua.

Nhưng mọi việc có thể còn tồi tệ hơn nhiều khi phe ISIS hiện đang tràn ngập thành phố dầu mỏ Tikrit, nơi sản xuất 300.000 thùng/ngày trong khi nguy cơ nội chiến đang rình rập ở Iraq. Có thể Baghdad sẽ sớm nhận được sự giúp đỡ của Washington, đánh bại ISIS và chiếm lại phía bắc. Nhưng giá dầu thô sẽ tiếp tục nhảy vọt cho đến khi tình hình ở miền nam thật sự ổn định. Các Cty dầu quốc tế từng đến làm ăn với Iraq ngay cả trong bối cảnh cuộc xâm lược của Mỹ khiến Baghdad từng ngày rơi vào bất ổn sâu sắc. Và giờ đây, nếu một cuộc xung đột dân sự xảy ra, giá dầu có thể đạt đến đỉnh như thời gian dài trước đây.

Nhưng ngay cả khi Iraq không sụp đổ, tình trạng bất ổn kéo dài sẽ gây tổn hại đến khả năng sản xuất dầu và chính người tiêu dùng sẽ cảm nhận được những mất mát này trong tương lai. Iraq có trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng lớn thứ 5 trên thế giới, có nghĩa nước này còn rất nhiều dầu thô chưa khai thác. Trong tháng 2, sản xuất của Iraq đạt trung bình 3,6 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ khi cố Tổng thống Saddam nắm quyền vào năm 1979. Và báo cáo năm 2012 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán, Iraq có thể đạt mức 8,3 triệu thùng một ngày vào năm 2035.

Điều đó sẽ giúp Iraq có đóng góp lớn nhất vào “sự tăng trưởng mới” của dầu mỏ, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu từ các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc. Nhưng cần hiện thực hóa điều này, Iraq đòi hỏi một lượng lớn đầu tư và bàn tay nắm quyền ổn định từ chính quyền trung ương.

Khả Anh