Lo ngại khan hiếm thuốc giải độc Botulinum
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đây là loại thuốc hiếm và 5 lọ thuốc giải được Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra Quảng Nam là những lọ thuốc duy nhất mà các bệnh viện khu vực phía Nam đang có. Các chuyên gia lo ngại, sẽ rất khó khăn nếu tiếp tục xuất hiện các ca ngộ độc Botulinum trong cộng đồng.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Đơn vị Hồi sức chống độc kiêm Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong số 9 nạn nhân ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép ủ chua tại Quảng Nam, chỉ có ba bệnh nhân nặng được truyền thuốc giải độc Botulinum. Hiện, cả ba người đều có cải thiện tích cực, trong đó hai trường hợp đã cai được máy thở. Như vậy tính đến nay, 3/5 lọ thuốc giải độc BAT được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra Quảng Nam đã sử dụng hết, hai lọ còn lại đang được lưu trữ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam để đề phòng xuất hiện thêm trường hợp ngộ độc Botulinum trên địa bàn. Bác sĩ Lê Quốc Hùng hy vọng không có thêm người ngộ độc Botulinum trong thời gian tới, bởi đây là hai lọ thuốc BAT cuối cùng của khu vực phía Nam.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, độc tố Botulinum có 7 type gồm: A, B, C, D, E, F, G. Trên thế giới hiện có 3 loại thuốc giải độc tố này nhưng chỉ riêng thuốc BAT có thể giải độc cho cả 7 type Botulinum. Vì thế, thuốc BAT rất hữu hiệu với các tình huống ngộ độc Botulinum vì có thể sử dụng cho bất kỳ type nào và không cần phải chờ đợi xét nghiệm type gây ngộ độc. “Thực tế cho thấy, sử dụng thuốc càng muộn, hiệu quả điều trị càng thấp. Điển hình như vụ ngộ độc pate Minh Chay vào năm 2020, bệnh nhân ngộ độc được truyền thuốc ở tuần thứ 3 nên kết quả không như mong đợi”, bác sĩ Lê Quốc Hùng phân tích.
Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent là loại thuốc quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà hiếm cả trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ. Không những đắt đỏ mà thuốc còn rất hiếm, hiện trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất. Trước năm 2020, Việt Nam không có thuốc giải Botulinum. Chỉ đến khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người rơi vào nguy kịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới hỗ trợ thuốc cho Việt Nam. Đến năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy nhập về 6 lọ BAT từ Canada (trong tổng số 30 lọ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu). 5 lọ thuốc điều chuyển ra Quảng Nam vào ngày 18-3 là số thuốc cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy và khu vực phía Nam. Nếu tiếp tục xảy ra các ca ngộ độc Botulinum, sẽ rất khó khăn để tìm thuốc giải. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, không phải bệnh nhân ngộ độc Botulinum nào cũng cần thuốc BAT. Một số ca nhẹ vẫn có thể tự điều hòa, phục hồi. Như chùm ca ngộ độc ở Quảng Nam, chỉ có 3/9 bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc giải BAT.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi chế biến, nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới nấu chín do độc tố Botulinum không bền với nhiệt, bất hoạt ở 80 độ C và phân hủy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút. Loại vi khuẩn này không phát triển được trong môi trường có độ pH dưới 4,6. Do vậy, người dân khi muối dưa, muối cà, măng… cần phải đậy kín, đảm bảo đủ độ chua, mặn mới dùng. Thực phẩm khi hết chua không nên ăn.
Đ.H