Báo Công An Đà Nẵng

Lo ngại mạng lưới Al-Qaeda tại Iran

Thứ năm, 25/04/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Vụ âm mưu khủng bố bất thành ở Canada đang làm dấy lên những lo ngại khi hai đối tượng này nhận được sự hỗ trợ từ nhánh Al-Qaeda ở Iran. Thông tin này khiến nhiều người không tin bởi khó có thể tồn tại một liên minh hoạt động giữa Iran, một quốc gia Hồi giáo Shitte, và Al-Qaeda, một tổ chức Hồi giáo Sunni.

Nguyên nhân do Al-Qaeda và Taliban chưa bao giờ coi người Shitte là Hồi giáo mà thậm chí còn coi họ là kẻ thù. Nhưng một nguồn tin từ Chính phủ Mỹ nói rằng, Iran hiện là nơi cư trú của một số nhân vật cấp cao của Al-Qaeda.

AL-QAEDA ĐẾN ẨN NÁU TẠI IRAN

* Nghi phạm âm mưu khủng bố Canada bác cáo buộc

Ngày 24-4, nghi phạm Raed Jaser, 35 tuổi bác bỏ các cáo buộc chống lại y trong phiên tòa tại Montreal, Canada.

AP đưa tin: Raed Jaser, 35 tuổi bị buộc tội âm mưu đánh bom một chuyến tàu chạy giữa thành phố New YorkCanada dưới sự hướng dẫn của các thành viên Al-Qaeda ở Iran. Tại tòa, Jaser tuyên bố ngắn gọn bằng tiếng Pháp, “các kết luận được thực hiện dựa trên sự kiện và lời nói nên không có tính thuyết phục”. Trong khi đó, tên đồng phạm Chiheb Esseghaier, 30 tuổi, bị bắt chiều 23-4 tại một nhà hàng McDonald cũng sẽ sớm ra hầu tòa ở Toronto.

Câu chuyện quay ngược lại thời điểm cuối năm 2001. Khi đó, quân đội Mỹ và các đồng minh của Afghanistan, Liên minh phương Bắc, đang trên đường đến Kabul để lật đổ chính quyền Taliban, chính phủ Iran dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami đã lựa chọn hỗ trợ Liên minh phương Bắc.

Tuy nhiên, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei lo lắng, quân đội Mỹ đang trên ngưỡng cửa của đất nước mình - trên biên giới phía đông của Iran. Ông gửi sứ giả đến Kandahar, thành trì của Taliban, để mở một đường thông tin liên lạc và đề nghị trợ giúp. Nhưng đã quá muộn. Taliban cho biết, họ không cần vũ khí và tiền bạc, mà cần một nơi an toàn bên ngoài Afghanistan. Và Iran đồng ý cung cấp nơi ẩn náu cho nhóm khủng bố này. Tháng 11-2001, Tehran lập trại tị nạn Afghanistan ở vùng đất không người nằm ở biên giới hai nước nhằm giúp hàng ngàn người tị nạn đang trên đường hướng tới quốc gia Hồi giáo do lo sợ chiến tranh. Đa số các gia đình này ủng hộ Taliban. Trại tị nạn thậm chí còn có các chiến binh Taliban canh gác.

Một số người Iran đến trại để sàng lọc những người tị nạn, xác định các nhân vật Al-Qaeda cao cấp và giúp họ qua biên giới. Tehran cũng cho phép trong hàng trăm nhân vật cấp cao của Taliban đến Iran. Trong đó có cả các thành viên của gia đình trùm khủng bố Osama Bin Laden, gồm một trong những người vợ của y, hai con trai - Khalid, người bị tiêu diệt cùng với Bin Laden trong vụ đột kích của Mỹ vào Abbottabad hồi năm 2011 và Saad, người bị giết trong năm 2009 - và cả con gái Iman. Ngoài ra, còn nhiều nhân vật cấp cao Al-Qaeda khác,  như Suleiman Abu Gaith, mang quốc tịch Kuwait, con rể của Bin Laden, người chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước hay Mohammad al-Masri, người được cho đứng đằng sau vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1998...

 Sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan vào năm 2001, hàng ngàn người Afghanistan tìm cách lánh nạn ở Iran. Ảnh: BBC

TRAO ĐỔI CON TIN

Tuy nhiên, tất cả những nhân vật này nhanh chóng biến thành con tin của chính phủ Iran, bị quản thúc tại gia hoặc đưa đến các nhà tù ở miền Nam. Quốc gia Hồi giáo cũng ngay lập tức thay đổi giọng điệu và xem các con tin này như một món hàng để thương lượng.

Năm 2003, Tehran đưa ra một thỏa thuận với chính quyền Mỹ: trao đổi một số nhân vật cấp cao của Al-Qaeda để đổi lấy các nhà lãnh đạo của một nhóm đối lập có vũ trang Iran đang bị cầm tù ở Iraq, Tổ chức Mujahideen Khalq (MKO). Năm 2010, con gái của Bin Laden trốn thoát khỏi nơi bị quản thúc ở Tehran và đến lánh nạn tại Đại sứ quán Saudi Arabia. Cuối cùng, cô được phép rời khỏi Iran - nhưng đổi lại, một nhà ngoại giao Iran, Heshmatullah Attar-Zadeh Niaki, người đã bị bắt cóc ở Pakistan trước đó, được trả tự do.

Hiện nay, vẫn còn một số các nhân vật cấp cao của Al-Qaeda tại Iran. Dù bị các cơ quan tình báo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran theo dõi chặt chẽ, những người này vẫn hoạt động tích cực, thiết lập quan hệ với mạng lưới Al-Qaeda ở Pakistan- và thậm chí còn giúp huy động tài chính nước ngoài, hỗ trợ và hướng dẫn cho các thành viên không có kiến thức về chính quyền Iran.

Mạng lưới này không được chính phủ Iran bảo trợ nhưng rõ ràng, sự hiện diện của các nhân vật này trở thành một trách nhiệm rất lớn đối với chính phủ Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

An Bình

(Theo BBC)