Báo Công An Đà Nẵng

Lo lắng cho tương lai ngành tài chính Anh hậu Brexit

Thứ sáu, 08/01/2021 11:11

Mặc dù Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đạt thỏa thuận thương mại tự do sau tiến trình Brexit (Anh rời EU), tương lai lĩnh vực dịch vụ tài chính chủ chốt của nước này vẫn chưa chắc chắn trước thềm các cuộc đàm phán song phương sắp tới.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen (trái) và Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (phải) sau khi ký “Hiệp định Thương mại và Hợp tác” lịch sử hậu Brexit ở Brussels, Bỉ ngày 30-12-2020. Ảnh: AFP

Anh –EU đã chính thức “ly hôn” vào ngày 31-12-2020, London đã rời khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan của khối kể từ ngày 1-1-2021. Tuy nhiên, thỏa thuận hậu Brexit dài 1.200 trang giữa Anh và EU lại đề cập rất ít tới lĩnh vực dịch vụ tài chính, vốn mỗi năm đóng góp khoảng 150 tỷ bảng Anh (tương đương 204 tỷ USD) hoặc 7% sản lượng kinh tế hằng năm của Vương quốc Anh. Trên thực tế, lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn cả lĩnh vực đánh bắt cá, vấn đề vốn quan trọng về mặt chính trị đối với Anh và là khúc mắc chính dẫn đến việc trì hoãn ký kết thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Lĩnh vực đánh bắt cá đóng góp chưa tới 0,1% GDP của Anh. Hiện Anh và EU đang hướng tới mục tiêu ký biên bản ghi nhớ về dịch vụ tài chính trong tháng 3 tới, qua đó thiết lập một lộ trình hợp tác mới. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey vẫn lạc quan trong đàm phán về chế độ “tương đương” để giúp các quy định trở nên tương thích và qua đó duy trì tính ổn định của một số dịch vụ tài chính nhất định.

Từ ngày 1-1-2021, lĩnh vực tài chính của Vương quốc Anh bị mất quyền tiếp cận các thị trường đơn lẻ và “hộ chiếu” vào châu Âu - một công cụ cho phép các sản phẩm và dịch vụ tài chính của Anh được bán ở EU. Khả năng để lĩnh vực tài chính của Anh duy trì kinh doanh trong khối EU hiện đang phụ thuộc vào việc đạt được quy chế tương đương trong 59 lĩnh vực cụ thể. Hiện London đã cấp quy chế tương đương cho các Cty tài chính có trụ sở tại EU trong một số lĩnh vực. Ở chiều ngược lại, EU mới chỉ cấp cho các Cty tài chính có trụ sở tại Vương quốc Anh quy chế tương đương trong hai lĩnh vực. EU vẫn lo ngại rằng sự khác biệt có thể khiến các Cty Anh trở thành mối đe dọa đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính của chính EU.

T.N