Báo Công An Đà Nẵng

Lo ngại bội chi quỹ bảo hiểm y tế

Thứ hai, 27/08/2018 15:30

TT-Huế là một trong 13 địa phương của cả nước bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) hơn 200 tỷ đồng trong 6 tháng năm 2018.

Cơ chế thông tuyến BHYT khiến cho nhiều bệnh nhân chọn lựa cơ sở KCB tuyến trên. Trong ảnh, bệnh nhân có thẻ BHYT làm thủ tục khám bệnh tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Ảnh: H.LAN

Lạm dụng các dịch vụ quá mức cần thiết

Dẫn đầu trong cả nước về tỷ lệ người tham gia BHYT nhưng TT-Huế luôn ở tình trạng bội chi. Chỉ tính riêng 6 tháng năm 2018, ước tính quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT của tỉnh là hơn 417 tỷ đồng, trong khi số tiền phải chi là 649 tỷ đồng (vượt 232 tỷ đồng). Theo lãnh đạo BHXH tỉnh TT-Huế, địa phương có BVT.Ư Huế hạng đặc biệt và nhiều bệnh viện hạng I, hạng II kéo theo sự gia tăng chi phí KCB. Lợi thế tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục khiến rất nhiều người dân không cùng chi trả mỗi khi nằm viện có chi phí vượt quá 6 tháng lương cơ sở. Thế nên, nhiều bệnh nhân (BN) điều trị dài ngày được BHXH thanh toán lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ.

Theo ông Hoàng Trọng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh TT-Huế, nguyên nhân dẫn đến bội chi quỹ BHYT có cả khách quan và chủ quan. Một số nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí quỹ BHYT là do mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh ở Huế tốt, do cơ chế thông tuyến BHYT khiến người bệnh có quyền chọn lựa cơ sở KCB, người dân có tâm lý lựa chọn KCB ở tuyến trên nhiều hơn. “Mỗi đơn thuốc của tuyến dưới chỉ được phép chi từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng thì ở BV tuyến trên chi gấp 10 lần nên BN thích lên tuyến trên”, ông Trương Như Sơn - Giám đốc BV H. Phú Vang, dẫn chứng.

Cũng theo ông Hoàng Trọng Chính, nguyên nhân bội chi quỹ BHYT một phần do tình trạng lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, chỉ định xét nghiệm không phù hợp, chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật, những bệnh không cần thiết vẫn điều trị nội trú... “Một nguyên nhân khó khăn khách quan khiến bội chi quỹ BHYT là giao cơ chế tự chủ cho cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh tự chi trả lương. Trong khi đó, TT-Huế có 98% số người tham gia BHYT. Vì vậy, toàn bộ nguồn thu chủ yếu là từ bảo hiểm và lấy nguồn đó để chi trả lương. Nếu lãnh đạo không kiên quyết thì các cơ sở khám chữa bệnh có xu hướng tăng bệnh nhân nội trú, tăng chỉ định kỹ thuật để tăng viện phí nhằm tăng thu nhập lương cho cán bộ nhân viên”, ông Chính lo lắng.

Nhiều doanh nghiệp chây ì, chiếm dụng quỹ

Tính đến cuối tháng 7-2018, toàn tỉnh TT-Huế có 115.734 người tham gia BHXH bắt buộc; 1.615 người tham gia BHXH tự nguyện; 102.235 người tham gia BH thất nghiệp; 1.122.287 người tham gia BHYT. Toàn tỉnh thu được 1.298 tỷ đồng tiền BHXH, tuy nhiên số nợ gồm tất cả các loại hình bảo hiểm nói trên của các đơn vị sử dụng lao động trong tỉnh là 125,596 tỷ đồng. 

Theo BHXH tỉnh TT-Huế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ BHXH như do doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, song cũng có không ít DN cố tình chây ì chiếm dụng quỹ BHXH. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT của các chủ sử dụng lao động còn diễn ra khá phổ biến. Theo Chánh văn phòng BHXH tỉnh TT-Huế, tính đến cuối tháng 7-2018, một số DN nợ BHXH ở mức cao như: Cty CP Bệnh viện Đa khoa Hoàng Viết Thắng với 92 lao động nợ hơn 2,2 tỷ đồng, kéo dài từ tháng 10-2016 đến nay. Hay Cty CP May Xuất khẩu Đại Việt với 59 lao động nợ BHXH tỉnh hơn 4,4 tỷ đồng, kéo dài từ tháng 6-2015 đến nay. Tương tự, khách sạn Midtown với 90 lao động nợ hơn 1 tỷ đồng từ tháng 6-2017; Cty TNHH Dịch vụ xe buýt Hoàng Đức với 49 lao động nợ hơn 2 tỷ đồng từ tháng 6-2016. Điều đáng nói, việc nợ BHXH của DN Hoàng Đức trước đây đã rất nhiều lần bị người lao động phản đối...

Thời gian qua, có một số hồ sơ được hoàn tất để chuyển sang tổ chức công đoàn tiến hành các bước khởi kiện nhưng đến nay vẫn chưa khởi kiện được đơn vị nào. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về pháp lý, một số quy định của pháp luật còn bất cập. Chẳng hạn, trước khi chuyển hồ sơ khởi kiện cho tòa án, phải tiến hành hòa giải tranh chấp lao động. Khi cơ quan BHXH kiện DN nợ bảo hiểm, chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ. Còn khi tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH thì công đoàn cơ sở phải đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên. Trong khi đó, công đoàn cơ sở không dám khởi kiện. Bởi không ít chủ tịch công đoàn cơ sở than phiền, họ cũng là người làm thuê và nhận tiền lương của DN nên việc đứng ra kiện chính ông chủ của mình là rất khó khăn, dễ mất việc làm. Khi đó, việc tranh chấp được xem là tranh chấp cá nhân nên rất khó giải quyết...

Chiều 16-8, tại buổi làm việc với tỉnh TT-Huế về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, Đoàn giám sát Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam do UVT.Ư Đảng , Thứ trưởng Bộ CA, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành làm Trưởng đoàn, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những vướng mắc trong công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT cũng như đưa ra những giải pháp để xử lý bài toán bội chi quỹ BHYT và công tác cải cách thủ tục hành chính.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh tăng cường quản lý khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quỹ BHYT được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhằm hạn chế tình trạng bội chi quỹ. Về vấn đề nợ đọng BHXH, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát để thu hồi. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đề nghị tỉnh TT-Huế cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH, BHYT để từ đó khắc phục tình trạng bội chi cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân và người lao động.

H.LAN