Báo Công An Đà Nẵng

Lo "ế" thí sinh, nhiều trường đại học đồng loạt mở ngành mới

Thứ ba, 05/03/2019 12:24

Bên cạnh những ngành truyền thống, mùa tuyển sinh năm 2019, các trường thành viên thuộc Đại học (ĐH) Huế mở thêm 15 ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông mới và nhu cầu của thị trường lao động.

Phổ biến quy chế cho thí sinh tại cụm thi 33 quốc gia TT-Huế.

Đáp ứng nhu cầu thị trường

PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc Đại học (ĐH) Huế cho biết: Kỳ tuyển sinh năm nay, ĐH Huế mở mới 15 ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và đòi hỏi của thị trường lao động cũng như xu hướng thế giới. Theo đó, ĐH Huế tuyển sinh thêm các ngành thiên về kỹ thuật và kỹ thuật ứng dụng tại Trường ĐH Nông Lâm và Trường ĐH Khoa học, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị như: Ngành toán kinh tế, quản lý nhà nước, kỹ thuật phần mềm, công nghệ kỹ thuật hóa học, quy hoạch vùng và đô thị, địa kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa... Mở ngành du lịch ở Khoa Du lịch. Ngoài ra, Trường ĐH Sư phạm mở các ngành mới theo hướng đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới như sư phạm âm nhạc, sư phạm giáo dục công dân, sư phạm lịch sử địa lý, hệ thống thông tin...

Theo PGS.TS Võ Thanh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế, mùa tuyển sinh 2019, trường mở mới 8 ngành là quản lý nhà nước, công nghệ kỹ thuật hóa học, quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật phần mềm, địa kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật sinh học, toán kinh tế và kỹ thuật môi trường. Các ngành mới mở tập trung hướng ứng dụng và kỹ thuật, chương trình đào tạo khoảng 4-5 năm. Các giảng viên đều có chung quanh điểm, sinh viên học các ngành mới ra trường trở thành kỹ sư, cơ hội việc làm cho người học cao hơn.

Theo ĐH Huế, trước khi các trường mở ngành, đã có quá trình khảo sát rất kỹ, từ nhu cầu xã hội, thị trường lao động, làm việc với các doanh nghiệp. Quy trình làm đề án mở ngành đến duyệt khá chặt chẽ từ khoa lên trường đến ĐH Huế… PGS.TS Võ Thanh Tùng cho rằng, hiện nay, các trường phải tiến đến tự chủ, trong khi đó học phí lại là nguồn thu chính. Định hướng lâu nay của sinh viên là học gì để ra trường có việc làm, đó là áp lực cho các khoa. Phải đào tạo ngành nào sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc doanh nghiệp, cơ hội thực tập, thực tế nhiều thì sinh viên mới lựa chọn. Bối cảnh chung các trường đều mở ngành mới theo nhu cầu xã hội, nếu đơn vị mình không mở thì phần nào khó khăn trong cạnh tranh, thu hút người học.

Theo một chuyên gia tư vấn tuyển sinh, việc các trường mở thêm các ngành mới là tín hiệu đáng mừng đối với ngành giáo dục, điều đó cho thấy các trường đang đi đúng hướng - đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn đời sống. Phân tích sâu hơn về cơ hội của thí sinh khi lựa chọn các ngành học mới theo hướng chuyên ngành hẹp, chuyên gia này cho biết: "Nếu chọn lĩnh vực hẹp mà các bạn học sinh đã tìm hiểu kỹ cũng như có đam mê thực sự thì sau khi ra trường có cơ hội việc làm rất cao. Ngành càng hẹp bao nhiêu thì cơ hội xin việc làm càng dễ bấy nhiêu. Ngược lại, ngành càng rộng thì nhiều người học ngành khác vẫn làm được vì thế cơ hội cạnh tranh việc làm sẽ lớn hơn".

Nhiều điểm mới nhằm "hút" thí sinh

Năm 2019, ĐH Huế dự kiến tuyển sinh khoảng 13.000 chỉ tiêu cho 122 ngành đào tạo ĐH của 12 trường, khoa, phân hiệu trực thuộc. Như vậy, ĐH Huế đã cắt giảm gần 800 chỉ tiêu ở một số trường có chỉ tiêu cao và các ngành khó tuyển sinh trong thời gian qua theo đề án tái cấu trúc ngành nghề của ĐH Huế. Trong đó, một số trường ĐH đã tạm ngừng tuyển nhiều ngành học thuộc khối cơ bản do những năm qua tuyển sinh khó khăn, thậm chí không có người học. Bên cạnh chủ trương tuyển sinh chung của Bộ GD & ĐT, ĐH Huế áp dụng nhiều điểm mới trong tuyển sinh. ĐH Huế tuyển sinh theo 3 phương thức, gồm xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) kết hợp với thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT.

Các ngành tuyển sinh sử dụng kết quả học tập ở bậc THPT sẽ lấy kết quả năm học lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 và tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải >=18.0. Để tăng cơ hội xét tuyển cho thí sinh, các trường ĐH thành viên của ĐH Huế thay đổi và bổ sung thêm tổ hợp môn xét tuyển ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, tùy theo từng ngành học, như tổ hợp môn Toán - Sinh - Giáo dục Công dân; Ngữ văn - Địa lý - Tiếng Anh... Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH năm 2019, với ngành y khoa: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không quá 20 thí sinh. Các ngành đào tạo của Trường ĐH Sư phạm xét tuyển thẳng không giới hạn chỉ tiêu ngành. Các ngành còn lại của ĐH Huế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển không quá 10% chỉ tiêu của ngành; không thực hiện việc tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào những ngành thuộc các khối truyền thống H, M, V.

Bên cạnh đó, các trường ĐH thành viên của ĐH Huế cũng xây dựng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích dành cho sinh viên năm nhất. Cụ thể, ĐH Kinh tế Huế miễn học phí cho sinh viên học ngành kinh tế chính trị; sinh viên có điểm tuyển sinh trên 26 điểm nhận học bổng toàn phần trị giá 100% học phí theo ngành trúng tuyển trong học kỳ đầu tiên. Trường ĐH Luật sẽ trao học bổng 15 triệu đồng cho thủ khoa ngành và 10 triệu đồng á khoa ngành; thí sinh được tuyển thẳng được trao 30 triệu đồng. Trường ĐH Ngoại ngữ giảm 50% học phí cho sinh viên ngành ngôn ngữ Nga. Trường ĐH Khoa học trao học bổng trị giá 100% học phí theo ngành trúng tuyển cho học kỳ đầu tiên cho thủ khoa ngành có điểm đầu vào lớn hơn 24 điểm...

H.LAN