Báo Công An Đà Nẵng

Lo ngại đỉnh dịch Covid-19 thứ 2

Thứ hai, 15/06/2020 14:22

Trung Quốc ngày 14-6 báo cáo số ca mắc Covid-19 mới hàng ngày cao nhất kể từ tháng 4, trong đó nhiều khu vực của Bắc Kinh vẫn đang bị phong tỏa, làm bùng nổ cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai khi nhiều nước Châu Âu chuẩn bị mở cửa biên giới chào đón du khách.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi, nhất là Nam Mỹ chưa có dấu hiệu cải thiện. Tính đến ngày 14- 6 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận gần 432.000 ca tử vong trong hơn 7,8 triệu ca nhiễm virus SARSCoV-2. Theo trang thống kê worldometers.info, số ca nhiễm và tử vong do dịch Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lần lượt khoảng 136.000 và 4.250 ca trong 24 giờ qua.

Cảnh sát bảo vệ lối vào chợ Tân Phát Địa, vốn đã bị đóng cửa do liên quan ổ dịch Covid-19 mới ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

MỸ: BỆNH NHÂN MẮC COVID-19 NHẬN HÓA ĐƠN ĐIỀU TRỊ HƠN 1,1 TRIỆU USD

Báo Seattle Times ngày 14-6 đưa tin: ông Michael Flor, 70 tuổi, ở Mỹ vừa thoát chết sau khi mắc Covid-19, đã nhận được hóa đơn viện phí lên tới hơn 1,1 triệu USD. Ông Flor đã từng điều trị tại một bệnh viện ở Seattle trong vòng 62 ngày từ ngày 4-3. Ông vượt qua giai đoạn nguy kịch, thời điểm khó khăn nhất khi các y tá phải cầm điện thoại để vợ, con ông có thể nói lời từ biệt cuối cùng. Sau khi phục hồi, ông được xuất viện vào ngày 5-5.

Nhưng sau đó, ông tá hỏa khi nhận hóa đơn hơn 1,1 triệu USD bao gồm: phòng chăm sóc đặc biệt 9.736 USD/ngày; gần 409.000 USD chi phí chuyển đổi một phòng thành phòng vô trùng để điều trị trong 42 ngày; 82.000 USD chi phí sử dụng máy thở trong 29 ngày; gần 100.000 USD trong 2 ngày khi các bác sĩ tiên lượng nguy cơ ông tử vong vì Covid-19. May mắn là ông Flor không phải thanh toán viện phí vì đã được chương trình bảo hiểm của chính phủ dành cho người cao tuổi Medicare chi trả.

T.N

Trung Quốc thêm nhiều ca nhiễm mới

Tình hình đại dịch tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đang diễn biến theo chiều hướng nghiêm trọng hơn. Trong số 57 trường hợp mới ghi nhận, 36 trường hợp nhiễm bệnh trong nước tại thủ đô, nơi chợ Tân Phát Địa quy mô lớn ở trung tâm có đã bị đóng cửa và các khu nhà ở gần đó bị phong tỏa. Theo đó, chỉ trong một ngày, Bắc Kinh xác định thêm 36 ca nhiễm mới. Sự hồi sinh gây sốc các ca nhiễm mới trong nước đã làm náo loạn Trung Quốc, nơi căn bệnh này xuất hiện vào cuối năm 2019 nhưng hầu như đã được kiểm soát thông qua các hạn chế phong tỏa nghiêm trọng, vốn sau đó được áp dụng trên toàn cầu.

Đây là con số đáng lo ngại sau một thời gian dài Bắc Kinh không có ca lây nhiễm nội địa nào mới. Nó cũng đưa ra một cái nhìn sâu sắc về những khó khăn mà thế giới sẽ gặp phải khi “chinh phục” Covid-19 - ngay cả khi Châu Âu chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè sau khi tỷ lệ lây lan giảm đáng khích lệ, với một số quốc gia sẽ chào đón du khách từ những nước khác trên lục địa từ hôm nay (15-6).

Tại Châu Âu, nhiều quốc gia hiện đang tiếp tục dỡ bỏ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, vốn đã giúp họ dần dần vượt qua đại dịch nhưng cũng làm khô héo nền kinh tế và gây ra sự khốn khổ cho hàng triệu người. Liên minh Châu Âu (EU) đã khuyến nghị các quốc gia thành viên mở lại hoàn toàn biên giới với nhau vào ngày 15- 6, nhưng việc mở lại biên giới đã không được phối hợp hài hòa. Một số quốc gia Ba Lan đã làm như vậy, trong đó, những người từ các quốc gia khác thuộc EU được phép đến nước này và Đức cũng cho biết họ sẽ chấm dứt kiểm tra biên giới trên bộ vào ngày 15-6.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hồi cuối tuần qua đã đến hòn đảo đẹp như tranh vẽ Santorini để khai mạc mùa du lịch của nước này. “Hy Lạp sẵn sàng chào đón khách du lịch vào mùa hè này bằng cách đặt sự an toàn và sức khỏe của du khách là ưu tiên số một”, ông nói trong một tuyên bố bằng tiếng Anh. Kể từ ngày 15-6, các chuyến bay quốc tế đến và đi Hy Lạp sẽ được nối lại ở những sân bay lớn, sau gần 3 tháng bị phong tỏa.

Hy Lạp cũng sẽ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với các du khách đến từ những sân bay bị Cơ quan an toàn hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) đánh giá là có nguy cơ cao. Những hành khách phát hiện dương tính với virus sẽ bị cách ly 14 ngày. Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ dần mở cửa trở lại các quốc gia bên ngoài khu vực Schengen không biên giới từ tháng 7.

Mỹ Latinh - tâm dịch mới toàn cầu

Brazil hiện là quốc gia có số ca tử vong do virus cao thứ hai, chỉ sau Mỹ. Nước này chứng kiến thêm gần 21.000 ca nhiễm và 890 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 850.796 và 42.791. Giới chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm thực sự ở Brazil có thể cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm hạn chế.

Peru chưa công bố số liệu mới, nhưng theo số liệu mới nhất, số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 220.749 và 6.308. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Chile đã từ chức cuối tuần qua trong bối cảnh số người thiệt mạng tiếp tục gia tăng. Tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh, trường học, nhà hàng, quán bar đóng cửa. Chỉ các cửa hàng bán hàng thiết yếu được phép đón khách, ngoài ra các cửa hiệu quần áo, bán đồ gia dụng hay văn phòng phẩm có thể cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi.

Trong khi đó, số người nhiễm mới và tử vong ở Mỹ vẫn tăng mạnh. Vùng dịch lớn nhất thế giới này ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm và gần 118.000 ca tử vong. 2 trong số các bang đông dân nhất ở Mỹ là Texas và Florida tuần này ghi nhận mức tăng ca nhiễm trong một ngày cao kỷ lục, dấu hiệu đáng lo ngại khi tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Các giới chức nước này giải thích nguyên nhân là các bang nói trên tăng xét nghiệm và số ca nhiễm trên đầu người vẫn thấp, nhưng một số chuyên gia y tế nhận định đây là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn hoành hành.

KHẢ ANH

>> Dịch Covid-19 có thể khiến số người “siêu nghèo” tăng sốc

>> Lãnh đạo Châu Âu lần đầu họp trực tiếp bàn về Covid-19

>> ASEAN đảm bảo an sinh xã hội cho nhóm dễ tổn thương vì covid-19