Báo Công An Đà Nẵng

"Lỡ hẹn"

Thứ sáu, 22/05/2015 12:47

(Cadn.com.vn) - Dự án cảng Chabahar của Iran vẫn là một giấc mơ xa xỉ đối với chính sách chiến lược của Ấn Độ.

Trong chuyến đi gần đây đến Tehran, Bộ trưởng giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với người đồng cấp Iran về phát triển cảng Chabahar. Cảng này, nằm ở đông nam Iran, được New Delhi xem là cửa ngõ để cả Afghanistan và Trung Á, tạo thế đối trọng với cảng Gwadar ở Pakistan, mà hiện do Trung Quốc vận hành hoàn toàn. Tuy nhiên, các mục tiêu của MoU lần này đặt ra nhiều câu hỏi đáng quan tâm về hiệu quả thành công khi cơ hội cho Ấn Độ tại Iran dường như đã bị bỏ lỡ trong nhiều năm qua.

Trên thực tế, Ấn Độ lần đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đến dự án cảng Chabahar vào năm 2002. Năm 2003 Ấn Độ, Iran và Afghanistan ký MoU về việc phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải quá cảnh trên tuyến đường Chabahar-Milak-Zaranj-Delaram. Cùng năm đó, Tổng thống Iran Mohammed Khatami đến thăm Ấn Độ, nơi New Delhi cam kết sẽ quan tâm hơn đến hệ thống cơ sở hạ tầng và năng lượng liên quan tại Iran, trong đó đặc biệt là Chabahar.

Cảng Chabahar, nằm trong khu vực dân tộc thiểu số Sunni nghèo khó ở Iran, được xem là dự án quan trọng cho các mục đích thương mại và chiến lược của Ấn Độ, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương - hiện đang trở thành điểm nóng, nơi sức mạnh truyền thống của Ấn Độ đang bị thách thức bởi một Trung Quốc phát triển nhanh. Tuy nhiên, lợi ích thực sự cho Ấn Độ kể từ khi tham gia Chabahar chủ yếu là kinh tế chứ không phải chiến lược truyền thống. Iran, chính họ, đầu tư rất nhiều trong và xung quanh khu vực Chabahar trong nỗ lực thu hút các nước Trung Á.

Nguyên nhân đằng sau sự chậm trễ của dự án Chabahar là tính phức tạp trong thỏa thuận với Iran. Trọng tâm của vấn đề nằm ở cuộc đụng độ căn bản giữa hai nền chính trị Ấn Độ - Iran. Trong khi New Delhi khá "lạnh nhạt" đối với Chabahar, chủ yếu do yếu tố trong nước, như thiếu hụt kinh tế, Tehran lại lo ngại về vấn nạn tham nhũng kinh niên trên con đường đi đến một thỏa thuận với Ấn Độ.

Ngoài dự án cảng Chabahar, Ấn Độ cũng đã sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Iran. Tuy nhiên, sự thất bại của dự án này khiến con đường đi đến những thỏa thuận khác giữa hai nước càng thêm bấp bênh.  Đám mây đen u ám còn tiếp tục bao phủ khi đầu tháng này, một phái đoàn Ấn Độ vội vã đến Tehran với tư cách đại diện cho ngành dầu khí Ấn Độ. Tuy nhiên, Tehran xem ra không mấy mặn mà.

Cả Ấn Độ và Iran có thể nhìn lại hơn một thập kỷ bị lãng phí cho mối quan hệ đối tác chiến lược, khi cả hai bên thường xuyên có những hành động chống lại lợi ích của nhau. Bây giờ, nếu Iran có thể mở cửa thành công, Ấn Độ sẽ sẵn sàng mở con đường ngoại giao và kinh tế tốt nhất để một lần nữa bắt đầu tìm lại những gì đã mất.

Thanh Văn