Lo người ta dọa
(Cadn.com.vn) - Xin nói rõ ở đây là những đội bóng ở V-League dọa bỏ giải. Còn người lo là Ban tổ chức vì khi các đội bóng dọa bỏ giải thì phải chịu áp lực, xa hơn sợ các đội bóng bỏ thật.
Một loạt đội bóng giải tán, chuyển giao suất ở giai đoạn đầu mùa giải vì kinh tế khó khăn khiến V-League và hạng Nhất một phen lao đao. Cái thời đua nhau làm bóng đá đã xa rồi ở Việt Nam. Vì thế, giờ đây hễ có đội dọa bỏ giải là người ta lại lo, lo họ bỏ thật chứ chẳng phải nói chơi. Nhưng cũng có nhiều trường hợp dọa bỏ giải là để gây áp lực.
Chiêu bài để gây sức ép (!?)
Dường như, dọa bỏ giải là một cách thức phản ứng rất có hiệu quả ở V-League hiện nay, hay nói cách khác là chiêu bài để các CLB gây áp lực với Ban tổ chức giải. Vì thế, nhiều đội bóng từng “áp dụng” chiêu bài này như XMXT Sài Gòn, K. Kiên Giang, V. Hải Phòng và gần đây nhất là Thanh Hóa. Trước đó, SHB Đà Nẵng từng kiến nghị dừng giải để chấn chỉnh trọng tài...
Điều đáng nói, phần lớn những CLB dọa bỏ giải đều bức xúc với tiếng còi của đội ngũ trọng tài. Công tác trọng tài ở V-League vốn là đề tài muôn thuở. Hầu như mùa giải nào, giai đoạn nào, giới vua sân cỏ cũng để lại những tranh cãi. Không hề võ đoán khi nói rằng, chất lượng trọng tài ở V-League chính là một phần tạo ức chế đối với nhiều đội bóng, cầu thủ.
Những tồn tại của công tác trọng tài là nguyên nhân chính khiến nhiều đội bóng dọa bỏ giải. |
Tuy nhiên, một khi V-League được xem là chuyên nghiệp thì chúng ta không ai cổ súy cho những cách hành xử nghiệp dư của nhiều đội bóng: Hễ bức xúc trọng tài là dọa bỏ giải. Không những thiếu chuyên nghiệp, cách hành xử này khiến hình ảnh nhiều đội bóng, nhiều ông bầu không đẹp chút nào trong mắt người hâm mộ. V-League là giải đấu tầm cỡ lớn nhất quốc gia, là niềm tự hào của bóng đá Việt Nam vì thế ở đó không nên tồn tại những cách hành xử như trẻ con.
Cũng có thể họ không dọa
Nếu như trước đây, các đội bóng dọa bỏ giải có thể dám chắc chỉ là một cách thức để gây sức ép lên Ban tổ chức. Tuy nhiên, sau hàng loạt đội bóng giải tán vì khủng hoảng kinh tế khiến V-League chỉ còn 12 đội và hạng Nhất còn 8 đội, thì giờ đây hễ có đội nào dọa bỏ giải khiến Ban tổ chức lo thật sự.
Những CLB dọa bỏ giải mùa này là K. Kiên Giang, XMXT Sài Gòn và Thanh Hóa đều có nguy cơ bỏ giải thật chứ chẳng chơi. Trước hết nói về K. Kiên Giang, đội bóng này rất khó khăn về tiền bạc ngay từ đầu mùa giải. Thế nên khi họ dọa bỏ giải thì lãnh đạo VPF hết sức lo lắng vì sợ bể giải. Đến thời điểm này, K. Kiên Giang chưa đứt gánh nửa chừng và trụ lại với V-League đã được xem là một thành công với họ cũng như mùa giải. Còn 5 vòng đấu nữa mùa giải hạ màn, và K. Kiên Giang đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng tài chính trầm trọng. Vì thế, nếu như thầy trò HLV Lại Hồng Vân lên tiếng đòi bỏ giải vì một bức xúc nào đó thì đúng là họa cho Ban tổ chức chứ sẽ không phải là dọa. Trước trận làm khách sân Thanh Hóa, các cầu thủ K. Kiên Giang từng đình công vì bị nợ tiền lương, thưởng, lót tay.
XMXT Sài Gòn dù được chống lưng bởi bầu Thụy vốn rất đam mê bóng đá nhưng “năm lần bảy lượt” đòi nghỉ chơi vì bức xúc trọng tài, vì bị nghi bán độ... Đã có thời điểm đội bóng này làm căng với Ban tổ chức khiến nhiều người tưởng họ bỏ giải thật. Đến thời điểm này, dân trong nghề vẫn truyền tai nhau rằng XMXT Sài Gòn sẽ giải tán khi mùa giải 2013 kết thúc khiến những vị lãnh đạo VPF hết sức lo.
Còn trường hợp của Thanh Hóa, rõ ràng đây là “hiện tượng” không bình thường. Thực ra, bầu Nguyễn Văn Đệ từng dùng chiêu “dọa bỏ giải” để gây áp lực lên Ban tổ chức trước đó. Nhưng Thanh Hóa cứ lặp đi lặp lại điệp khúc này khiến không ít người nghĩ rằng họ đang chán bóng đá (!?).
Cần một chế tài
Rõ ràng, V-League còn quá nhiều thứ chưa chuyên nghiệp. Trong đó, cái cách hễ bức xúc là dọa bỏ giải của nhiều đội bóng là rất nghiệp dư. V-League muốn chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam muốn phát triển phải cần đến những đội bóng chuyên nghiệp, những ông bầu đam mê và chuyên nghiệp chứ không phải hễ ra là dọa bỏ giải.
Vì thế, trong nay mai, VFF, VPF cần phải có một chế tài xử phạt nghiêm minh với các đội bóng hễ ra là “dọa bỏ giải”. Tất nhiên cùng với đó, công tác tổ chức, trọng tài cần được cải thiện mạnh mẽ để tạo sự yên tâm cho các đội bóng thi đấu.
Khánh Hòa